Ứng dụng Công nghệ thông tin trong quá trình công tác Kế toán, Kiểm toán

Công nghệ số giúp lĩnh vực kế toán Việt Nam tham gia ngày càng hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, vào thị trường dịch vụ tài chính, đóng góp tích cực cho tăng trưởng của đất nước. Công nghệ nói chung và CMCN 4.0 nói riêng, có thể tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt nhưng cũng là cơ hội để các tổ chức tài chính, kế toán không ngừng phát triển dịch vụ tài chính, kế toán chuyên nghiệp hơn, góp phần công khai minh bạch các thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân. CMCN 4.0 cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh lớn, giữa các DN cung cấp dịch vụ kế toán. Trong quá trình này, các DNNVV có nguy cơ giảm thị phần do các DN lớn có nguồn lực về công nghệ thâu tóm khách hàng cũng như sự cạnh tranh của các DN cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán xuyên quốc gia. Tuy nhiên, xu thế này cũng sẽ làm cho thị trường dịch vụ kế toán phát triển hơn, chuyên nghiệp hơn và mạnh hơn.

Thứ nhất, tác động vào quy trình kế toán

Kinh tế số và cuộc CMCN 4.0, đang ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ vào quy trình kế toán. Nhờ công nghệ thông tin, hoạt động kế toán tại DN trở nên hiệu quả hơn, minh bạch hơn và chuyên nghiệp. Việc ứng dụng internet kết nối vạn vật, lưu trữ và phân tích thông tin trên nền tảng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo trong kế toán giúp cho việc thu thập, tính toán và báo cáo dữ liệu đơn giản và nhanh chóng hơn, để những người làm kế toán tập trung vào các trách nhiệm cao hơn. Quá trình ứng dụng trí thông minh nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Điện toán đám mây (iCloud), Vạn vật kết nối (ITs), sẽ giúp xử lý được những vấn đề phức tạp mà không mất quá nhiều thời gian và chi phí. Chẳng hạn, với hệ thống kế toán, kiểm toán trên nền tảng điện toán đám mây, lãnh đạo DN có thể truy cập vào hệ thống và có được dữ liệu báo cáo về DN của mình bất cứ thời gian nào. Các dữ liệu đó bao gồm hàng tồn kho, tổng doanh thu và tổng chi phí. Hơn nữa, hệ thống này còn giúp cho DN tiết kiệm thời gian, trong xây dựng quy trình công việc. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy, công nghệ cũng giúp hạn chế, loại trừ sự nhầm lẫn và tối thiểu hóa các lỗi kế toán.

Thứ hai, tạo ra cơ hội tiếp cận phần mềm tiện ích, chi phí phù hợp

Các nghiên cứu trên thế giới mới đây cho thấy, CMCN 4.0 với các ứng dụng vạn vật, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn, điện toán đám mây, việc phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối trên toàn thế giới… sẽ mở ra cơ hội tốt cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán tiếp cận những phần mềm tiện ích, chi phí phù hợp, giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiết kiệm thời gian, nhân lực, tiếp cận hệ thống kế toán, kiểm toán quốc tế. Các phần mềm và hệ thống thông minh sẽ thay thế công việc thủ công, tự động hóa các quy trình phức tạp, hỗ trợ các xu hướng dịch vụ thuê ngoài và tái sử dụng nội bộ một số dịch vụ khác. Việc phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối trên toàn thế giới, sẽ mở ra cơ hội để ngành kế toán tiếp cận những phần mềm kế toán tiện ích với chi phí phù hợp. Từ đó, sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiết kiệm thời gian, nhân lực, tiệm cận hệ thống kế toán quốc tế...

Thứ ba, tác động đến ngành nghề và nhân viên kế toán

Kế toán viên (KTV) tại Việt Nam, có thể thực hiện công việc kế toán ở bất cứ đất nước nào trên toàn thế giới. Cùng với đó, các KTV ở quốc gia được chấp nhận hành nghề ở Việt Nam đều thực hiện công việc kế toán của DN, tổ chức tại Việt Nam. Hơn nữa, công nghệ số và CMCN 4.0 tác động đến nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực kế toán, khuyến khích các cá nhân nỗ lực học tập nâng cao trình độ khoa học công nghệ, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác chuyên môn, để bắt kịp với xu thế và không “loại mình khỏi cuộc chơi”. Thách thức lớn nhất mà ngành kế toán hiện phải đối diện là, yêu cầu về lao động có trình độ công nghệ thông tin. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nguồn nhân lực kế toán của Việt Nam đã sẵn sàng hội nhập nhưng số lượng và chất lượng còn nhiều hạn chế (có tới 2/3 sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán chưa đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng, xét trên nhiều khía cạnh.

Thứ tư, tác động đến hoạt động đào tạo kế toán

Xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đã và đang đặt ra, đòi hỏi Việt Nam phải phát triển nguồn nhân lực kế toán có tính chuyên nghiệp cao, đủ năng lực cạnh tranh với lao động của các nước khác trong khu vực cũng như dòng dịch chuyển nguồn nhân lực giữa các quốc gia. Cùng với xu hướng hội nhập quốc tế, sự bùng nổ của thành tựu CMCN 4.0 gắn với trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Vạn vật kết nối (ITs), Sổ cái (Blockchain), Điện toán đám mây (Iclound)... dự báo sẽ làm thay đổi cơ bản phương thức thực hiện các công việc kế toán hiện nay. Bằng việc áp dụng chứng từ điện tử, bằng các phần mềm tổng hợp, xử lý dữ liệu tự động, ghi sổ kế toán cũng như cho phép thực hiện các phương thức kiểm toán trong môi trường tin học hóa. Như vậy, các phương thức giảng dạy truyền thống cần thay đổi, nội dung chương trình cần có sự cập nhật thường xuyên.

Cơ hội, thách thức cho ngành kế toán

Những thành tựu từ CMCN 4.0 đem lại nhiều cơ hội cho ngành kế toán, được thể hiện qua những khía cạnh sau:

Thứ nhất là, thu thập thông tin

Thông qua việc sử dụng các trang thiết bị, các chương trình, công nghệ số hiện đại, KTV có thể thu thập các thông tin mà trước đây họ khó thu thập được. Bên cạnh đó, KTV có thể chiết xuất dữ liệu từ những kho dữ liệu khổng lồ, phục vụ cho tất cả các loại quyết định, các cấp lãnh đạo, các loại trạm kiểm soát thông tin ra quyết định và tất cả những người có lợi ích liên quan. Việc này có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, miễn là có internet. Sự linh hoạt này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các KTV làm dịch vụ cho cùng lúc nhiều DN, thay vì phải liên tục di chuyển giữa trụ sở làm việc và các DN thuê làm sổ sách kế toán.

Thứ hai là, chất lượng thông tin

Blockchain - công nghệ sử dụng sổ cái phân tán giúp nâng cao chất lượng dữ liệu thông qua các lịch trình tốt hơn, tính chính xác cao hơn và nhiều chi tiết hơn để cải thiện hiệu quả, bảo đảm về mặt dữ liệu; cải thiện việc truyền tải dữ liệu cho việc hoạch định và quản lý; nâng cao độ tin cậy và hợp lý của việc báo cáo thông qua việc tự kiểm soát hoặc các hệ thống tự kiểm… Các giao dịch khi đã được lưu trữ trong sổ cái thì sẽ không thể thay đổi được. Hơn nữa, mỗi chủ thể tham gia mạng lưới blockchain đều được lưu giữ một bản sao của sổ cái chung và bản này luôn được cập nhật đồng bộ thông qua một cơ chế đồng thuận, nên bất cứ thay đổi nào xảy ra, các chủ thể đều biết và có quyền chấp nhận hay không. Cơ chế hoạt động này bảo đảm sự minh bạch và bảo mật đối với các giao dịch giữa các chủ thể trong mạng lưới.

Thứ ba là, mở rộng thị trường

CMCN 4.0 giúp cho việc tổ chức thực hiện công tác kế toán một cách dễ dàng, hiệu quả từ việc thu thập thông tin (chứng từ kế toán); xử lý thông tin (ghi sổ kế toán); cung cấp thông tin (báo cáo tài chính); lưu trữ bảo quản tài liệu, thông tin kế toán và tổ chức bộ máy kế toán gọn nhẹ; tiết kiệm chi phí cho DN. Công nghệ đám mây giúp thông tin được lưu trữ với khối lượng lớn, không bị giới hạn và thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ, để đạt được kết quả mong muốn.

Hơn nữa, trong thời đại 4.0, các phần mềm kế toán ngày càng được phát triển và cải thiện, chúng không chỉ đưa ra các giải pháp tiết kiệm thời gian cho chứng từ sổ sách, mà còn đảm bảo độ chính xác cao. Nhờ nâng cao chất lượng dịch vụ, mà các công ty kế toán có thêm cơ hội tiếp cận với hệ thống kế toán quốc tế, từ đó có thể mở rộng thị trường dịch vụ kế toán.

Thứ tư là, đội ngũ kế toán

Những tiến bộ của cuộc CMCN 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến việc học tập nâng cao tay nghề và ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào công tác chuyên môn của đội ngũ kế toán, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng lao động của các KTV.

Những thách thức

Bên cạnh những cơ hội, CMCN 4.0 cũng đem lại cho ngành kế toán ở Việt Nam không ít những thách thức.

Đầu tiên, kế toán là một trong những ngành nghề đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin, quy trình kế toán đã và sẽ có sự thay đổi căn bản, khi hầu hết các phần hành kế toán đều ứng dụng công nghệ thông tin, kể cả hoạt động ghi sổ, lập báo cáo tài chính. Do vậy, thách thức lớn nhất mà ngành kế toán gặp phải trong bối cảnh CMCN 4.0, là yêu cầu về lao động có trình độ công nghệ thông tin. Thực tế cho thấy, kiến thức, hiểu biết, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của các KTV, hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều. Trong khi đó, công tác đào tạo mới chỉ dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức nền, chưa chuyên sâu, đa ngành, nhất là đối với những kiến thức mang tính đặc thù công nghệ, bảo mật và trí tuệ nhân tạo... Cơ sở vật chất của hầu hết các cơ sở đào tạo kế toán ở Việt Nam còn nghèo nàn, thiếu phòng thực hành, thiếu hệ thống thư viện hiện đại. Một số cơ sở đào tạo đã có hệ thống thư viện, nhưng còn hạn chế về không gian đọc, các tiện ích, đầu sách và cơ sở dữ liệu phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy, học tập. Đây chính là nguyên nhân làm cho công tác nghiên cứu, giảng dạy của giảng viên gặp nhiều khó khăn, môi trường học tập của người học không thuận lợi.

Hai là, chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin của các DN kế toán nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Việc áp dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác thường xuyên của ngành kế toán mặc dù đã có nhiều tiến bộ, song vẫn còn tương đối hạn chế và chưa đi vào chiều sâu, chưa phục vụ được những hoạt động tác nghiệp cụ thể có tính phức tạp và đặc thù chuyên môn cao.

Thứ ba, thách thức liên quan đến rủi ro mất thông tin, dữ liệu thông qua việc kết nối internet cũng là một vấn đề quan trọng, đối với các công ty kế toán. Thông tin, kết quả kế toán có thể bị rò rỉ từ việc gửi thư điện tử tới đơn vị hoặc các tổ chức, cá nhân bên ngoài, trao đổi qua mạng nội bộ. Các phần tử xấu có thể lợi dụng các thông tin, kết quả kế toán chưa chính thức, để thực hiện các mục đích phá hoại, gây ảnh hưởng tới DN.

Tin bài: Mạnh Cường


Bài viết khác