Viết tắt trong bài: FTA(1): Free Trade Agreement (Hiệp định thương mại tự do); FTA(2): Free Trade Area (Khu vực mậu dịch tự do); EU: European Union (Liên minh Châu Âu); CPTPP: Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương);
Sáng ngày 23/4/2019 tại hội trường A Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, Khoa Kinh tế - Quản trị Kinh doanh (QTKD) đã tổ chức buổi học thuật cấp tổ do ThS. Trần Thị Thanh Hường – Giảng viên tổ Kinh tế Khoa Kinh tế - QTKD thực hiện. Chủ đề buổi học thuật là: “FTA thế hệ mới và các thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam”.
Tham dự buổi học thuật có TS. Hồ Thị Hiền – Phó Trưởng khoa Kinh tế - QTKD, ThS. Lê Thị Xuân – Tổ trưởng Bộ môn Kinh tế và các giảng viên trong Khoa Kinh tế - QTKD. Nội dung buổi học thuật nằm trong chương trình giảng dạy của tổ bộ môn kinh tế và là vấn đề đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ xã hội sau chuyến đi các nước EU để vận động ký kết hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc những ngày vừa qua.
Buổi học thuật đã trình bày các khái niệm và các vấn đề cơ bản về nội dung của các FTA thế hệ mới, trong đó đề cập khái quát về nội dung của hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới gồm EVFTA và CPTPP. Những vấn đề đáng chú ý đặt ra trong buổi học thuật về các thách thức mà Chính phủ Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt là chi phí đầu tư và chi phí tuân thủ khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA mới), đồng thời phải đối mặt với sức ép thực thi các quy định về lao động và môi trường - những vấn đề lâu nay chưa được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đúng mức.
Tuy nhiên, dù những vấn đề trên hoàn toàn có thể khắc phục được nếu các doanh nghiệp tuân thủ quy định và chấp nhận gánh chịu thêm các chi phí kể trên, thì họ vẫn phải đối mặt với một rào cản khó khăn hơn, đó là kinh nghiệm trong xử lý và tranh chấp thương mại. Đây là điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam, vì vậy, cần có sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều phía kể cả các nghiên cứu hiệu quả hơn từ các trường đại học nói chung, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An nói riêng.
Buổi học thuật cũng đề xuất các giải pháp nhằm tận dụng tối đa hiệu quả từ các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới mang lại, đáng chú ý như các doanh nghiệp cần chủ động thay đổi để tận dụng cơ hội mới bằng cách lên kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện tốt các quy định về lao động, môi trường. Đồng thời các doanh nghiệp trong nước nên liên kết với nhau theo chuỗi, thậm chí liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài hoặc đa quốc gia để ổn định sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và đạt các yêu cầu, quy định FTA thế hệ mới. Trong đó cần đề cao vai trò quan trọng của các hiệp hội ngành nghề nhằm giúp các doanh nghiệp tìm được tiếng nói chung và nâng cao sức ảnh hưởng đối với các đối tác ngoài nước. Về phía nhà nước, Chính phủ cần thực hiện tốt các hoạt động phổ biến và tuyên truyền các nội dung của FTA thế hệ mới, phối hợp với các bên liên quan tạo điều kiện thuận lợi về mặt thông tin và pháp lý giúp các doanh nghiệp thực hiện tốt việc tuân thủ các quy định trong các FTA thế hệ mới này.
Nội dung của buổi học thuật nhận được nhiều câu hỏi từ các giảng viên tham dự, ví dụ như muốn làm rõ hơn về các đặc điểm của FTA thế hệ mới hay các chi phí tuân thủ gồm những chi phí nào? FTA thế hệ mới là tất yếu hay chỉ là bước đi tình thế của các nước trên thế giới hiện nay? ThS. Trần Thị Thanh Hường đã giải đáp chi tiết và thỏa đáng tất cả những quan tâm của các giảng viên tham dự buổi học thuật.
Đánh giá về nội dung buổi học thuật, TS. Hồ Thị Hiền cho biết đây là một nội dung rất rộng và phải cần nhiều thời gian mới có thể trình bày hết được các vấn đề của FTA thế hệ mới. TS. Hồ Thị Hiền đánh giá buổi học thuật thành công, tác giả và các giảng viên khác cần rút kinh nghiệm những vấn đề chưa đạt để hoàn thiện ở các buổi học thuật sau./.
Khoa Kinh tế - QTKD.