NGUỒN VỐN FDI XANH VỚI TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TẠI VIỆT NAM

I. ĐẶT VẤN ĐỀ 

Tăng trưởng xanh hiện đang là xu hướng phát triển bao trùm nền kinh tế thế giới, trong đó dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu gia tăng tập trung vào các lĩnh vực: công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; năng lượng sạch…Với hàng ngàn dự án trải khắp các tỉnh, thành, khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, những nhà đầu tư với các dự án bền vững, xanh hóa đã và đang lựa chọn Việt Nam để “xây tổ”, cho thấy dòng vốn FDI đã và đang có những đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển bền vững cũng như góp phần nâng cao chất lượng hội nhập kinh tế của nước ta.

II. NỘI DUNG

2.1. Khái niệm FDI xanh

FDI xanh có thể được giải thích theo những cách khác nhau. UNCTAD  (2008) đề cập tới FDI xanh gồm 2 loại: (1) Là đầu tư trực tiếp nước ngoài tuân theo tiêu  chuẩn môi trường quốc gia; (2) Đầu tư vào việc sản xuất trực tiếp các sản phẩm và dịch vụ môi trường ở nước nhận đầu tư. World Bank (2010) cho rằng, FDI xanh là hoạt động đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm hay nguyên vật liệu tái tạo hoặc thay thế. Báo cáo của IMF do Eyraud và cộng sự (2011) cho rằng, FDI xanh là đầu tư cần thiết để giảm hiệu ứng khí nhà kính và ô nhiễm không khí mà không làm giảm đáng kể khả năng sản xuất và tiêu thụ hàng hóa năng lượng hoặc phi năng lượng. Đầu tư xanh bao gồm cả đầu tư của nhà nước và tư nhân. Có hai hình thức chính của đầu tư xanh: (i) Nguồn cung cấp năng lượng phát thải thấp (bao gồm cả năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học, hạt nhân và sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực cung cấp năng lượng, tiêu thụ năng lượng; (ii) Hấp thụ carbon (bao gồm trồng rừng và phát triển nông nghiệp).

OECD (2012) cho rằng, không có một định nghĩa duy nhất giữa các nhà đầu tư về những gì mà đầu tư xanh đòi hỏi. Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu lên quan điểm về đầu tư xanh, theo đó các khoản đầu tư “xanh” đề cập đến các khoản đầu tư có lợi cho môi trường, phát thải carbon thấp và các dự án tài trợ chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, công nghệ môi trường hoặc những thị trường liên quan đến sự bền vững, hay lĩnh vực biến đổi khí hậu.

Như vậy, có rất nhiều quan điểm về đầu tư xanh. Một cách tổng quát, đầu tư xanh là một quá trình đưa ra các quyết định đầu tư dựa trên các tiêu chí bảo vệ môi trường với mục đích: (i) Tác động tích cực đến môi trường; (ii) Tạo ra một khoản lợi nhuận tài chính nhất định đối với các khoản đầu tư được thực hiện.

2.2. Thực trạng FDI xanh ở Việt Nam 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, tổng số dự án FDI được đầu tư tại Việt Nam là 36.109 dự án, với tổng số vốn đầu tư đạt hơn 437.618 triệu USD. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng xanh vẫn còn chiếm tỷ trọng khá ít trong cơ cấu. Cụ thể, lĩnh vực sản xuất phân phối điện, khí, nước và điều hòa có 183 dự án và 38.315 triệu USD vốn đầu tư đăng ký, chiếm tỷ trọng 8,76%. FDI dành cho các hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có tổng vốn đầu tư là 4.723 triệu USD (tăng 15% so với cuối năm 2021), chiếm tỷ trọng 1,08%. FDI trong lĩnh vực cấp nước và xử lý nước thải với 83 dự án, tổng vốn đăng ký là 3.036 triệu USD (chỉ chiếm 0,23% số dự án và 0,69% tổng vốn đầu tư cam kết). Trong khi đó, hầu hết các dự án FDI của Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực không thân thiện với môi trường, mức phát thải cao. Hai lĩnh vực có tỷ trọng cao nhất trong tổng số vốn đăng ký là công nghệ, chế biến, chế tạo và hoạt động kinh doanh bất động sản lần lượt chiếm 59,23% và 15,13%. Nhìn chung, hoạt động thu hút FDI tại Việt Nam đều ghi nhận mức tăng ở tất cả các lĩnh vực; tuy nhiên, cần thiết phải có những thay đổi trong chiến lược, đặc biệt chú trọng việc thu hút nguồn vốn FDI xanh nhằm hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững, hướng tới cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. 

Cơ cấu FDI tại Việt Nam theo ngành

                                                        Đơn vị: Triệu USD

Trong giai đoạn gần đây, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, các dự án đầu tư đang dần đảm bảo các tiêu chuẩn để phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững của Việt Nam. Một số dự án điển hình trong giai đoạn gần đây có thể kể đến như nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO tại Bình Dương, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn tại Bình Thuận, dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Bạc Liêu, dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao T&J tại Bắc Ninh… 

 - Nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO tại Bình Dương: Ngày 03/11/2022, nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO tại Bình Dương chính thức được khởi công và dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất trong năm 2024. Đây là dự án của LEGO - tập đoàn sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới có trụ sở chính tại Đan Mạch có tổng đầu tư hơn 1 tỷ USD. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ sử dụng năng lượng mặt trời bằng các tấm pin được lắp đặt trên mái nhà, đồng thời, VSIP (Vietnam Singapore Industrial Park) cũng sẽ thay mặt LEGO xây dựng một dự án năng lượng mặt trời ở gần đó. Khi cả hai kết hợp lại, mạng lưới năng lượng mặt trời sẽ sản xuất năng lượng tái tạo để đáp ứng 100% yêu cầu năng lượng hàng năm của nhà máy (Nhật Xuân, 2022). Ngoài ra, việc xây dựng sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn LEED Gold (Leadership in Energy and Environmental Design) về sử dụng năng lượng, nước và chất thải có trách nhiệm, đồng thời được thiết kế để vận hành các trang thiết bị sử dụng năng lượng điện nhằm nâng cao hiệu quả bền vững. Các cam kết phát thải sẽ được Tập đoàn LEGO thực hiện bằng cách cùng VSIP trồng 50.000 cây xanh tại Việt Nam để bù đắp cho thảm thực vật bị thiệt hại trong quá trình xây dựng nhà máy. 

- Dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Bạc Liêu: Đây là dự án do đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài, do Công ty Delta Offshore Energy Pte.Ltd (Singapore) làm chủ đầu tư, cùng Tập đoàn Bechtel (Mỹ) là tổng thầu EPC (Engineering, Procurement and Constrution)và các đối tác. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4 tỷ USD (tương đương 93.600 tỷ VND) (Trung Đức, 2020). Dự án được thiết kế với tổng công suất 3.200 MW. Nhà máy áp dụng công nghệ tiên tiến của Tập đoàn General Electric, với dòng máy tuabin khí chu kỳ hỗn hợp 9HA-02, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về năng lượng sạch và an toàn lưới điện.

- Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao T&J tại Bắc Ninh: Đây là dự án do Công ty trách nhiệm hữu hạn Năng lượng xanh là chủ đầu tư, được ký kết hợp tác đầu tư vào tháng 11/2021 bởi Tập đoàn công nghiệp JFE Nhật Bản và Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 58 triệu USD, trong đó, Bộ Môi trường Nhật Bản tài trợ 20 tỷ Yên (tương đương 18 triệu USD), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) hợp tác tài trợ số vốn vay là 30 triệu USD và 10 triệu USD còn lại là vốn đối ứng của chủ đầu tư (Cảnh Hưng, Minh Huế, 2021). Theo kế hoạch, nhà máy sẽ được thiết kế với công suất xử lý 500 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, hiệu suất phát điện 11,6 MW và có thể tạo ra hơn 91.800 MWh năng lượng sạch mỗi năm. Nhà máy được khởi công xây dựng vào tháng 01/2022 và dự kiến đi vào hoạt động trong quý IV/2023.

2.3. Một số đề xuất trong việc thu hút vốn FDI xanh cho nền kinh tế Việt Nam 

Trên cơ sở phân tích thực trạng nêu trên, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị sau:

- Ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.

- Xây dựng và ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn về khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong thu hút và sử dụng FDI. Các yêu cầu về môi trường và đánh giá tác động về môi trường cần được ưu tiên hàng đầu. Nâng cấp tiêu chuẩn về môi trường để làm căn cứ không tiếp nhận các dự án không khuyến khích đầu tư (như: dệt nhuộm sử dụng công nghệ cũ...). Luôn đảm bảo nguyên tắc không thu hút FDI bằng mọi giá; không thu hút các dự án có nguy cơ hủy hoại tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

- Rà soát, sửa đổi pháp luật về đăng ký chuyển giao công nghệ; nhập khẩu máy móc, thiết bị của doanh nghiệp FDI nhằm kiểm soát, thúc đẩy công nghệ và chuyển giao công nghệ; ngăn ngừa, hạn chế tình trạng gian lận và tiếp nhận công nghệ không thân thiện với môi trường.

- Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao... thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.

- Xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng để tăng liên kết giữa FDI và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu đối với việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan tới đầu tư nước ngoài; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các vi phạm về bảo vệ môi trường.

- Không gia hạn, mở rộng hoạt động đối với các dự án sử dụng công nghệ thấp, không đáp ứng được tiêu chuẩn công nghệ, môi trường.

- Đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ làm công tác quản lý liên quan đến FDI, chú trọng cập nhật kiến thức về xu hướng vốn FDI xanh; các tiêu chí FDI xanh trên thế giới; kinh nghiệm quản lý dự án FDI xanh; kinh nghiệm xử lý các rủi ro môi trường kể cả từ các dự án FDI đã được cam kết ”xanh”...  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Thị Hồng Ngọc (2021) Thu hút FDI xanh vì sự phát triển bền vững của Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 25, tháng 9/2021

2. Thủ tướng Chính phủ (2012). Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050

3. Tổng cục Thống kê (2023), Niên giám Thống kê năm 2022, Nxb Thống kê

4. Trang web: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023)


Bài viết khác