Nâng cao hiệu quả tổ chức công tác kế toán trong Doanh nghiệp

Hiện nay, Luật Kế toán số 88/2015/QH13 của Quốc hội, nghị định của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính đã quy định cụ thể các nội dung cơ bản liên quan đến tổ chức công tác kế toán tại Doanh nghiệp (DN) như sau:

Tổ chức bộ máy kế toán:

Tổ chức bộ máy kế toán là sự sắp xếp, phân công công việc cho từng kế toán viên và tổ chức luân chuyển chứng từ trong phòng kế toán của DN. Một bộ máy kế toán được tổ chức tốt sẽ giúp cho các thủ tục hành chính của DN hoạt động hiệu quả. Việc lựa chọn hình thức tổ chức bộ máy kế toán khoa học, hợp lý sẽ làm giảm bớt khối lượng công việc kế toán, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Điều này giúp cho việc tổ chức công tác kế toán thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của kế toán, qua đó phát huy được vai trò của kế toán trong quản lý kinh tế, tài chính của DN. Theo quy định hiện hành, DN phải bố trí người làm kế toán đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của Luật Kế toán, số lượng người làm kế toán tùy theo quy mô hoạt động, yêu cầu quản lý, chức năng nhiệm vụ hoặc biên chế của đơn vị.

Tổ chức hệ thống chứng từ kế toán:

Tổ chức hệ thống chứng từ kế toán là ban hành, ghi chép chứng từ, kiểm tra, luân chuyển và lưu trữ tất cả các loại chứng từ kế toán sử dụng trong DN, nhằm đảm bảo tính chính xác của thông tin, kiểm tra thông tin đó phục vụ cho ghi sổ kế toán và tổng hợp kế toán. Theo quy định, khi có các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến hoạt động của mình, DN phải tổ chức lập chứng từ kế toán. Chứng từ kế toán chỉ được lập một lần cho mỗi nghiệp vụ kinh tế, tài chính. Chứng từ kế toán là tài liệu gốc có tính bằng chứng, tính pháp lý và là thông tin quan trọng trong công tác kế toán của DN. Chứng từ kế toán phải có các nội dung cơ bản theo quy định của Luật Kế toán.

Tổ chức hệ thống sổ kế toán:

Sổ kế toán dùng để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh có liên quan đến đơn vị kế toán. DN phải tuân thủ các quy định chung về mở sổ kế toán, ghi chép sổ kế toán; sửa chữa sai sót; khoá sổ kế toán; lưu trữ, bảo quản sổ kế toán; xử lý vi phạm. DN phải khoá sổ kế toán cuối kỳ kế toán trước khi lập báo cáo tài chính và các trường hợp khoá sổ kế toán khác theo quy định của pháp luật...

Tổ chức hệ thống tài khoản kế toán:

Theo quy định của Luật Kế toán, tài khoản kế toán dùng để phân loại và hệ thống hóa các nghiệp vụ kinh tế, tài chính theo nội dung kinh tế. Hệ thống tài khoản kế toán gồm các tài khoản kế toán cần sử dụng. Mỗi đơn vị kế toán chỉ được sử dụng một hệ thống tài khoản kế toán cho mục đích kế toán tài chính theo quy định của Bộ Tài chính. Để thực hiện đúng quy định, DN cần nắm rõ các quy định tại các thông tư quy định chế độ kế toán DN của Bộ Tài chính như: Thông tư số 200/2014/TT-BTC, Thông tư số 133/2016/TT-BTC, Thông tư số 132/2018/TT-BTC.

Lập và phân tích báo cáo kế toán:

Nhà nước có quy định thống nhất về nội dung, phương pháp, thời gian lập và gửi đối với các báo cáo kế toán định kỳ, đó là các báo cáo tài chính (BCTC), cung cấp thông tin cho các đối tượng quan tâm sử dụng thông tin kế toán với những mục đích khác nhau để đưa ra các quyết định phù hợp. BCTC của DN gồm: Báo cáo tình hình tài chính; báo cáo kết quả hoạt động; báo cáo lưu chuyển tiền tệ; thuyết minh báo cáo khác theo quy định của pháp luật. Ngoài BCTC, hệ thống báo cáo kế toán của DN còn bao gồm các báo cáo kế toán quản trị, không mang tính chất bắt buộc, nhằm cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu quản lý nội bộ đơn vị. Do vậy, nội dung, hình thức trình bày, kỳ báo cáo được quy định tùy theo yêu cầu quản trị trong từng DN.

Tổ chức công tác kiểm tra kế toán:

Việc kiểm tra kế toán nhằm đảm bảo việc thực hiện đúng đắn các phương pháp kế toán, các chế độ kế toán hiện hành; Tổ chức công tác chỉ đạo công tác kế toán tại DN đảm bảo thực hiện đúng vai trò của kế toán trong quản lý kinh tế, tài chính. Việc kiểm tra kế toán sẽ tăng cường tính đúng đắn, hợp lý, khách quan của thông tin kế toán được cung cấp.

Ứng dụng công nghệ xử lý thông tin trong công tác kế toán:

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế toán của DN không chỉ giải quyết được vấn đề xử lý và cung cấp thông tin nhanh chóng, thuận lợi, mà nó còn làm tăng năng suất lao động của bộ máy kế toán, tạo cơ sở để tinh giảm bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác kế toán. Hiện nay, hầu hết DN đều có các phần mềm kế toán riêng để phục vụ cho công tác kế toán tại DN. Phần mềm kế toán sử dụng phải phù hợp với chế độ kế toán hiện hành, được thiết kế phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức công tác kế toán, Doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý một số nội dung sau:

Về tổ chức bộ máy kế toán:

Hiện nay, trong các DN việc tổ chức bộ máy kế toán có thể tiến hành theo một trong 3 hình thức: Tổ chức bộ máy kế toán tập trung; Tổ chức bộ máy kế toán phân tán và Tổ chức bộ máy kế toán hỗn hợp (vừa tập trung vừa phân tán). Thông thường, việc tổ chức bộ máy kế toán cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản sau: Phù hợp với yêu cầu và trình độ nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kế toán; Gọn nhẹ, hợp lý, đúng năng lực và hiệu quả; Phù hợp với đặc điểm, điều kiện tổ chức sản xuất kinh doanh, điều kiện hoạt động của DN trên cơ sở tổ chức phân cấp và phân công rõ ràng nhiệm vụ thực hiện các phần hành kế toán cho từng cán bộ kế toán cụ thể của đơn vị.

Về hệ thống chứng từ kế toán:

Hiện nay, hệ thống chứng từ kế toán hiện hành do Bộ Tài chính quy định, DN có thể tự thiết kế chứng từ kế toán nhưng phải đảm bảo các yếu tố để thu nhận và cung cấp thông tin kế toán. Đồng thời, biểu mẫu chứng từ kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh, đảm bảo rõ ràng, minh bạch, dễ kiểm tra, kiểm soát. Cần xây dựng hệ thống chứng từ đơn giản, rõ ràng, phù hợp với quy định của chế độ kế toán, bên cạnh đó, các chỉ tiêu phản ánh trong chứng từ phải thể hiện được yêu cầu quản lý nội bộ. Tất cả các chứng từ kế toán được lập từ trong đơn vị hay từ các đơn vị bên ngoài phải tập trung về phòng kế toán và chỉ sau khi kiểm tra xác minh tính pháp lý của chứng từ thì mới dùng ghi sổ kế toán.

Về hệ thống tài khoản kế toán:

Theo quy định hiện hành, DN có thể lựa chọn hệ thống tài khoản do Bộ Tài chính ban hành kèm theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC, Thông tư số 133/2016/TT-BTC, Thông tư số 132/2018/TT-BTC. Như vậy, DN cần dựa vào hệ thống tài khoản kế toán do Bộ Tài chính ban hành, DN căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tính chất hoạt động, cũng như đặc điểm sản xuất kinh doanh và yêu cầu quản lý để nghiên cứu, lựa chọn các tài khoản kế toán phù hợp để hình thành một hệ thống tài khoản kế toán cho đơn vị mình.

Về kiểm tra, giám sát trong công tác tổ chức kế toán:

Việc kiểm tra, giám sát công tác tổ chức kế toán trong DN nhằm đảm bảo cho công tác kế toán trong các DN thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ và chức năng của mình trong công tác quản lý. Đây là việc làm thường xuyên và đòi hỏi bắt buộc tại DN nhằm đảm bảo công tác tổ chức kế toán thực hiện đúng quy định của pháp luật và gắn với việc tổ chức hướng dẫn các cán bộ, nhân viên trong đơn vị hiểu và chấp hành chế độ quản lý kinh tế, tài chính nói chung và chế độ kế toán nói riêng.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức kế toán:

Để ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào công tác kế toán, DN cần tổ chức trang bị thiết bị, phương tiện kỹ thuật, kiến thức tin học cho bộ phận kế toán để kế toán viên có thể sử dụng thành thạo thiết bị, vận hành được các chương trình trên thiết bị từ đó phục vụ tốt công tác kế toán.

Tin bài: Trung tâm Ngoại ngữ- Tin học


Bài viết khác