Hiểu đúng vai trò của khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

        ĐBSCL Phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở một số nơi chưa thực sự hiệu quả do vị trí quy hoạch chưa phù hợp, chưa có gắn kết để chuyển giao công nghệ.

       Ứng dụng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là hoạt động cần thiết giúp bà con nông dân tăng năng suất lao động. Những năm qua, nhiều khu nông nghiệp công nghệ cao được thành lập trên cả nước và được đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản, tuy nhiên khi triển khai hoạt động chưa mang lại hiệu quả tương xứng, khả năng thu hút vốn đầu tư còn thấp.

       Hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thành lập 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, Khu Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hậu Giang được phê duyệt đầu tiên vào năm 2012 với diện tích 5.170ha, tuy nhiên tiến độ triển khai còn chậm, hiện vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện xây dựng trụ sở, bước đầu kêu gọi doanh nghiệp đầu tư.

Tọa đàm “Con đường chuyển giao công nghệ ra các tổ chức khuyến nông, đưa đến nông dân” do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức

       Tại tọa đàm “Tổ chức khuyến nông - Chuyển giao trực tiếp kết quả nghiên cứu khoa học” do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang nhìn nhận, nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này xuất phát từ yếu tố vị trí địa lý không thuận lợi.

       Khu Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hậu Giang được quy hoạch ở vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, đặc biệt là giao thông đường bộ. Ngoài ra, địa điểm này tiếp giáp với 4 xã của huyện Long Mỹ là Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A, Lương Tâm và Lương Nghĩa. Đây là những khu vực vùng trũng của tỉnh Hậu Giang, đất thấp, nhiễm phèn, mặn, khó canh tác nông nghiệp. Điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi dẫn đến việc thực hiện chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chọn giống cây trồng, vật nuôi chưa phù hợp. 

      Để Khu Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hậu Giang phát huy được vai trò, UBND tỉnh Hậu Giang đang thực hiện chính sách đào tạo nhân lực để chuyển giao công nghệ trong những năm tới. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao các tỉnh bạn, nhất là TP.HCM - nơi hoạt động rất hiệu quả. 

       Bên cạnh đó, tỉnh cũng kết hợp với các viện, trường thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, xây dựng quy trình chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp...

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đánh giá tiến độ triển khai Khu Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hậu Giang còn chậm

       Ngoài tỉnh Hậu Giang, TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, vùng ĐBSCL có 4 - 5 tỉnh/thành có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thế nhưng, đa phần lại chưa thể làm tròn chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu ứng, dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

        Theo quan điểm của TS Nhân, thời gian qua đã có sự nhầm lẫn giữa khái niệm khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có chức năng dẫn dắt, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Việc lan tỏa để đưa công nghệ cao ra bên ngoài là vai trò của vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có những vùng nguyên liệu tập trung, nhà máy chế biến.

        Với những phân tích trên, TS Nhân cho rằng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không cần diện tích lớn, nhưng phải đảm bảo các điều kiện, đối tượng để tập trung nghiên cứu ứng dụng, ươm tạo công nghệ, trình diễn cũng như thực hiện các dịch vụ hỗ trợ phù hợp. 

          Việc xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mỗi tỉnh sẽ có những đặc thù riêng tùy theo đặc trưng ngành hàng, đối tượng nghiên cứu.

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không cần diện tích lớn, nhưng phải đảm bảo các điều kiện, đối tượng để tập trung nghiên cứu ứng dụng, ươm tạo công nghệ, trình diễn cũng như thực hiện các dịch vụ hỗ trợ

          Theo định hướng quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL, tương lai ĐBSCL sẽ có Trung tâm Liên kết sản xuất - Chế biến và Tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL đặt tại TP Cần Thơ. 

         Ngoài ra, 7 trung tâm đầu mối tiểu vùng cũng sẽ hình thành tại các địa phương trong vùng. Mỗi trung tâm sẽ có các đối tượng kinh doanh khác nhau. Như tỉnh Hậu Giang sẽ phát triển logistic dịch vụ nông nghiệp để hỗ trợ cho các trung tâm đầu mối khác. Tỉnh An Giang sẽ phát triển lúa, thuỷ sản nước ngọt; tỉnh Bến Tre và Tiền Giang phát triển cây ăn trái, rau màu; các địa phương ven biển Sóc Trăng và Cà Mau tập trung phát triển nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản biển...

         TS Đặng Kiều Nhân khẳng định, khi mạng lưới các trung tâm đầu mối này hình thành, sẽ hỗ trợ, gắn kết cho các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp của vùng. Bên cạnh đó, để các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động hiệu quả, các địa phương cần tính đến phương án quy hoạch vị trí gần các viện, trường để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng, ươm tạo công nghệ và phát triển và chuyển giao công nghệ.

                                                                     Trần Thị Vân (Theo Nông nghiệp Việt Nam)