Nâng cao hiệu quả tuyển sinh giai đoạn 2022-2025

          Trường Đại học Kinh tế Nghệ An là cơ sở giáo dục đại học công lập, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng ứng dụng; là trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An và cả nước. Phương châm của Nhà trường chính là chất lượng, hiệu quả đào tạo là mục tiêu hàng đầu, nguyên tắc và định hướng cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của nhà trường. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay thì sự thu hút người học để đăng ký vào Trường Đại học Kinh tế Nghệ An nói riêng và tất cả các cơ sở giáo dục nói chung gặp rất nhiều khó khăn do nhiều yếu tố khách quan. Chính vì vậy Nhà trường xác định nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhất hiện nay đó là công tác tuyển sinh bởi nó là yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của nhà trường. Với nhiệm vụ đặc biệt như vậy nên lãnh đạo nhà trường cũng như Chi bộ Kế toán kiểm toán đã chỉ đạo sát sao, phân công nhiệm vụ cho Khoa kế toán kiểm toán làm thế nào để phát huy hiệu quả về công tác tuyển sinh nhất là trong giai đoạn hiện nay.

I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC TUYỂN SINH HIỆN NAY

1. Thuận lợi:

- Công tác tuyển sinh luôn được sự quan tâm của Đảng ủy và Ban giám hiệu, của Chi bộ Khoa, phòng  xem công tác tuyển sinh là khâu quan trọng trong hoạt động của nhà trường; Chi bộ khoa Kế toán kiểm toán đã luôn chỉ đạo sát sao nhiệm vụ trọng tâm này và Khoa Kế toán kiểm toán đã thực hiện rất tốt, luôn vượt chỉ tiêu tuyển sinh theo kế hoạch đề ra

- Nhà trường có bề dày hơn 60 năm xây dựng và phát triển, đã và đang tiếp tục khẳng định thương hiệu của một trường trọng điểm khu vực Bắc Miền Trung. Đội ngũ giảng viên nhà trường đều có trình độ thạc sỹ và tiến sỹ trong và ngoài nước với nhiều kinh nghiệm thực tế và tràn đầy nhiệt huyết. Cơ sở vật chất luôn được trang bị với nhiều thiết bị hiện đại, khang trang phục vụ rất tốt cho công tác giảng dạy và học tập.

- Nhà trường đào tạo nhiều ngành nghề, đặc biệt là ngành kế toán – ngành mũi nhọn của Nhà trường thì số lượng sinh viên tuyển được luôn đạt chỉ tiêu.

- Hình ảnh nhà trường cũng như Khoa Kế toán kiểm toán thường xuyên được quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, fanpage…qua việc triển khai thực hiện chiến lược phát triển trường, của Khoa từ đó giúp nhân dân nắm bắt được tình hình đào tạo của nhà trường nói chung và của ngành kế toán nói riêng để có lựa chọn đăng ký vào trường;

- Hàng năm nhà trường đều có kế hoạch, đề án tuyển sinh, trong đó chú ý đến việc quảng bá đến các trường phổ thông trung học, các trung tâm giáo dục thường xuyên…Và chi bộ Khoa Kế toán kiểm toán đã chỉ đạo rất sát sao cho khoa triển khai thực hiện đề án, kế hoạch tuyển sinh chung của Nhà Trường.

- Hiện tại phần lớn cán bộ, viên chức nhà trường rất quan tâm hỗ trợ công tác tuyển sinh, xem như là nhiệm vụ phải thực hiện. Riêng đối với chi bộ Khoa KTKT luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này mặc dù khối lượng công việc chuyên môn rất lớn.

2. Khó khăn

* Khó khăn chung của Nhà trường:

- Do tình hình đại dịch Covid vừa qua dẫn đến kinh tế khó khăn, thu nhập thấp không thể trang trải việc học nên xu hướng là các em muốn đi xuất khẩu lao động.

- Sự cạnh tranh với một số trường trên địa bàn Tỉnh Nghệ An và các tỉnh lân cận gây nên sự khó khăn trong công tác tuyển sinh.

- Nguồn đào tạo ngắn hạn như Liên thông, VB2 cũng gần như cạn kiệt

- Một số mã ngành chưa mở kịp thời hoặc số lượng tuyển sinh chưa đủ chỉ tiêu mở được lớp nên cũng không đào tạo được dẫn đến các em chuyển đi học trường khác

- Có một số lượng sinh viên nhập học được 1; 2 kỳ thì không theo học nữa ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của những sinh viên đang theo học và cũng ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu của Nhà trường.

- Số lượng sinh viên học xong ra trường không tìm được  việc làm hoặc ra làm không đúng với ngành nghề đã học

- Hoạt động quảng bá, tư vấn tuyển sinh được thực hiện theo mùa vụ, thiếu tính thường xuyên, mỗi năm đến mùa tuyển sinh mới lập các nhóm tuyển sinh đi về các địa phương để quảng bá các ngành nghề đào tạo của nhà trường

 - Công tác tuyển sinh của chúng ta từ trước đến nay chủ yếu là quảng bá về các ngành nghề sẽ tuyển để đào tạo, công tác tư vấn chưa được chú ý nhiều, hình thức quảng bá, tư vấn tuyển sinh tuy có phong phú, đa dạng hơn nhưng vẫn chưa thu hút sự chú ý của học sinh;

 * Khó khăn của Khoa KTKT:

Ngoài những khó khăn chung trong công tác tuyển sinh của Nhà Trường thì riêng đối với Khoa KTKT cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh, cụ thể:

- Các cán bộ và giảng viên trong Khoa vẫn chưa thể tuyển sinh được 1 lớp liên thông hoặc VB2 mở tại các địa phương

- Khối lượng công tác chuyên môn lớn nên vẫn chưa thật sự chuyên tâm trong việc tuyển sinh, chưa nắm rõ đề án hoặc kế hoạch tuyển sinh để tư vấn cho các em học sinh một cách có hiệu quả.

- Mặc dù Chi bộ đã chỉ đạo cho Khoa trong công tác tuyển sinh như thành lập ban tuyển sinh của khoa, tăng cường quảng bá hình ảnh và các hoạt động, sự kiện lớn của Khoa trên các phương tiện truyền thông, phân công nhiệm vụ cho từng người trong việc khai thác các mối quan hệ cá nhân cũng như gọi điện, tư vấn trực tiếp…Tuy nhiên vẫn chưa thực sự sát sao, chuyên nghiệp và theo từng giai đoạn.

Nhìn chung công tác tuyển sinh của chúng ta trong những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, một số ngành đào tạo không tuyển được sinh viên, tỉ lệ tuyển sinh không cao, vì thế việc đổi mới công tác tuyển sinh là hết sức cần thiết và phải có những giải pháp thích hợp. Chính vì vậy Đảng Uỷ, BGH nhà trường, Chi Bộ Khoa phòng nói chung và Khoa Kế toán kiểm toán nói riêng cần chỉ đạo, định hướng đường lối cho các Đảng viên và quần chúng để có các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh trong giai đoạn 2022 - 2025

II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TUYỂN SINH

 1. Đa dạng hóa các hình thức quảng bá, tư vấn tuyển sinh:

Quảng bá, tư vấn là một trong những biện pháp nhằm đưa thông tin trực tiếp hay gián tiếp đến với đối tuợng học sinh và những người có liên quan. Muốn vậy, việc quảng bá, tư vấn phải được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng và thường xuyên, qua việc tuyên truyền trên các kênh phát thanh, truyền hình; bằng các pa-nô, áp-phích và đặc biệt là đưa các thông tin trực tiếp đến các đối tượng qua việc tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua email, zalo…. Bởi vì qua các phương tiện thông tin có lúc chưa truyền tải hết tất cả những thông tin chi tiết đối với công tác đào tạo và các thông tin liên quan. Hơn nữa, đối tượng học sinh và những người liên quan khác, đôi lúc muốn hiểu thêm các vấn đề về đào tạo thì phải có cán bộ tuyển sinh giải thích trực tiếp mới phát huy hiệu quả.

Huy động lực lượng học sinh, sinh viên, cựu sinh viên tham gia công tác tuyển sinh qua việc động viên các em quảng bá các ngành nghề đào tạo và chất lượng đào tạo của nhà trường đến người thân, bạn bè đồng thời có chế độ khen thưởng cho học sinh, sinh viên vận động được nhiều người vào học ở trường.

2. Nâng cao chất lượng dạy và học:

Dạy và học là hai hoạt động mà thoạt đầu chúng ta nghĩ là không có liên quan gì đến công tác tuyển sinh của nhà trường. Bởi vì công tác dạy và học nó diễn ra khi mà công tác tuyển sinh đã kết thúc. Tuy nhiên nếu suy nghĩ như vậy thì thật là sai lầm, phải nói là công tác quản lý dạy và học để nâng cao chất lượng đào tạo có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả tuyển sinh của nhà truờng. Bởi lẽ chúng ta biết rằng những học sinh, sinh viên đang theo học tại trường của chúng ta là những "cán bộ tuyên truyền viên" hết sức quan trọng. Những gì đang diễn ra ở trường về chất lượng đào tạo được họ phản ánh lại với gia đình, bạn bè, người thân... từ đó tạo động lực cho học sinh đăng ký dự thi vào trường chúng ta.Vì vậy cần phải quản lý công tác dạy và học ở nhà trường thật tốt, tạo ra nhiều ấn tượng đẹp chừng nào đối với học sinh, sinh viên thì những ấn tượng đó sẽ được truyền phát ra xã hội càng nhiều chừng đó.

Muốn thực hiện được điều này, nhà trường cần phải làm tốt những nhiệm vụ sau:

- Nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tay nghề cho đội ngũ giảng viên

- Đổi mới phương pháp dạy học nhằm tạo hứng thú học tập cho sinh viên.

- Xây dựng chương trình đào tạo phù hợp; đồng thời đáp ứng được với nhu cầu của thị trường lao động khi sinh viên tốt nghiệp.

- Tăng cuờng công tác quản lý học sinh - sinh viên; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh để nâng cao chất lượng đào tạo.

3. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị máy móc phục vụ dạy học:

            Cơ sở vật chất mà đặc biệt là máy móc, thiết bị dạy thực hành đóng vai trò hết sức quan trọng quyết định đến chất lượng đào tạo. Bởi vậy cần phải đầu tư những máy móc thiết bị phù hợp với chương trình đào tạo, phù hợp với máy móc thiết bị của các doanh nghiệp đang hoạt động. Có như vậy sau khi sinh viên tốt nghiệp ra trường họ mới nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp cho mình trong thị trường lao động và điều này sẽ làm cho thương hiệu của trường ngày một củng cố; tạo uy tín trong xã hội và sẽ có tác động mạnh mẽ đến công tác tuyển sinh của nhà trường.

4. Tăng cường quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp:

Tuyển sinh đầu vào thì Nhà trường phải gắn với giải pháp việc làm đầu ra cho người học. Đây là giải pháp mang tính cốt lõi, hiệu quả và trọng tâm nhất để nhằm thu hút người học khi đăng ký vào học. Vấn đề đặt ra là Nhà trường cần phải khai thác các mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp, đặt hàng nhân lực và cam kết cung cấp được nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu công việc của doanh nghiệp. Ngoài ra hợp tác với các DN để đưa sinh viên đi thực tế, thực tập làm quen với công việc theo chuyên ngành đã được đào tạo theo hướng thực hành thực tế. Làm được điều này thì uy tín và thương  hiệu của trường ngày càng được nâng lên và từ đó góp phần tích cực trong công tác tư vấn tuyển sinh trong thời gian tới.

5. Mở thêm ngành đào tạo, đa dạng hóa các hình thức đào tạo:

Mở thêm một số ngành đào tạo mới; tăng cường phối hợp với các địa phương để đào tạo các lớp ngắn hạn; liên thông, liên kết với các trường đại học lớn để mở rộng quy mô đào tạo.  

Ngoài những giải pháp chung cho công tác tuyển sinh của Nhà trường thì riêng đối với chi bộ KTKT cũng cần chỉ đạo, định hướng cho Khoa để có những giải pháp thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả tuyển sinh trong thời gian tới. Cụ thể:

1. Khoa KTKT nên tổ chức nhiều buổi sinh hoạt về công tác tuyển sinh để các cán bộ, giảng viên trong khoa chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Đồng thời cũng sẽ hiểu và nắm rõ các đề án, kế hoạch tuyển sinh của Nhà trường từ đó tạo nên sự chuyên nghiệp trong công tác tuyển sinh

2. Khi tuyển sinh các lớp liên thông, liên kết với một địa phương nào đó thì chỉ đạo tất cả dồn toàn bộ nhân sự, kế hoạch, triển khai cách thức tuyển sinh tập trung tại địa phương đó thì mới có thể mở được lớp cho Khoa

3. Chi đoàn khoa KTKT phối hợp với đoàn trường, DN nên tổ chức các phong trào giao lưu văn hoá, thể thao, việc làm với đoàn trường Trung học phổ thông của các địa phương để từ đó quảng bá hình ảnh, thương hiệu của Khoa, của Trường.

4.  Cần chú trọng nâng cao tư tưởng về việc làm kế toán cho sinh viên: Nghĩa là tư vấn cho sinh viên hiểu được rằng ngành nghề kế toán luôn là ngành mà các DN có nhu cầu nhân lực lớn. Học nghề kế toán thì có thể xin được vào làm ở bất cứ đơn vị nào như DN, HCSN, xã, phường…đồng thời có thể được làm ở các thành phố lớn, thu nhập cao; ngoài ra có thể làm thêm hoặc nhận dịch vụ kế toán của nhiều DN. Giải pháp này nhằm giúp sinh viên hiểu rõ hơn ngành nghề kế toán để từ đó giúp các em vững tâm theo học.

           Tóm lại, công tác tuyển sinh là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của nhà trường. Những nội dung trên chỉ mới là một trong những giải pháp cơ bản. Để công tác tuyển sinh thật sự có hiệu quả và chất lượng, nhà trường cần phải kết hợp và sử dụng bằng rất nhiều biện pháp khi đó hiệu quả của công tác tuyển sinh ngày càng tốt hơn.

Tác giả: Hương Trà


Bài viết khác