Sự khác biệt giữa ngành Tài chính – Ngân hàng và Công nghệ tài chính

Sự khác biệt giữa ngành Tài chính – Ngân hàng và Công nghệ tài chính

 

Công nghệ tài chính (Fintech) là ngành mới của Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An được mở năm 2024 và chính thức tuyển sinh từ năm học 2024 - 2025. Vậy ngành này có gì khác biệt với ngành Tài chính - Ngân hàng truyền thống? Cùng tìm hiểu “Sự khác biệt giữa ngành Tài chính - Ngân hàng và ngành Công nghệ tài chính” qua các thông tin dưới đây.

 1. Tài chính - Ngân hàng và Công nghệ tài chính là gì?

* Tài chính - Ngân hàng: phản ánh tất cả những hoạt động liên quan đến các luồng chuyển dịch của tài chính - tiền tệ, các dịch vụ giao dịch tài chính, lưu thông và vận hành tiền tệ ở trong tất cả các cá nhân, tổ chức (cơ quan, doanh nghiệp, ngân hàng, …) ở trong nước và quốc tế.

Thuộc lĩnh vực của Tài chính - Ngân hàng còn rất nhiều lĩnh vực chuyên sâu như Tài chính doanh nghiệp, Tài chính tín dụng; Bảo hiểm, Thuế - Hải quan; Thị trường chứng khoán; Tài chính đầu tư, …. Theo đó sẽ có các ngành học chuyên sâu như chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp, chuyên ngành Ngân hàng - Bảo hiểm, chuyên ngành Quản lý tài chính, chuyên ngành Tài chính công, …

* Công nghệ tài chính là sự kết hợp giữa tài chính (finance) và công nghệ (technology), mang đến những cải tiến đột phá cho các hoạt động tài chính truyền thống. Ngành này ứng dụng các sản phẩm công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn và công nghệ chuỗi khối để nâng cao hiệu quả và trải nghiệm của người dùng. Nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, các dịch vụ tài chính trở nên linh hoạt, tiện lợi và phù hợp hơn cho các công ty và cá nhân trong các lĩnh vực như ngân hàng, cho vay, thanh toán, huy động vốn từ cộng đồng và đầu tư. Fintech còn bao gồm những khía cạnh rất mới như blockchain, big data (dữ liệu lớn) hay ngôn ngữ lập trình thông minh (Python).

2. Chương trình đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng và ngành Công nghệ tài chính

* Ngành Tài chính - Ngân hàng

Học ngành Tài chính - Ngân hàng, sinh viên được cung cấp kiến thức về lĩnh vực phân tích tài chính và đầu tư trên thị trường vốn, thị trường tiền tệ trong quá trình toàn cầu hóa;  Nắm bắt kiến thức vững chắc về thực hành các nghiệp vụ trong ngân hàng thương mại hiện đại; có chuyên môn sâu về phân tích, dự báo liên quan đến tài chính, tiền tệ nhằm đưa ra quyết định trong quản trị tài chính.

Bên cạnh đó, người học còn được rèn luyện về bản lĩnh và khả năng tự nghiên cứu khi gặp vấn đề mới, đối đầu và ứng biến nhạy bén khi có rủi ro phát sinh liên quan đến tài chính, tiền tệ.

Chương trình đào tạo bao gồm các môn học về kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, toán học, pháp luật kinh tế, thống kê kinh tế, tài chính doanh nghiệp, Thuế, tài chính công, phân tích tài chính doanh nghiệp, Bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng thương mại, tài chính quốc tế, kế toán tài chính, ….

* Ngành Công nghệ tài chính

Sinh viên sẽ được trang bị lý thuyết, kỹ thuật và tư duy phản biện trong việc áp dụng công nghệ vào các dịch vụ tài chính trong ngành Fintech. Ngoài những môn học chung về kinh tế học, toán học, các học phần cơ sở về tài chính - ngân hàng, những môn học trọng tâm của ngành này bao gồm:

- Nghiên cứu về dữ liệu lớn và trí tuệ kinh doanh: phát triển khả năng thiết kế và triển khai các ứng dụng cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu lớn trong tài chính (Big data Analysis in Finance) để đáp ứng nhu cầu kinh doanh. Sinh viên tìm hiểu các vấn đề và công nghệ liên quan đến việc triển khai, hỗ trợ cơ sở dữ liệu quy mô lớn và các dịch vụ cần thiết để duy trì và truy cập kho dữ liệu.

- Kỹ thuật về ngôn ngữ lập trình thông minh (Python) và máy học (Machine learning): sử dụng các kỹ thuật tính toán, xây dựng thuật toán và hệ thống thích ứng linh hoạt với nhiều trường hợp.

- Nhu cầu và trải nghiệm của người dùng: tập trung thiết kế trải nghiệm người dùng và xây dựng tạo mẫu phần mềm để phát triển dịch vụ Fintech phù hợp. Sinh viên được nghiên cứu về ngân hàng số (Digital Bank); tư vấn tài chính tự động (Robo-Advisor); về công nghệ bảo hiểm (InsurTech) hay ứng dụng trong đầu tư bất động sản (Real Estate Tech), v.v…

- Kinh doanh kỹ thuật số: tìm hiểu về những lợi ích và tác động của các công nghệ kỹ thuật số lên các công ty khởi nghiệp. Sinh viên được nghiên cứu các ứng dụng công nghệ trong quản trị doanh nghiệp thông minh (Data-Driven Management), ….

 

Sinh viên ngành Tài chính – Ngân hàng và ngành Công nghệ tài chính của Trường Đại học Kinh tế Nghệ An được đào tạo toàn diện về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng

Sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng và Công nghệ tài chính Trường Đại học Kinh tế Nghệ An đều được trang bị các kỹ năng mềm cần thiết để đáp ứng nhu cầu của công việc như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian, tư duy phản biện, kỹ năng làm việc nhóm và giải quyết vấn đề, kỹ năng phỏng vấn và làm việc chuyên nghiệp, đến các kỹ năng nghề nghiệp như kỹ năng quản lý tài chính, kỹ năng phân tích tài chính,  … Sinh viên được đào tạo tiếng Anh chuyên ngành đẩy mạnh học tập thực tế tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực học tập và nghiên cứu nhằm đảm bảo cho sinh viên có cơ hội phát triển toàn diện, trở thành cá thể nổi trội khi hòa nhập vào môi trường làm việc đầy năng động và giàu tính cạnh tranh hiện nay.

Cả 2 ngành học có tổng số lượng tín chỉ đào tạo là 129 tín chỉ.

Sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng và ngành Công nghệ tài chính đều được đảm bảo về giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp.

Sinh viên ngành Tài chính – Ngân hàng và ngành Công nghệ tài chính của Trường Đại học Kinh tế Nghệ An được học tập cùng đội ngũ giảng viên, chuyên gia trình độ cao, bề dày kinh nghiệm trong giảng dạy và thực tiễn

3. Cơ hội nghề nghiệp sau khi học ngành Tài chính - Ngân hàng và ngành Công nghệ Tài chính

* Tài chính - Ngân hàng: Sinh viên có thể làm việc tại các cơ quan của Nhà nước (cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc, Bảo hiểm, Ngân hàng, các đơn vị hành chính sự nghiệp các cấp, tổ chức chính trị - xã hội các cấp), các doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư,... với các vị trí như cán bộ tài chính; chuyên viên về lập kế hoạch và phân tích tài chính, chuyên viên tín dụng, chuyên viên đầu tư, chuyên viên bảo hiểm,...

* Công nghệ tài chính: Sinh viên có thể làm việc tại các công ty khởi nghiệp Fintech, các tập đoàn công nghệ lớn, các cơ quan đơn vị Nhà nước; các ngân hàng, tổ chức tài chính,... với các vị trí như Kỹ sư phần mềm/Lập trình viên Fintech; Chuyên viên phân tích dữ liệu; nhà phân tích dữ liệu Fintech; chuyên viên marketing Fintech, chuyên viên pháp lý Fintech; Chuyên gia an ninh mạng; Nhà thiết kế trải nghiệm và giao diện cho người dùng UX / UI; Giám đốc phát triển kinh doanh; ...

Trường Đại học Kinh tế Nghệ An hợp tác cùng nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu, thực hành, thực tập, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên. Sinh viên ngành Tài chính – Ngân hàng và Công nghệ tài chính NAUE được đảm bảo cam kết giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp

 

Tin bài:Truyền thông Khoa TCNH


Bài viết khác