Những lưu ý cho doanh nghiệp khi quyết toán thuế TNDN 2023

1. Những điều cần biết về quyết toán thuế

         Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là công việc mà doanh nghiệp bắt buộc phải làm khi kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính. Hàng quý, doanh nghiệp phải tạm nộp thuế TNDN của quý đó và cuối năm phải thực hiện quyết toán thuế theo quy định. Có thể các bạn đã biết, bản thân thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế có kỳ tính thuế theo năm. Tuy nhiên, hàng quý doanh nghiệp phải tạm tính ra số tiền thuế tạm nộp rồi cuối năm thực hiện tính toán lại xem cả năm đó doanh nghiệp có phải nộp thuế TNDN hay không.

         Nếu số tiền đã tạm nộp cả 4 quý nhiều hơn khi quyết toán thì doanh nghiệp đã nộp thừa thuế. Số tiền thuế nộp thừa này có thể bù trừ sang kỳ sau hoặc các bạn làm thủ tục hoàn thuế.

          Nếu số tiền đã tạm nộp cả 4 quý ít hơn khi quyết toán thuế thì doanh nghiệp nộp thiếu tiền thuế TNDN. Trường hợp này doanh nghiệp phải nộp thêm phần tiền thuế thiếu đó, ngoài ra doanh nghiệp có thể bị tính tiền chậm nộp nếu chênh lệch từ 20% số quyết toán thuế so với số tạm tính thuế.

2. Những lưu ý cho doanh nghiệp khi quyết toán thuế

2.1 Đối tượng quyết toán thuế

         Theo quy định của Luật quản lý thuế 2019 , những đối tượng quyết toán thuế thu nhập cá nhân bao gồm:

        - Những cá nhân thực hiện quyết toán dựa theo tiền lương, tiền công đã nhận. Các cá nhân bao gồm: Người đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam và người nước ngoài đang lưu trú và làm việc tại Việt Nam

         - Tổ chức cá nhân doanh nghiệp thực hiện quyết toán cho phần thu nhập ( được gọi là tiền lương, tiền công) của người lao động mà doanh nghiệp đã chi trả

         - Các cá nhân có ủy quyền cho các tổ chức, doanh nghiệp thay thế trong việc chi trả tiền thực hiện quyết toán cho mình trong trường hợp khi đủ điều kiện theo quy định

         - Nếu doanh nghiệp thực hiện việc cải tổ, làm mới, chuyển từ tổ chức cũ sang tổ chức mới và không có phát sinh trong tiền lương giữa các cá nhân từ nơi khác thì được ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho tổ chức mới

         - Cá nhân được điều chỉnh giữa các hệ thống trong tập đoàn, Tổng công ty, Công ty mẹ-con hay trụ sở chính, chi nhánh được ủy quyền quyết toán thuế lại tổ chức mới.

2.2. Thời hạn doanh nghiệp được quyết toán thuế

         Trong Khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm được quy định như sau:

        - Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm

         - Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế;

        - Chậm nhất là ngày 15 tháng 12 của năm trước liền kề đối với hồ sơ khai thuế khoán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán; trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới kinh doanh thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh.

3. Hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN

         Hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN bao gồm các giấy tờ sau:

        1. Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (Mẫu số 03/TNDN ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC);

        2. Báo cáo tài chính năm. Bao gồm:

       – Bảng cân đối kế toán (Mẫu số B01-DN ban hành kèm theo Thông tư 200/2014/TT-BTC);

       – Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (Mẫu số B02-DNN ban hành kèm theo Thông tư 200/2014/TT-BTC);

       – Báo cáo luân chuyển tiền tệ theo phương pháp trực tiếp và Báo cáo luân chuyển tiền tệ theo phương pháp gián tiếp (ban hành kèm theo Thông tư 200/2014/TT-BTC);

       – Bản thuyết minh báo cáo tài chính (Mẫu số B09-DN ban hành kèm theo Thông tư 200/2014/TT-BTC);

        3. Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục nếu không phải là người đại diện theo pháp luật thực hiện công việc;

        Tùy theo thực tế phát sinh của công ty mà nộp thêm các giấy tờ sau:

        4. Phụ lục Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC):

       – Mẫu số 03-1A/TNDN đối với công ty thuộc các ngành sản xuất, thương mại, dịch vụ.

       – Mẫu số 03-1B/TNDN đối với công ty thuộc các ngành ngân hàng, tín dụng.

        – Mẫu số 03-1C/TNDN đối với các Công ty chứng khoán, Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.

         5. Phụ lục chuyển lỗ (Mẫu số 03-2/TNDN ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC).

         6. Các Phụ lục thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi (ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC):

        – Mẫu số 03-3A/TNDN đối với thu nhập từ dự án đầu tư mới, thu nhập của công ty được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

        – Mẫu số 03-3B/TNDN đối với cơ sở kinh doanh đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ sản xuất (dự án đầu tư mở rộng)

        – Mẫu số 03-3C/TNDN đối với công ty sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số hoặc công ty hoạt động sản xuất, xây dựng, vận tải sử dụng nhiều lao động nữ

        – Mẫu số 03-3D/TNDN đối với công ty khoa học công nghệ hoặc công ty thực hiện chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao

        7. Phụ lục thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp ở nước ngoài (Mẫu số 03-4/TNDN ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC).

        8. Phụ lục thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản (Mẫu số 03-5/TNDN ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC).

        9. Phụ lục báo cáo trích lập, sử dụng quỹ khoa học và công nghệ (Mẫu số 03-6/TNDN ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC)

        10. Phụ lục thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết (Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định số 132/2020/NĐ-CP).

         11. Phụ lục bảng phân bổ số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp đối với cơ sở sản xuất (Mẫu số 03-8/TNDN ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC).

        12. Trường hợp công ty có dự án đầu tư ở nước ngoài, ngoài các hồ sơ nêu trên, công ty phải bổ sung các hồ sơ, tài liệu theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể:

        Hồ sơ đính kèm khi kê khai và nộp thuế của công ty Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đối với khoản thu nhập từ dự án đầu tư tại nước ngoài bao gồm:

        – Bản chụp Tờ khai thuế thu nhập ở nước ngoài có xác nhận của người nộp thuế;

        – Bản chụp chứng từ nộp thuế ở nước ngoài có xác nhận của người nộp thuế hoặc bản gốc xác nhận của cơ quan thuế nước ngoài về số thuế đã nộp hoặc bản chụp chứng từ có giá trị tương đương có xác nhận của người nộp thuế.

Tin bài: Võ Hương (st)

 

 


Bài viết khác