Kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở một số huyện và bài học rút ra cho đồng bào dân tộc Thái ở huyện Quỳ Châu tỉnh Nghệ An

  1. Đặt vấn đề

 Giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, miền trong cả nước.

Quỳ Châu là huyện miền núi phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An với 75% là đồng bào dân tộc Thái, đời sống kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Trong những năm qua, việc hỗ trợ sinh kế, triển khai các Chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương luôn được chính quyền địa phương các cấp của huyện Quỳ Châu đặc biệt quan tâm. Tuy tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 50,55% (năm 2016) xuống còn 20,17% (năm 2020) nhưng số hộ tái nghèo vẫn cao.

   Vì vậy, công tác giảm nghèo bền vững đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở nước ta nói chung và đồng bào dân tộc Thái ở Quỳ Châu tỉnh Nghệ An nói riêng là vấn đề mang tính cấp thiết, là mục tiêu quan trọng trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập sâu rộng nền kinh tế thế giới.

  1. Cơ sở lý luận về giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số 

    1.  Một số khái niệm liên quan đến giảm nghèo bền vững

Giảm nghèo là tổng thể tất các biện pháp chính sách của nhà nước và xã hội hay của chính những đối tượng thuộc diện nghèo, nhằm tạo điều kiện để họ có thể tăng thu nhập, thoát khỏi tình trạng thu nhập thấp, không được đáp ứng những nhu cầu tối thiểu trên cơ sở chuẩn nghèo được quy định theo từng địa phương, khu vực, quốc gia. Giảm nghèo ở đây không chỉ đơn thuần là giảm nghèo về mặt thu nhập cho người dân mà còn giảm nghèo về các vấn đề như: nhà ở, nước sạch, y tế, giáo dục, tiếp cận dịch vụ xã hội.

Giảm nghèo bền vững tuy chưa có một khái niệm chung, đầy đủ  nhưng có thể hiểu là để giảm nghèo bền vững cần phải kết hợp và thoả mãn cả hai yêu cầu, đó là giảm nghèo và phát triển bền vững điều đó thể hiện trên các khía cạnh tạo cơ hội cho người nghèo thoát nghèo, ổn định và không ngừng tăng thu nhập để không bị tái nghèo khi có các tác động bất lợi của tự nhiên và xã hội. Việc giảm nghèo phải đảm bảo được sự phát triển bền vững trên các mặt kinh tế, xã hội, môi trường và thể chế. Như vậy, có thể hiểu “giảm nghèo bền vững” là quá trình giảm nghèo đảm bảo được sự cải thiện đồng thời của sự bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường của một đất nước,một địa phương, một cộng đồng dân cư hay của một hộ gia đình.

  1.  Các yếu tố ảnh hưởng đến giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

Cơ chế chính sách của địa phương, nhà nước: Để thực hiện giảm nghèo bền vững đòi hỏi Nhà nước phải có các chính sách thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Những chính sách như chính sách giảm nghèo, chính sách vốn… sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực hiện giảm nghèo bền vững cho các địa phương, nhất là nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. 

Nguồn lực xóa đói giảm nghèo: Nguồn lực đóng vai trò quan trọng có tính quyết định đến việc thực hiện thành công hay không mục tiêu giảm nghèo bền vững. Nguồn lực được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, từ sự đầu tư của chính phủ, của các đơn vị tài trợ, cũng như từ chính cộng đồng. Việc huy động đủ, kịp thời nguồn lực sẽ góp phần đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo bền vững ở các địa phương. Một số chính sách cơ bản góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững: Chính sách tín dụng; Đào tạo dạy nghề, tạo việc làm; Chính sách y tế chăm sóc sức khoẻ; Chính sách trợ giúp pháp lý và hỗ trợ thông tin…

Ý thức vươn lên thoát nghèo của chính người dân: Giảm nghèo bền vững chỉ thực sự thành công nếu xuất phát từ nhu cầu và  ý thức thoát nghèo của chính người nghèo. Những tác động từ bên ngoài chỉ mang tính hỗ trợ và sẽ không thành công nếu người nghèo thiếu ý chí vươn lên. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hàng loạt các chính sách ưu đãi, các chương trình, dự án được đầu tư để cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng cao là động lực, cơ hội để người dân vươn lên xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, ý thức của người dân lại là vấn đề quyết định.

  1. Kinh nghiệm giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở một số huyện của cả nước và Nghệ An

3.2.  Kinh nghiệm của huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang

Chiêm Hóa là một huyện miền núi của tỉnh Tuyên Quang, cách trung tâm tỉnh lỵ 67 km về phía Bắc. Huyện có diện tích tự nhiên 114.624 ha, dân số trên 134 nghìn người, có 25 xã và 01 thị trấn và 18 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 80% tổng dân số toàn huyện. Mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán, ngôn ngữ, trang phục, lễ hội, những làn điệu dân ca, dân vũ riêng biệt mang đậm nét văn hóa đặc trưng của miền sơn cuớc. Sông suối có độ dốc cao, lớn nhất là sông Gâm chảy qua Na Hang đến Chiêm Hoá với độ dài 40 km. Là đường thuỷ duy nhất nối huyện với tỉnh và các tỉnh trung du của Đồng Bằng bắc bộ.

Giao thông đường bộ có các tuyến: đường quốc lộ 279 dài 20,2 km từ Hà Giang qua huyện Chiêm Hoá đi huyện Na Hang, đường tỉnh có 134 km gồm các tuyến: ĐT 190 từ km 31 chạy qua huyện chiêm Hoá lên huyện Na Hang, đường ĐT 185 từ đầu cầu Chiêm Hoá (phía đông bắc) thị trấn Vĩnh Lộc đi Vinh Quang, Kim Bình đến Kiến Thiết huyện Yên Sơn; đường ĐT 187 từ xã Yên Lập sang huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn; đường huyện: 127 km; đường đô thị 5,5 km.

Điều kiện tự nhiên mang lại cho Chiêm Hoá nhiều lợi thế quan trọng trong việc xây dựng an toàn khu, khu vực phòng thủ, là nơi căn cứ địa cách mạng an toàn vững chắc trong thời kỳ kháng chiến, và các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, Chiêm Hóa là một trong những địa phương làm tốt công tác giảm nghèo, hỗ trợ hiệu quả để người dân thoát nghèo bền vững. 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022, UBND huyện đã làm tốt công tác xây dựng kế hoạch, ban hành các văn hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện chương trình. Đến tháng 12/2022, toàn huyện đã có 11/24 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, bình quân đạt 14 tiêu chí/xã. Về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 đã hỗ trợ kinh phí trên 54 tỷ đồng các nội dung: nước sinh hoạt phân tán, giao khoán bảo vệ rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng, khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số có dân số ít người, xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đầu tư, hỗ trợ nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn. Số hộ nghèo giảm 1.614 hộ (còn 8.162 hộ). Trên 4.050 lao động được giải quyết việc làm, đạt 123,8 % kế hoạch. Làm tốt công tác khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, gắn với xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ làm được 324 nhà (làm mới 277; sửa chữa 47 nhà). Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; nâng cao nhận thức, khơi dậy sự nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Mục tiêu trong năm 2023, huyện phấn đấu giảm 1.452 hộ nghèo (còn 6.710 hộ), tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,85% (còn 21,19%). Trong đó tập trung triển khai các giải pháp chủ yếu tăng cường công tác thông tin truyền thông; xây dựng giải pháp thực hiện các công tác giảm nghèo năm 2023; phối hợp hỗ trợ làm nhà ở; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, trợ giúp các đối tượng quy định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nguồn vốn hỗ trợ cho hộ nghèo; kiểm tra giám sát thực hiện chương trình, kế hoạch giảm nghèo tại xã và thôn; khắc phục những tồn tại, trong việc chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025: Năm 2021 giảm 3,22%, vượt mục tiêu (kế hoạch giảm 3%); năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 31,29% xuống còn 26,04% (giảm 5,25%), vượt mục tiêu (kế hoạch đề ra là 4,04%).

Một trong những thành công đáng kể trong công tác giảm nghèo ở Chiêm Hóa trong những năm qua là việc giúp đỡ các hộ gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Huyện Chiêm Hóa cũng đã thực hiện có hiệu quả các chính sách về an sinh xã hội, hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ người nghèo về trợ giúp pháp lý, dịch vụ y tế, giáo dục. Qua đó đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo của địa phương để hoàn thành mục tiêu toàn huyện giảm còn 21,19% hộ nghèo vào cuối năm 2023.

  1.  Kinh nghiệm từ huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang

Vị Xuyên là huyện miền núi biên giới nằm bao quanh thành phố Hà Giang, trung tâm huyện lị Vị Xuyên cách thành phố Hà Giang 20km, địa hình khá phức tạp, xen kẽ những thung lũng tạo thành những cánh đồng tương đối rộng cùng với hệ thống những sông suối, ao hồ, thích hợp cho việc phát triển nông nghiệp, có sông Lô chảy qua địa phận huyện, có quốc lộ 4C và quốc lộ 2 chạy qua, tạo điều kiện cho thông thương và giao lưu hàng hoá với các vùng miền. Diện tích tự nhiên của huyện là 1.451,8 km2, với dân số khoảng 10 vạn người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.

 Trong những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo luôn được huyện Vị Xuyên quan tâm và tập trung nhiều nguồn lực với mục tiêu giảm nghèo một các bền vững với nhiều chính sách xã hội đến với người nghèo vùng khó khăn trên địa bàn. Với quyết tâm đó, công tác XĐGN bền vững của huyện đã đạt được nhiều kết quả rõ rệt, số hộ nghèo giảm nhanh qua các năm, đến hết năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm 5,17%, còn 49,95%, giảm 8.889 hộ nghèo và cận nghèo so với đầu năm, vượt chỉ tiêu Trung ương giao, thu nhập của người dân giờ đây đã đạt trung bình 26,8 triệu/người/năm. Để đạt được kết quả trên, trong những năm qua, huyện Vị Xuyên đã triển khai nhiều mô hình, dự án phát triển kinh tế cho hộ nghèo có hiệu quả. Đặc biệt chú trọng thực hiện phát triển ở những xã khó khăn và đặc biệt khó khăn, cùng với việc triển khai nhiều chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo từ Ngân hàng Chính sách, nguồn vốn vay theo Nghị quyết 47, nguồn vốn sự nghiệp Chương trình 135 để hỗ trợ đồng bào... đã giúp cho người nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả đặt nền móng cho công cuộc XĐGN bền vững ở những vùng khó khăn như: Nuôi bò nhốt, trâu sinh sản, phát triển vùng chè (xã Thượng Sơn) với tổng kinh phí trên 700 triệu đồng...

 Ngoài ra, huyện còn thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho hộ nghèo, chăm lo đời sống đối với những hộ dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn với nguồn vốn hỗ trợ trong năm 2021 lên đến trên 2 tỷ đồng cho 4.711 hộ nghèo. Hỗ trợ đất sản xuất cho người dân tại các điểm quy tụ dân cư để người nghèo ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. Bước sang năm 2022, với mục tiêu: Đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo... huyện Vị Xuyên tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp bằng cách nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng cường canh tác cây trồng vụ Xuân và vụ Đông trong năm. Tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao tạo nên thế mạnh của từng vùng như mở rộng Dự án liên kết thu mua nông sản chè và thảo quả cho vùng biên giới xã Lao Chải, phát triển chăn nuôi tại vùng khó khăn xã Minh Tân... Bên cạnh đó, với công tác giáo dục đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực và liên kết giải quyết việc làm là nhân tố quan trọng trong giảm nghèo bền vững vì vậy huyện đã chỉ đạo cho Trung tâm Dạy nghề huyện Vị Xuyên liên kết chặt chẽ với các đơn vị đào tạo một số ngành mũi nhọn theo nhu cầu thị trường và chủ trương đào tạo những nghề nghiệp theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nhiều lớp học nghề theo các đề án phát triển của huyện đã thu hút nhiều học viên tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện và phát triển các Đề án thiết thực tại địa phương điển hình như: Nuôi và phòng trừ bệnh cho lợn, gà, trâu, bò; trồng rau an toàn; trồng và nhân giống nấm. Cấp ủy, chính quyền địa phương xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong sự phát triển của huyện. 

Vì vậy để thực hiện được chủ trương giảm nghèo bền vững thì trước hết cán bộ, lãnh đạo địa phương cần rà soát đánh giá hộ nghèo một cách chính xác nhất và nắm rõ tình hình, nhu cầu sau đó thực hiện các chính sách hỗ trợ phù hợp để hộ nghèo để tăng gia sản xuất từ đó vươn lên thoát nghèo... Đồng thời đào tạo nghề thực tiễn cho con em trên địa bàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo kỹ năng và trình độ nhằm thực hiện các Đề án phát triển kinh tế có hiệu quả. Như thế mới có thể giúp cho hộ thoát nghèo nhưng không để tái nghèo.

  1.  Kinh nghiệm của huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An

Con Cuông là huyện miền núi tây nam tỉnh Nghệ An, phía tây bắc giáp huyện Tương Dương, phía tây nam giáp CHDCND Lào, phía đông và phía nam giáp huyện Anh sơn, phía bắc và phía Đông Bắc giáp huyện Quỳ Châu và huyện Quỳ Hợp. Toàn huyện có 13 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 01 thị trấn và 12 xã. Con Cuông có địa hình phân hóa phức tạp, đa dạng, nằm trong tiểu vùng khí hậu Bắc Trung Bộ với đặc điểm chung là nền nhiệt đới ẩm gió mùa, đồng thời chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết miền núi Tây Nam Nghệ An nên có những đặc trưng riêng về các yếu tố thời tiết, rét sớm và hanh khô kéo dài.

Theo số liệu UBND huyện Con Cuông, năm 2021, toàn huyện có 18.034 hộ với hơn 76.845 nhân khẩu, trong đó dân tộc Thái đông nhất chiếm gần 75%, các hộ gia đình sống quần cư tập trung thành các bản làng.  Trong những năm qua, công tác giảm nghèo bền vững luôn được huyện Con Cuông quan tâm và tập trung nhiều nguồn lực, với quyết tâm đó, công tác XĐGN bền vững của huyện đã đạt được nhiều kết quả rõ rệt: Theo báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH, QP – AN năm 2021 của huyện Con Cuông, tốc độ tăng trưởng năm 2021 ước đạt 4,40% so với cùng kỳ, trong đó lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp tăng 3,96%, lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng tăng 5,11%, lĩnh vực dịch vụ tăng 4,58%. Giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2020 (theo giá cố định 2010) ước đạt 2.555.255 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 35,20 triệu đồng, người/năm. 

Huyện đã tập trung giao chỉ tiêu, kế hoạch giảm nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho UBND các xã, Thị trấn; đồng thời đôn đốc cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, huy động tối đa các nguồn lực xã hội để thực hiện, đánh giá kết quả giảm nghèo năm 2021, kết quả số hộ nghèo cuối năm 2021 giảm 557 hộ tương đương 3,07% (theo Quyết định 59/2015 chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020) giảm từ 2861 hộ nghèo đầu năm xuống còn 2304 hộ cuối năm 2021, đạt chỉ tiêu tỉnh giao (giảm 3-3,5%/năm); đạt 87,14% chỉ tiêu HĐND huyện giao. 

Tổ chức tập huấn, triển khai, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, xác định hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025, kết quả sơ bộ đến ngày 20/11/2021: số hộ nghèo cuối năm 2021 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025) trên địa bàn huyện tăng 1776 hộ (4080 hộ) so với chuẩn nghèo chuẩn nghèo cũ (2304 hộ).

 Nằm trong kế hoạch giảm nghèo bền vững huyện quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các xã, thị trấn. Phối hợp với Trường Trung cấp dân tộc nội trú Nghệ An, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Liên minh HTX tỉnh thực hiện khảo sát nhu cầu đào tạo trên địa bàn, lập kế hoạch tuyển sinh mở 52 lớp với 1.619 người, trong đó: 5 lớp trung cấp nghề 150 người, 47 lớp sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng với 1.469 người tham gia; phối hợp Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Nghệ an, các doanh nghiệp, hợp tác xã tuyển dụng, giải quyết việc làm và tự tạo việc làm cho 1050 lao động, đạt 105% kế hoạch UBND huyện giao (1.000 - 1.200 lao động); Trong đó xuất khẩu lao động 54 người; lao động làm việc ngoài địa bàn tỉnh 941 người. Triển khai rà soát, tiếp nhận hồ sơ và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 15/6/2016 trên địa bàn huyện. 

Bên cạnh đó, Con Cuông trên cơ sở khai thác các tiềm năng, thế mạnh của vùng, đồng thời thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Khai thác hợp lý, có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, phát triển các sản phẩm có lợi thế của vùng, như: kinh tế rừng, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, các sản phẩm đặc sản. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản theo hướng hình thành một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có thương hiệu như: sữa, chè, các sản phẩm gỗ, cây ăn quả, dược liệu... Khuyến khích phát triển các cơ sở khai thác, chế biến sâu các loại khoáng sản gắn với phát triển bền vững. Quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái, tìm hiểu lịch sử, đời sống văn hóa các cộng đồng dân tộc thiểu số, làng nghề truyền thống,... Xây dựng, phát triển huyện Con Cuông trở theo hướng đô thị sinh thái, du lịch theo hướng phát triển du lịch miền Tây Nghệ An góp phần không những giảm nghèo bền vững mà còn phát triển kinh tế bền vững. 

  1. Bài học kinh nghiệm cho đồng bào dân tộc Thái ở Quỳ Châu Nghệ An 

Thứ nhất, cần xã hội hoá công tác giảm nghèo, nhằm huy động tối đa các nguồn vốn tăng cường đầu tư cho địa phương, các vùng có điều kiện khó khăn, kinh tế chưa phát triển, hỗ trợ cho người nghèo, nhằm tạo điều kiện các địa phương, các vùng khắc phục khó khăn thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tạo tiền đề cho các hộ nghèo cải thiện đời sống vươn lên tự thoát nghèo.

Thứ hai, cần có những cơ chế chính sách đặc thù nhằm sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng, khoa học - công nghệ, sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường.

Thứ ba, quan tâm đầu tư cho giáo dục - đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề cho người lao động. Điều này có tác dụng nâng cao chất lượng lao động, phát triển nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động.

Thứ tư, cần có cơ chế, chính sách và kinh phí hợp lý, nhằm phát huy hiệu quả công tác khuyến nông, khuyến lâm tăng cường nâng cao hiểu biết của người dân trong sản xuất nông lâm nghiệp.

Thứ năm, cần mở rộng hình thức hỗ trợ trực tiếp cho người dân nhằm đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ đến được tận tay những người nghèo, tránh thất thoát lãng phí.

Thứ sáu, trong công tác giảm nghèo Nhà nước đóng vai trò quan trọng, nhưng phải coi đây là nhiệm vụ của xã hội, mà trước hết là của chính những người dân nghèo phải tự giác vươn lên. Cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu rõ vấn đề, hiểu rõ trách nhiệm của mình tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ cộng đồng, của Nhà nước.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Cổng thông tin điện tử huyện Chiêm hoá (2023), Chiêm Hoá tổ chức hội nghị tổng kết công tác giảm nghèo năm 2022, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2023

  2. Đinh Thị Nguyệt Anh (2012), Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công cho xoá đói giảm nghèo tại tỉnh Bắc Kạn, Luận văn thạc sỹ kinh tế, trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên

  3. Quyết định: Phê duyệt đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 (số 2223/qđ-ubnd, tỉnh Hà Giang) 

  4. Ủy ban nhân dân huyện Con Cuông (2021), Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2021, phương hướng phát triển 2022.

  5.  Ủy ban nhân dân huyện Con Cuông (2020), Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2020, phương hướng phát triển 2021

  6. Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc bạn hành chuẩn hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2016 - 2020


 


Bài viết khác