Việt Nam và cách tiếp cận trong lâm nghiệp về vấn đề xoá đói giảm nghèo

         Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, ngành lâm nghiệp luôn kì vọng sẽ đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là tại sao ở nơi nào có nhiều rừng nhất lại là nơi có nhiều người nghèo nhất. Các bên liên quan thậm chí đặt câu hỏi “Liệu có phải vì có nhiều rừng nên người dân nghèo?”. Việc trả lời các câu hỏi này bằng kết quả nghiên cứu khoa học sẽ xác định lại đúng vị thế và vai trò của lâm nghiệp trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội của quốc gia.

         Người dân ở các vùng này nghèo là do khó tiếp cận thị trường, giao thông khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đất đai xấu. Trong khi đó, quá trình công nghiệp hóa nông thôn sẽ đến chậm hơn so với các vùng khác. Hơn nữa, đời sống của người dân ở các vùng sâu, vùng xa ở nông thôn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn hàng hóa và dịch vụ môi trường từ các rừng tự nhiên, điển hình như khai thác và bán gỗ cũng như các sản phầm từ rừng.

        Như vậy, công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc nơi có rừng hoặc sống dựa vào nghề rừng nhất thiết phải gắn với chiến lược phát triển lâm nghiệp. FAO đã đưa ra 6 phương thức sử dụng nguồn rừng có tiềm năng trợ giúp cho quá trình giảm nghèo, đó là: Chuyển đổi rừng sản xuất sang sản xuất nông nghiệp, Gỗ, Lâm sản ngoài gỗ, Dịch vụ môi trường, Việc làm, Lợi ích gián tiếp. Trên thực tế, những phương thức này đã hỗ trợ tích cực công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

          Hiện nay, khi nói về việc đóng góp của lâm nghiệp vào xóa đói giảm nghèo, các bên mới chỉ nghĩ đến việc ngành lâm nghiệp đóng góp vào thu nhập của người nghèo là bao nhiêu. Quan niệm và góc nhìn hạn hẹp này vừa không thể hiện đầy đủ khái niệm đói nghèo vừa không đánh giá tầm quan trọng của lâm nghiệp trong việc xóa đói giảm nghèo.

          Nghèo đói là một khái niệm có nhiều khía cạnh. Định nghĩa về nghèo đói đã thay đổi nhanh chóng và thay đổi theo thời gian. Các quốc gia trên thế giới không còn đánh giá nghèo đói theo mặt thu nhập và của cải vật chất, mà bao gồm nhiều mặt (bao gồm các khía cạnh phi vật chất của cuộc sống con người, như dinh dưỡng và an ninh lương thực, y tế, giáo dục, kiểm soát và an ninh, trao quyền, cơ hội tiếp cận với tài nguyên và tự do lựa chọn) (World Bank 2000; Angelsen và Wunder 2003). Chính vì vậy, khi thảo luận và nhìn nhận về vai trò của rừng và lâm nghiệp trong xóa đói giảm nghèo cũng cần phải nhìn trên đa phương diện.

          Cải thiện, đa dạng sinh kế và tránh rủi ro trong các điều kiện bất thường. Rừng có vai trò quan trọng cho người nghèo trong việc duy trì cuộc sống (Byron và Arnold 1999, Angelsen và Wunder 2003, Vedeld và cộng sự 2004) và trong một số trường hợp là nguồn cải thiện thu nhập (ví dụ, Ruíz-Pérez và cộng sự 2004). Trên thế giới, nguồn thu từ lâm nghiệp đóng góp trung bình khoảng 28% tổng thu nhập của người dân. Việc đa dạng hóa các nguồn thu nhập rất quan trọng đối với người nghèo ở nông thôn như là một biện pháp để giảm thiểu rủi ro (Ellis 2000). Tài nguyên rừng cung cấp một nguồn thu nhập lấp đầy khoảng thời gian trống giữa các vụ thu hoạch nông nghiệp và là mạng lưới an toàn trong trường hợp thiên tai, nạn đói, lũ lụt, bão hoặc chiến tranh (Angelsen và Wunder 2003, Takasaki và cộng sự 2004). Rừng có thể là một hình thức tiết kiệm (Chambers và cộng sự 1993) và là một hình thức bảo đảm cuộc sống từ thiên nhiên (Pattanayak và Sills 2001, McSweeney 2004). Tại Việt Nam, nhiều khảo sát của CIFOR tại các vùng núi cho thấy người giàu chủ yếu đầu tư vào trồng rừng vì họ coi đó là một khoản đầu tư lâu dài cho con cái của họ. Khai thác gỗ và công nghiệp gỗ, mặc dù luôn được coi ngành khó tiếp cận đối với người nghèo vì lợi nhuận rơi vào những bên có nguồn lực tài chính, cũng có thể giúp giảm nghèo. Khai thác đòi hỏi vốn, kỹ năng, quyền sử dụng đất, công nghệ, hệ thống sản xuất và thời gian khai thác lâu mà chỉ những bên có nguồn lực mới có (Angelsen và Wunder 2003,34). Bên cạnh việc phân bổ quyền kinh tế không đồng đều, về mặt kinh tế, giá trị sản phẩm gỗ giảm dưới sự khai thác người nghèo. Tuy nhiên, việc tái đầu tư lợi nhuận từ gỗ vào các lĩnh vực khác của nền kinh tế, phát triển lâm nghiệp của đất nước, tác động tích cực đến giá lâm sản đô thị, và tác động phát triển đến cộng đồng địa phương (cơ sở hạ tầng) có thể gián tiếp mang lại lợi ích cho toàn xã hội, bao gồm người nghèo (Angelsen và Wunder 2003,32,34).

      Để nâng cao hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, những nơi gắn với rừng, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp:

      Thứ nhất, xây dựng những chính sách xóa đói, giảm nghèo mang tính đa chiều. Tuy nhiên, các chính sách phải thường xuyên được đánh giá, bổ sung, điều chỉnh để đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận dễ dàng, hiệu quả hơn. Chính sách xóa đói, giảm nghèo cần phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn, từng giai đoạn phát triển. Có chính sách đặc thù cho vùng đặc biệt khó khăn.

      Thứ hai, hoàn thiện chính sách giao đất, giao rừng. Giao đất, giao rừng không những tạo việc làm, khuyến khích người dân cải thiện thu nhập mà còn có tác dụng lớn trong việc bảo vệ, trồng rừng nhằm tăng độ che phủ rừng. Tuy nhiên, cần có những giải pháp, cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp hơn để công tác giao đất, giao rừng đạt mục tiêu đề ra. Ví dụ như cần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và rừng cho các chủ rừng để thuận tiện trong việc quản lý và sản xuất.

       Thứ ba, tiếp tục triển khai hiệu quả công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, cần xác định đúng một số chỉ tiêu như trạng thái rừng và ranh giới rừng, diện tích lưu vực… để có cơ sở chi trả. Đồng thời, cần xây dựng quy trình đánh giá chất lượng bảo vệ rừng để chi trả đúng cho các cộng đồng, nhóm hộ và đơn vị tham gia. Từ đó, lợi ích thu được từ các dịch vụ môi trường cần được đầu tư để tăng thu nhập và tạo việc làm cho những người sống ở rừng vùng cao.

       Thứ tư, đầu tư phát triển chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tại vùng cao. Để thực hiện giải pháp này, cần xây dựng chính sách chế biến, kinh doanh gỗ và lâm sản vùng cao, hỗ trợ hình thành các làng nghề, các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản cộng đồng, nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến gỗ và lâm sản quy mô nhỏ. Đồng thời, về lâu dài cần quy hoạch mạng lưới chế biến gỗ và lâm sản cấp cộng đồng vùng cao, hỗ trợ vốn quy hoạch và phát triển các làng nghề, các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản vùng cao.

                                                                              ThS: Nguyễn Thị Trà