Sáng ngày 25, 26/9/2024, Hội nghị trực tuyến ASIIN Việt Nam 2024 đã diễn ra với sự tham gia của rất nhiều diễn giả là các lãnh đạo của tổ chức ASIIN; các chuyên gia đến từ các tổ chức giáo dục hàng đầu của Việt Nam và Đức. Đây là cuộc hội thảo thường niên của ASIIN Việt Nam năm 2024 với sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam với mục tiêu nhằm giải quyết nhiều “chủ đề nóng” hiện đang được quan tâm hàng đầu trong chương trình nghị sự về đảm bảo chất lượng của Việt Nam và quốc tế.
ASIIN (Đức) là một trong 10 tổ chức kiểm định nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam. Tổ chức ASIIN thực hiện các hoạt động đánh giá, công nhận tại Việt Nam đối với cơ sở giáo dục đại học và các chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học thuộc các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, kỹ thuật, Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên. Đến thời điểm hiện nay, tại Việt Nam đã có 1 cơ sở giáo dục đại học và 59 chương trình đào tạo được đánh giá đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng bởi tổ chức ASIIN.
Hội nghị ASIIN Việt Nam 2024 thu hút sự quan tâm tham dự, tương tác, trao đổi của gần 200 đại biểu là lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo các bộ phận phụ trách chiến lược, đánh giá chất lượng và quốc tế hóa đến từ các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam và Đức. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, có sự tham gia của GS.TS. Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam; về phía CHLB Đức có TS. Josefine Wallat, Tổng lãnh sự quán Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trường Đại học Kinh tế Nghệ An hiện đang là thành viên liên kết của Tổ chức INQAAHE và Mạng lưới AUN-QA. Với khát vọng hội nhập khu vực và quốc tế, khẳng định vị thế của Trường trên trường quốc tế thì đây là một sự kiện Nhà trường hết sức quan tâm và mong muốn học hỏi. Chính vì vậy, đến với Hội nghị, trường Đại học Kinh tế Nghệ An có sự tham gia của TS. Nguyễn Ngọc Hiếu - Hiệu trưởng nhà trường; ThS. Đinh Thị Thu Hương - Trưởng phòng Thanh tra - Khảo thí và Quản lý chất lượng cùng một số lãnh đạo các đơn vị trong Nhà trường.
Trong phiên khai mạc, GS.TS Klaus Kreulich, Chủ tịch Hội đồng quản trị ASIIN có bài phát biểu chào mừng hội thảo. Trong phiên này, Hội nghị sẽ cùng nhau khám phá việc sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong mọi khía cạnh của giáo dục đại học. Các chuyên gia châu Âu và Việt Nam sẽ thảo luận về các cơ hội và thách thức do AI đặt ra khi chia sẻ các thông lệ tốt nhất toàn cầu, giải quyết vấn đề đưa AI vào Giảng dạy và học tập, nghiên cứu và quản lý HE.
TS. Iring Wasser, giám đốc điều hành của ASIIN phát biểu đề dẫn và dẫn chương trình cho hội thảo
Mở đầu cho phiên 1, GS.TS. -Ing.Manfred Krafczyk, Phó chủ tịch cấp cao về số hóa và bền vững tại Đại học Kỹ thuật Braunschwweig - Đức trình bày tổng quan về AI trong lĩnh vực đại học.
Tiếp theo, PGS.TS. Nguyễn Thoại Nam, Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ tiến tiến, Đại học Công nghệ thành phố HCM trình bày về AI trong lĩnh vực đại học tại Việt Nam.
Phiên 2 Hội nghị đã được nghe các diễn giả trình bày các thực tiễn tốt nhất từ Việt Nam và Đức về cách thể chế hóa các hệ thống quản lý hiện đại trong giáo dục đại học và cách triển khai các tính năng thành công quyền tự chủ của trường đại học.
Mở đầu cho phiên 2, GS.TS Urich HeiB- Cựu phó hiệu trưởng Trường đại học kỹ thuật Berlin trình bày về Kinh nghiệm tự chủ trong các trường đại học ở Đức.
Tiếp theo chương trình, PGS.TS. Nguyễn Hải Đăng- Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội trình bày về Cơ hội tự chủ trong giáo dục đại học Việt Nam.
GS.TS. Christian Andreas Schumann -Chủ tịch HĐQT ASIIN, Đại học Khoa học ứng dụng Zwickau trình bày về Sự kết nối giữa giáo dục đại học và doanh nghiệp.
Phiên 3 được dành cho chủ đề quốc tế hóa và trình bày các ví dụ thành công về hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học và liên quan đến việc cung cấp lao động có tay nghề cho nền kinh tế của các quốc gia. Hội nghị đã cùng nhau nêu bật các khả năng trao đổi giáo dục đại học giữa Đức và Việt Nam, đồng thời tìm hiểu các vấn đề như cách khởi xướng Chương trình học tập quốc tế chung và trình bày các chiến lược về cách hiện đại hóa các chương trình học trong nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Các tổ chức thành công đã chia sẻ các thông lệ tốt nhất của họ, Hội đồng trao đổi học thuật Đức sẽ trình bày nhiều cơ hội dành cho các tổ chức giáo dục đại học Việt Nam và đại diện của các hiệp hội Ngoại thương sẽ tập trung vào các lợi ích của tính di động nghề nghiệp.
Ông Stefan Bienfeld, Trưởng phòng Giáo dục và Hợp tác xuyên quốc gia trình bày về Cơ hội trao đổi quốc tế cho Việt Nam: DAAD quỹ đầu tư.
TS. Rene Thiele, Hiệu trưởng trường ĐH Việt- Đức trình bày về chương trình liên kết giữa các trường đại học Việt Nam và Đức.
TS. Kreulich, Phó hiệu trưởng trường đại học Khoa học ứng dụng Munchen trình bày về kết nối giáo dục đại học và Công nghiệp, thu hút nhân tài cho các trường đại học và thị trường lao động.
Kết thúc ngày 1, phiên thảo luận diễn ra sôi nổi với sự giải đáp nhiệt tình đến từ các diễn giả.
Phiên 4 mở đầu ngày 2 sẽ đề cập đến chủ đề về bảng xếp hạng quốc tế và lý do chúng có liên quan đến Ngành Giáo dục Đại học Việt Nam và Đức. Đại diện của các Tổ chức Xếp hạng quốc tế sẽ trình bày sâu sắc về vị thế hiện tại của Việt Nam và Đức.
GS.TS. Frank Ziegele, Tổng giám đốc Trung tâm giáo dục đại học của Đức trình bày Hệ thống xếp hạng toàn cầu và ý nghĩa đối với hệ thống giáo dục đại học.
Ông Way Chong - Giám đốc QS khu vực Đông Nam Á trình bày về bảng xếp hạng QS.
Trong phiên họp cuối cùng, kết thúc bằng việc khám phá phạm vi các lựa chọn cho đảm bảo chất lượng quốc tế và danh mục xây dựng năng lực và nâng cao chất lượng độc đáo của ASIIN. Các đại biểu tham dự sẽ tìm hiểu về Mạng lưới Đại học Xuất sắc Toàn cầu (AGUNE) sáng tạo của ASIIN và Học viện ASIIN mới như một nền tảng cho nhiều khóa học và hội thảo phục vụ cho sự phát triển chuyên môn của các thành viên đội ngũ nhân viên của các trường đại học và Cơ quan Đảm bảo Chất lượng. Các diễn giả đã trình bày tiềm năng của "mô hình trưởng thành" của tổ chức ASIIN, các chứng nhận chương trình dựa trên các con dấu chất lượng quốc tế cũng như chứng nhận các khóa học phát triển chuyên môn liên tục. Phần cuối cùng này đặt nền tảng cho sự hiểu biết toàn diện về đảm bảo chất lượng và các chuẩn mực quốc tế.
TS. Iring Wasser, Tổng giám đốc của ASIIN trình bày Nâng cao năng lực đầu tư và QA của ASIIN với lợi ích cho giáo dục đại học Việt Nam.
TS. Hà Thức Viên, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề học thuật và sinh viên- Đại học Việt Đức - trình bày về điều kiện để trường đại học được công nhận quốc tế.
Tổng kết hội nghị, TS. Iring Wasser, giám đốc điều hành của ASIIN kết luận hội thảo và cuối cùng là trao đổi về cơ hội tùy chọn để tham gia với nhân viên ASIIN liên quan đến các thủ tục công nhận CSGD hoặc CTĐT trong tương lai.
Như vậy, sau hai ngày với 5 phiên làm việc, Hội nghị đã được nghe nhiều chia sẻ hữu ích đến từ các chuyên gia, diễn giả hàng đầu thế giới về nâng cao chất lượng của đào tạo đại học tại Việt Nam và Đức nói riêng cũng như các nước trên thế giới nói chung. Hội nghị cũng đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận đến từ các đại biểu tham dự và đã nhận được sự chia sẻ, giải trình từ các diễn giả để làm rõ hơn vai trò của việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong xu thế hội nhập quốc tế.
Qua 2 ngày tham gia Hội nghị ASIIN Việt Nam 2024, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An hiểu rõ hơn về tổ chức kiểm định quốc tế ASIIN, qua đó nhận thức rõ hơn về vai trò của hội nhập quốc tế trong việc nâng cao chất lượng. Điều đó cho thấy những bước tiến của NAUE trong quá trình hội nhập là con đường đúng đắn để thực hiện thành công chiến lược của Nhà trường, thể hiện khát vọng vươn tầm của NAUE trong tương lai. Hy vọng một ngày không xa, NAUE sẽ đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng và được xếp hạng cao của các tổ chức quốc tế, trong đó có ASIIN.
Một số hình ảnh tại hội nghị:
Tin bài: Phòng Thanh tra-Khảo thí và Quản lý chất lượng