Tổng quan ngành Công nghệ thông tin trường Đại học Kinh tế Nghệ an

            Kể từ năm học 2023 – 2024 ngành Công nghệ thông tin (Mã ngành: 7480201) được Trường Đại học Kinh tế Nghệ An đưa vào giảng dạy. Chương trình đào tạo được xây dựng để giúp sinh viên trang bị những kiến thức liên quan đến gia công hay ứng dụng hệ thống phần mềm, kiến thức về thiết kế, xây dựng, cài đặt, vận hành và bảo trì các thành phần phần cứng, phần mềm của hệ thống máy tính và các hệ thống thiết bị dựa trên máy tính; kiến thức về mạng máy tính và truyền thông.

            Đồng thời, sinh viên được cung cấp các kiến thức nền tảng và chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ thông tin để nâng cao tay nghề nhằm phát triển khả năng sửa chữa, xây dựng, cài đặt, bảo trì các phần cứng của máy tính cũng như nghiên cứu và phát triển các ứng dụng phần mềm.

Chương trình ngành CNTT được thiết kế gồm 4 khối kiến thức: Kiến thức chung, kiến thức ngành, chuyên ngành và lựa chọn. Chương trình được thiết kế tích hợp, cân bằng giữa kiến thức nền tảng với công nghệ, kỹ thuật mới và chú trọng đến kỹ năng thực hành và năng lực ứng dụng, sáng tạo. Các học phần được gợi ý theo một tiến độ hợp lý để sinh viên lựa chọn nhằm thúc đẩy hứng thú học tập của sinh viên ngay từ học kỳ đầu tiên.

            Kiến thức chung: Bao gồm các nội dung về lý luận chính trị, pháp luật, kỹ năng công dân thế kỷ 21, ngoại ngữ, giáo dục thể chất và quốc phòng.

            Kiến thức ngành: Được thiết kế tích hợp cân bằng giữa kiến thức nền tảng với công nghệ và kỹ thuật mới, bao gồm các kiến thức từ nền tảng toán học, kiến thức khoa học cơ bản của nhóm ngành CNTT và máy tính như ngôn ngữ lập trình, giải thuật, dữ liệu, hệ điều hành, mạng máy tính, quy trình phá triển phần mềm, quản trị dự án CNTT… tới các công nghệ mới như IOT, trí tuệ nhân tạo. Với chuyên ngành Thiết kế đồ họa, khối kiến thức ngành gồm các học phần nền tảng về mỹ thuật, thiết kế và nền tảng ứng dụng của CNTT trong thiết kế đồ họa.

            Kiến thức chuyên ngành: Sinh viên ngành CNTT có cơ hội lựa chọn một trong sáu hướng chuyên ngành gồm Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, An toàn thông tin, Trí tuệ nhân tạo – AI, Internet vạn vật – IOT, Thiết kế Mỹ thuật số.

            Khối kiến thức lựa chọn tự do: Được thiết kế xen kẽ để sinh viên có cơ hội lựa chọn các học phần ưa thích, mở rộng sang lĩnh vực khác hoặc nâng cao hơn so với chuyên ngành đã học. Sinh viên có thể học từ học phần riêng lẻ hoặc cả nhóm học phần về một hướng kỹ thuật, công nghệ mới như Blockchain, FinTech, Automative, Data Science,… Đây là các học phần tăng tính chủ động và cá nhân hóa cho từng sinh viên.

Thời gian học tập ngành công nghệ thông tin

            Thời gian đào tạo bậc đại học ngành CNTT tại NAUE là 3.5 năm. Sinh viên sẽ được học các môn cơ bản, kỹ năng, ngoại ngữ. Bên cạnh đó là các môn học chuyên ngành thuộc các bộ môn Hạ tầng số và Kết nối vạn vật, Công nghệ dữ liệu và tri thức, Ứng dụng thông minh và chuyển đổi số doanh nghiệp. Các môn học chủ yếu là về công nghệ mới nhất. Danh sách này sẽ có sự cải tiến hàng năm để đáp ứng mọi nhu cầu của sinh viên và doanh nghiệp.

            Quá trình học tập kết hợp với thực tập, thực tế và làm việc trải nghiệm tại các DN ký kết. Có sự tham gia đào tạo của các doanh nghiệp, chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực CNTT trong và ngoài nước. Đồ án thực tế có sự hướng dẫn của các giảng viên và Doanh nghiệp. Thực hành tại phòng máy hiện đại với những phần mềm cập nhật nhất.

Yêu cầu đầu vào

            Tốt nghiệp PTTH (hoặc tương đương), đạt quy định trúng tuyển đại học của Bộ GDĐT và đủ điều kiện xét tuyển của trường Đại học Kinh tế Nghệ an

Phương thức tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin

            Phương thức 1: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) và quy định của Trường - Mã phương thức xét tuyển 301

            Phương thức 2: Xét tuyển sử dụng kết quả học tập cấp THPT (học bạ) - Mã phương thức xét tuyển 200

            Điều kiện đăng ký xét tuyển: : thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2024 và thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ năm 2023 trở về trước (thí sinh tự do).

            - Thời gian đăng ký xét tuyển, công bố kết quả, hình thức đăng ký xét tuyển theo kế hoạch và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

            - Nguyên tắc xét tuyển: Sử dụng kết quả học tập THPT (học bạ) để xét tuyển theo ngành, xét tuyển từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu.

            - Xét tuyển theo kết quả học tập 3 học kỳ THPT (học kỳ 1 lớp 11, học kỳ 2 lớp 11, học kỳ 1 lớp 12).

            Điểm XT = Điểm XT môn 1 + Điểm XT môn 2 + Điểm XT môn 3 + điểm ƯT

            Phương thức 3: Xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024- Mã phương thức xét tuyển 100

            - Điều kiện đăng ký xét tuyển: Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

            - Thời gian đăng ký xét tuyển, công bố kết quả, hình thức đăng ký xét tuyển theo kế hoạch và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

            - Nguyên tắc xét tuyển: Xét tuyển theo từng ngành, xét tuyển từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu.

            Phương thức 4:  Xét tuyển theo kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; kết quả bài thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Mã phương thức xét tuyển: 402

            Phương thức 5: Xét tuyển kết hợp. Mã phương thức xét tuyển: 407

            Xét tuyển kết hợp dựa trên kết quả học tập lớp 12 và kết quả thi tốt nghiệp THPT  năm 2024.

            - Điểm xét tuyển = (Tổng điểm năm lớp 12 của 03 môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển + Tổng điểm thi THPT 2024 của 03 môn trong tổ hợp đăng ký xét tuyển)/2 + Điểm ưu tiên (nếu có)

Chất lượng đào tạo tại khoa CNTT của trường có khác biệt gì so với các trường khác?

            Từ năm học 2023-2024, chương trình đào tạo CNTT của NAUE  thay đổi phù hợp với xu hướng chuyển đổi số đại học. Chương trình đào tạo được thiết kế tinh giản, cải tiến, tiếp tục hướng tới yêu cầu thực tế và phát triển nâng cao chất lượng để đón đầu các xu hướng hiện đại.

            Cụ thể: Sinh viên được tăng cường học thực hành theo quy trình với nội dung công việc thực tế giống như ở doanh nghiệp. Sinh viên đã có cái nhìn tổng quan về ngành CNTT trong các lĩnh vực khác nhau, có sự say mê nghề nghiệp và có một số kỹ năng lập trình cơ bản để có thể đi làm trong các doanh nghiệp ngay từ năm thứ nhất.


Bài viết khác