Kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023) Xây dựng phong cách làm việc dân chủ

Trong bài báo Cái chìa khóa vạn năng, đăng trên Báo Nhân Dân ngày 25/3/1967, sau khi nêu tình trạng một số đơn vị hợp tác xã, xí nghiệp ở Quảng Bình, Hà Tây, Hà Nội gặp những khó khăn tưởng chừng không vượt qua được nhưng "nhờ cách dân chủ mà việc khó hóa ra dễ", Chủ tịch Hồ Chí Minh rút ra kết luận: "thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn... Quần chúng thật sự có quyền dân chủ và cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải xung phong gương mẫu, thì chắc chắn ngăn ngừa được những tệ quan liêu, mệnh lệnh, lãng phí, tham ô...".

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân". Không chỉ là của quý của nhân dân, theo chiều ngược lại, với Đảng, dân chủ cũng là của quý bởi vì phát huy dân chủ sẽ động viên được lực lượng của toàn dân hoàn thành những nhiệm vụ cách mạng. "Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên".

Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", lợi ích nhóm với những biểu hiện tinh vi, khó lường, làm xói mòn niềm tin của nhân dân và giảm năng lực lãnh đạo của Đảng. Bởi vậy, xây dựng phong cách làm việc dân chủ có ý nghĩa củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, mà trước hết là thực hiện tinh thần và phong cách làm việc dân chủ trong Đảng, từ đó mở rộng thực hiện phong cách làm việc dân chủ trong xã hội.

Xây dựng phong cách làm việc dân chủ trong Đảng thực chất là thực hiện quyền làm chủ của mỗi đảng viên, động viên sự tham gia tích cực của mỗi người vào các công việc của Đảng. Xây dựng phong cách làm việc dân chủ trong Đảng sẽ phát huy được sức sáng tạo của đội ngũ đảng viên trong chỉ đạo, lãnh đạo việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có hiệu quả, làm nền tảng cho việc thực hiện dân chủ trong xã hội.

Ngược lại, xây dựng phong cách làm việc dân chủ trong xã hội thúc đẩy thực hiện dân chủ trong Đảng do tăng cường được vai trò của nhân dân và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc tham gia công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là về đạo đức, lối sống, kiểm chứng tính đúng đắn, phù hợp các chủ trương, chính sách và chống quan liêu, độc đoán, chuyên quyền.

Gắn bó mật thiết với phong cách làm việc dân chủ là phong cách quần chúng. Phong cách quần chúng yêu cầu người cán bộ, đảng viên phải tin yêu và tôn trọng nhân dân, hiểu thực trạng đời sống, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết những kiến nghị chính đáng của quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Muốn chống bệnh quan liêu phải "đi sát quần chúng, khéo tổ chức và lãnh đạo quần chúng, thì cách mạng mới thành công".

Mỗi cán bộ, đảng viên cần nắm chắc quan điểm về vai trò và sức mạnh tối cao của nhân dân đã được Người khẳng định rõ: "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân". Và cần phải "Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta".

Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Phong cách làm việc được quy định bởi chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đồng thời phản ánh rõ phẩm chất, tri thức, kinh nghiệm, điều kiện hoạt động và cá tính của cán bộ, đảng viên. Điều đó làm nên sự đa dạng về phong cách của cán bộ, đảng viên trong các lĩnh vực công việc khác nhau. Người có phong cách làm việc dân chủ thực hành tốt nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" để phát huy trí tuệ và kinh nghiệm của nhiều người, biết lắng nghe ý kiến phê bình, kể cả các ý kiến trái chiều và nghiêm túc sửa mình với tinh thần cầu thị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh rằng Đảng cầm quyền có hai cách lãnh đạo: Lãnh đạo theo cách quan liêu thì Đảng sẽ thất bại; lãnh đạo theo cách quần chúng Đảng sẽ thành công. Thực hành dân chủ trong Đảng như một điều kiện bảo đảm tính đúng đắn của những quyết định của Đảng về đường lối, chủ trương; sự phù hợp của phương thức lãnh đạo; tính hợp lý trong việc sử dụng cán bộ; khắc phục bệnh quan liêu mệnh lệnh, chuyên quyền độc đoán, đề phòng tư duy chủ quan, duy ý chí, bệnh giáo điều và kinh nghiệm.

Sức mạnh của Đảng dựa trên sức mạnh và hiệu quả của tập trung dân chủ, của việc thực hành dân chủ một cách tự giác, nhất quán trong các tổ chức đảng và đảng viên. Có dân chủ mới thúc đẩy và phát huy được tính chủ động, sáng tạo, mới nuôi dưỡng và phát triển được tài năng. Có tập trung dân chủ, sức mạnh của Đảng mới được nhân lên, mới thống nhất được ý chí và hành động vì mục tiêu chung.

Trong Đảng và trong cả xã hội, dân chủ không đối lập với tập trung, nó chỉ đối lập với quan liêu, độc đoán. Tập trung không đối lập với dân chủ, nó chỉ đối lập với phân tán, tự do vô chính phủ. Dân chủ phải tuân thủ các quy tắc, quy định do tập trung đưa ra. Điều này loại trừ được dân chủ cực đoan và tự do vô chính phủ. Tập trung và dân chủ trong nguyên tắc tập trung dân chủ là đồng thuận, là tiền đề bảo đảm cho nhau, là hai mặt thống nhất của một vấn đề.

Khi xây dựng phong cách làm việc dân chủ còn phải chống hiện tượng tưởng là dân chủ. Dân chủ dưới sự thao túng của quyền lực cá nhân sẽ thành dân chủ hình thức. Hiện tượng dân chủ hình thức đã mang sẵn trong mình những nguy cơ nhân danh cộng đồng, nhân danh đại diện quyền lợi chung để lạm quyền, chuyên quyền, đè bẹp cá nhân.

Việc thực hành dân chủ trong Đảng luôn được đề cao song cũng có lúc, có nơi, việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức. Đây là những điều chúng ta còn cần phải khắc phục. Chúng ta không quên điều Người đã căn dặn: "Đảng phải giữ vững chế độ dân chủ tập trung. Phải luôn luôn chỉnh đốn tổ chức, loại bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng. Phải bồi dưỡng, lựa chọn và dùng cán bộ một cách đúng đắn".


Bài viết khác