Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam: Những vấn đề đặt ra và một số khuyến nghị

Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam: Những vấn đề đặt ra và một số khuyến nghị

 

                                                                                                                                                                                                                                        Trương Bá Tuấn

Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính

 

           Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là sắc thuế có vai trò và vị trí quan trọng trong hệ thống thuế của Việt Nam. Việc thực hiện chính sách thuế TNDN của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm qua đã góp phần quan trọng trong việc huy động nguồn lực cho ngân sách nhà nước (NSNN), và cũng như trong việc thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, cùng với tiến trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, chính sách thuế TNDN hiện hành cũng đã phát sinh một số điểm hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để rà soát, sửa đổi cho phù hợp, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng thời, xử lý được các yêu cầu đang đặt ra và đảm bảo phù hợp xu hướng cải cách chính sách thuế TNDN trên thế giới.  

1. Kết quả thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp

          Hầu hết các quốc gia đều đánh thuế đối với cả thu nhập và tiêu dùng. Trong khi thuế tiêu dùng là loại thuế chủ yếu đánh vào việc tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, được áp dụng tại thời điểm giao dịch hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì thuế thu nhập thường đánh vào thu nhập ròng trong một kỳ tính thuế. Trong hệ thống thuế thu nhập thì thuế TNDN là loại thuế đánh vào thu nhập tính thuế của các doanh nghiệp, thường được xác định dựa theo chênh lệch giữa thu nhập chịu thuế và số chi phí được phép khấu trừ theo quy định. Ở hầu hết các nước, thuế TNDN là loại thuế được thu theo tỷ lệ cố định, không thu theo biểu thuế suất lũy tiến như thuế thu nhập cá nhân (thuế suất tăng theo mức thu nhập chịu thuế).

           Ở Việt Nam, Luật Thuế TNDN đầu tiên được Quốc hội thông qua ngày 10/5/1997 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1999 thay cho Luật Thuế lợi tức trước đó. Hiện nay, chính sách thuế TNDN của Việt Nam được thực hiện theo Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12 ngày 03/6/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009 và các luật sửa đổi, bổ sung Luật này. Trong 10 năm qua, Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần vào các năm năm 2013, 2014 và 2020.

           Quá trình cải cách chính sách thuế TNDN ở Việt Nam từ năm 2011 đến nay nhìn chung đã được thực hiện theo định hướng, mục tiêu xác định trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020, từng bước tiếp cận với xu hướng cải cách chính sách thuế TNDN trên thế giới. Điểm nổi bật trong tiến trình cải cách chính sách thuế TNDN của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua là đảm bảo duy trì một sắc thuế TNDN không có sự đối xử phân biệt giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau; thực hiện giảm nghĩa vụ thuế cho mọi loại hình doanh nghiệp thông qua việc điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế TNDN phổ thông; từng bước mở rộng cơ sở thuế phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể, Việt Nam đã thực hiện giảm mức thuế suất phổ thông thuế TNDN từ 25% xuống 22% từ ngày 01/01/2014, riêng doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa được áp dụng mức thuế suất 20% ngay từ ngày 01/7/2013. Từ ngày 01/01/2016, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông tiếp tục được giảm xuống 20%, áp dụng thống nhất cho mọi loại hình doanh nghiệp.

           Việc quy định các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo nguyên tắc loại trừ cho phép doanh nghiệp được trừ các khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện quy định (như kèm theo hóa đơn, chứng từ, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với giao dịch trên ngưỡng quy định...); đồng thời, việc bỏ quy định khống chế khoản chi phí liên quan đến quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới… đã góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp giảm chi phí thuế TNDN và giảm chi phí tuân thủ, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.

           Cùng với đó, Việt Nam cũng đã có bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện các chính sách liên quan đến việc phòng, chống các hành vi chuyển giá, trong đó, đã ban hành các quy định về khống chế chi phí lãi vay đối với giao dịch liên kết.

          Về phương diện động viên nguồn lực cho NSNN, thu từ thuế TNDN đóng vai trò ngày càng quan trọng cơ cấu thu NSNN của Việt Nam. Tỷ trọng thu từ thuế TNDN (không kể thu thuế TNDN từ dầu thô) trong tổng thu NSNN mặc dù giảm vào những thời điểm thực hiện điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế TNDN phổ thông vào năm 2014 và 2016, tuy nhiên, sau đó đã có xu hướng tăng trở lại từ năm 2017 (Hình 2). Đến năm 2020, quy mô thu NSNN từ thuế TNDN (không tính thuế TNDN từ dầu thô) chiếm khoảng 16,2% tổng thu NSNN, tương đương 3,9% GDP. Mặc dù mức thuế suất phổ thông thuế TNDN được giảm mạnh từ 25% xuống 20% nhưng quy mô thu NSNN từ thuế TNDN (không tính thuế TNDN từ dầu thô) so với tổng thu NSNN và so với GDP cơ bản không có sự biến động quá lớn trong giai đoạn 2011- 2020 (Hình 1 và Hình 2). Nguyên nhân một phần là do tác động tích cực của việc thực hiện các biện pháp về mở rộng cơ sở thuế và tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế, cũng như sự phát triển của sản xuất - kinh doanh trong nước.

            Cùng với đó, Việt Nam cũng đã thực hiện chuyển đối tượng hưởng ưu đãi thuế TNDN theo diện đầu tư mới từ pháp nhân (doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư) sang ưu đãi thuế theo dự án đầu tư mới của doanh nghiệp, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận các chính sách ưu đãi về thuế TNDN. Ngoài ra, trong quá trình sửa đổi chính sách thuế TNDN cũng đã thực hiện rà soát, điều chỉnh phạm vi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn được ưu đãi thuế; bổ sung ưu đãi thuế TNDN đối với một số đối tượng cần khuyến khích như dự án đầu tư có quy mô lớn, sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các dự án thuộc diện được hỗ trợ đầu tư đặc biệt; bổ sung quy định miễn, giảm thuế đối với dự án đầu tư mở rộng nếu đáp ứng một số tiêu chí theo quy định. Việc áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế TNDN cùng với các biện pháp cải cách có liên quan khác đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong nước, đưa Việt Nam trở thành địa chỉ đầu tư hấp dẫn đối với nguồn vốn FDI (Trương Bá Tuấn, 2017).

          Ngoài ra, chính sách thuế TNDN của Việt Nam cũng đã được sử dụng một cách linh hoạt dưới giác độ là một công cụ kinh tế vĩ mô để hỗ trợ cho nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn, tăng trưởng kinh tế chậm. Cụ thể, tại những thời điểm khó khăn của nền kinh tế, một số chính sách về giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế TNDN cho một số nhóm đối tượng cũng đã được ban hành để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn những năm đầu của thập niên 2010 khi nền kinh tế phải ứng phó với các tác động bất lợi của tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước và trong 3 năm gần đây là trước các ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.

2. Một số vấn đề đặt ra đối với chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam

          Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, chính sách thuế TNDN hiện hành đã phát sinh một số hạn chế, bất cập cần được nhận diện để nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp, qua đó, để một mặt tiếp tục củng cố vai trò của sắc thuế trong hệ thống thuế, mặt khác đảm bảo tính minh bạch và đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển. Trong đó, các quy định cần được rà soát liên quan chủ yếu đến các khoản thu nhập được miễn thuế, thu nhập chịu thuế; các nguyên tắc xác định các khoản chi phí được trừ và không được trừ và các quy định về ưu đãi thuế TNDN.

           Bên cạnh đó, chưa có chính sách ưu đãi thuế TNDN (thuế suất, phương pháp tính thuế) nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phát triển hay thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Ở Việt Nam, các DNNVV hiện nay đang chịu sự điều chỉnh của các chính sách thuế TNDN tương tự như các doanh nghiệp có quy mô lớn. Trong khi đó, mặc dù không có sự phân biệt về chính sách nhưng trên thực tế so với các doanh nghiệp có quy mô lớn, các DNNVV đang gặp nhiều khó khăn, rào cản hơn trong việc tiếp cận với các chính sách ưu đãi thuế TNDN hiện có.

         Ngoài ra, theo đánh giá của nhiều nghiên cứu, tác động của chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với việc phân bổ nguồn lực và thu hút đầu tư có chọn lọc vào các lĩnh vực, địa bàn cần khuyến khích gắn với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam còn chưa cao, nên cần được rà soát lại cho phù hợp để hạn chế việc làm xói mòn cơ sở thuế không cần thiết. Chính sách ưu đãi thuế nói chung, ưu đãi về thuế TNDN nói riêng đã được xây dựng và áp dụng trong hơn 30 năm qua nhưng hiện đang có ít sự quan tâm đến việc xem xét, đánh giá “chi phí” của việc thực hiện các chính sách này trong mối tương quan với lợi ích dự kiến thu được từ các dự án đầu tư được hưởng ưu đãi. Khi yếu tố “chi phí” của việc áp dụng chính sách ưu đãi thuế không được chú trọng sẽ tạo ra những dư địa và động cơ yêu cầu tiếp tục mở rộng các chính sách này của các bộ, ngành, địa phương. Kéo theo là mức độ dàn trải trong áp dụng ưu đãi thuế có xu hướng ngày càng gia tăng, dẫn đến chi phí của việc áp dụng các chính sách ưu đãi thuế cao.

           Bên cạnh đó, ưu đãi thuế vẫn được coi như là một nhân tố cốt lõi chi phối đến quyết định của nhà đầu tư trong khi các yêu cầu khác, ví dụ, thông qua việc loại bỏ các rào cản thị trường và cắt giảm các khoản chi phí kinh doanh “gián tiếp” cũng có vai trò rất quan trọng chi phối đến tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước. Hiện nay, do không bị ràng buộc bởi các trách nhiệm cụ thể hay phải gánh chịu các “chi phí gián tiếp” từ việc áp dụng các chính sách ưu đãi thuế nên một số bộ, ngành và địa phương đã đưa ra các yêu cầu mới về ưu đãi thuế trong quá trình sửa đổi các chính sách có liên quan, trong đó có chính sách ưu đãi về thuế TNDN. Quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và địa bàn là căn cứ quan trọng trong việc xây dựng các chính sách ưu đãi thuế nói chung, ưu đãi thuế TNDN nói riêng nhưng vẫn còn tư duy mong muốn phát triển dàn đều các ngành, lĩnh vực. Thực tế này đã dẫn đến việc rà soát, hợp lý hóa các chính sách ưu đãi thuế gặp phải nhiều khó khăn, thậm chí có xu hướng mở rộng.

Tin bài: Hoàng Hiền (ST)


Bài viết khác