Lịch sử ra đời và sự phát triển của Công đoàn ở Việt Nam
Sau Đại chiến thế giới lần thứ I, thực dân Pháp tiến hành ồ ạt đợt khai thác thuộc địa lần thứ II (1919-1929) ở nước ta. Đây là lúc giai cấp công nhân Việt Nam tăng nhanh về số lượng và chuyển biến mau lẹ về chất lượng. Đến cuối năm 1929, số công nhân chuyên nghiệp đã lên tới 22.000 người với cơ cấu thuần nhất, sống tập trung và phân bố đều trên địa bàn kinh tế cả nước.
Ảnh hưởng từ Cách mạng tháng 10 Nga và sau đó đặc biệt là với sự truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, phong trào công nhân Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, hoàn thành bước chuyển biến từ tự phát sang tự giác, từ đó, sự hình thành và phát triển của tổ chức công đoàn Việt Nam gắn chặt với cuộc vận động thành lập Đảng. Có thể nói, từ khi Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội được thành lập (tháng 6-1925) đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930) cũng là lúc xuất hiện các tổ chức công đoàn đầu tiên trong lịch sử phong trào công nhân nước ta. Các cuộc bãi công từ 1925 đã thể hiện rõ nét ý thức giai cấp, mục đích chính trị của cuộc tranh đấu. Từ những tổ chức tương tế buổi đầu đã dần dần xuất hiện các Công hội đỏ bí mật. Năm 1919, sau khi tham gia vụ binh biến Hắc Hải bị trục xuất về nước, đồng chí Tôn Đức Thắng đã lập ra Công hội đỏ Sài Gòn với nhiều cơ sở ở nhà máy đèn chợ Quán, xưởng Ba Son. Trong cuộc bãi công lịch sử ở Ba Son(tháng 8-1925), số hội viên Công hội đỏ ở Sài Gòn lên tới 300 người, ghi một dấu son trong lịch sử công nhân Việt Nam.
Cùng lúc ấy, một số công nhân và thuỷ thủ Việt Nam làm việc ở Pháp và Trung Quốc được kết nạp vào Tổng công đoàn thống nhất Pháp và Hải viên Công hội (Công nhân tàu biển). Từ mùa thu 1928, khi Kỳ bộ Bắc kỳ của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội phát động phong trào vô sản hoá thì Công hội đỏ càng lớn mạnh nhất là ở Bắc kỳ- trung tâm của phong trào công nhân nước ta.
Sau cuộc bãi công A-vi-a (tháng 6-1929) thắng lợi, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã triệu tập Hội nghị Công hội đỏ Bắc kỳ lần thứ I vào ngày 28-7-1929 tại số nhà 15 Phố Hàng Nón (Hà Nội). Hội nghị quyết định ra báo Lao động, tạp chí Công hội đỏ để đẩy mạnh công tác công vận.
Công hội đỏ trong cao trào 1930-1931 đã có cơ sở mạnh mẽ khắp trong nước và đi đầu trong các cuộc bãi công mở đường cho việc thành lập Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tháng 8-1930, thay mặt Đông phương Bộ của Quốc tế cộng sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chỉ định Công hội đỏ Việt Nam cử đại biểu đi dự Đại hội Công hội đỏ quốc tế lần thứ VI ở Mát-xcơ-va. Khi ấy thông qua Công hội đỏ, đồng chí Trần Phú đã đi khảo sát phong trào công nhân Nam Định Hải phòng, Hòn Gai& để viết bản Luận cương chính trị lịch sử. Được cử làm trưởng ban Công vận trung ương, ngày 20-1-1931 tại Sài Gòn, đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã triệu tập Hội nghị công nhân Đông Dương lần thứ I vạch ra phương hướng tổ chức và đấu tranh cho phong trào công nhân và công đoàn.
Trong thời kỳ mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939) hưởng ứng phong trào Đông Dương đại hội và đòi tự do cơm áo hoà bình dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương hàng ngàn cuộc bãi công của nửa triệu công nhân tham gia đã nổ ra liên tiếp ở các thành phố lớn trong cả nước. Đầu năm 1937 công nhân đấu tranh sôi sục đòi quyền tự do lập nghiệp đoàn ở Hà Nội, Sài Gòn, Vinh& Mặc dù bọn phản động thuộc địa ngăn cản, nhiều nghiệp đoàn vẫn được thành lập và tự do hoạt động, báo chí vẫn tự do xuất bản và công khai tuyên truyền Chủ nghĩa Mác- Lênin. Chưa giành được toàn bộ quyền tự do nghiệp đoàn, công nhân Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội lập các Hội ái hữu ở khắp nơi.
Tháng 9-1939, Đại chiến Thế giới lần thứ II bùng nổ, các tổ chức của công nhân và công bộ công đoàn phải rút vào bí mật.
Trong thời kỳ vận động Cách mạng tháng Tám (1939-1945), Hội công nhân cứu quốc - một lực lượng quan trọng của Mặt trận Việt Minh được thành lập nhất là ở Bắc và Trung Bộ. Hội công nhân cứu quốc vừa bí mật đấu tranh đòi quyền lợi hằng ngày, vừa tổ chức các đội võ trang làm nòng cốt cho cuộc nổi dậy ở đô thị.
Cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân lao động Việt Nam từ chỗ là dân nô lệ mất nước đã đứng lên làm chủ đất nước, chủ xí nghiệp. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà- nhà nước do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Để thực sự thống nhất về tổ chức công đoàn, Hội nghị cán bộ công nhân cứu quốc họp ngày 20-5-1946 quyết định đổi Hội công nhân cứu quốc thành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Ngày 20-7-1946, tại thủ đô Hà Nội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chính thức tuyên bố thành lập đánh dấu bước ngoặt của phong trào công đoàn Việt Nam với một tổ chức thống nhất và ổn định thật sự trong cả nước.
Tháng 1-1949, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam lần thứ I họp ở Thái Nguyên đã bầu ra Ban chấp hành Trung ương do đồng chí Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch danh dự và đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Chủ tịch.
Trong sự nghiệp cách mạng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và sự nghiệp giải phóng miền Nam (1954-1975), công đoàn Việt Nam lớn mạnh vượt bậc. Ngày 14-9-1957, Quốc hội nhất trí thông qua Luật công đoàn qui định vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của công đoàn Việt Nam.
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9-1960), trong Đại hội công đoàn Việt Nam lần thứ II (tháng 2-1961), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đổi tên thành Tổng công đoàn Việt Nam cho phù hợp với tình hình mới. Tháng 2-1974, tiến hành đại hội Đại biểu lần thứ III.
Khi nước nhà đã thống nhất từ năm 1978 đến nay công đoàn Việt Nam đã tiến hành 5 lần đại hội: Đại hội lần thứ IV (tháng 5-1978) và tiếp theo Đại hội công đoàn Việt Nam lần thứ V (tháng 11-1983), Đại hội công đoàn lần VI (tháng 10-1988), Đại hội công đoàn lần VII (tháng 11-1993), Đại hội công đoàn lần VIII (tháng 11-1998). Đặc biệt tại Đại hội công đoàn lần VI, đại hội quyết định đổi tên Tổng công đoàn Việt Nam thành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhằm xác định rõ nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, hoạt động công đoàn không thể chú trọng đến đối tượng công nhân- viên chức trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước mà phải mở rộng đến mọi công nhân lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Để định hướng và xây dựng nền tảng cho hoạt động công đoàn trong giai đoạn mới, Nhà nước ta đã ban hành Luật công đoàn được Quốc hội thông qua ngày 30-6-1990 thay cho Luật công đoàn 1957; đồng thời các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Công đoàn Việt Nam đã thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam, và Điều lệ Công đoàn Việt Nam hiện hành được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX thông qua vào ngày 13/10/2003. Đại hội lần IX công đoàn Việt Nam đã thành công tốt đẹp, với sứ mệnh lịch sử của mình công đoàn sẽ tiếp tục là một nhân tố không thể thiếu được trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phấn đấu không ngừng cho sự nghiệp công đoàn, cho việc bảo vệ quyền lợi của người lao động.