Sử dụng tình huống để nâng cao hiệu quả giảng dạy môn Pháp luật đại cương theo hệ thống tín chỉ tại trường Đại học Kinh tế Nghệ An

           Đổi mới phương pháp dạy học là một nhiệm vụ rất quan trọng đòi hỏi phải sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy hiện đại khác nhau. Trong đó, phương pháp sử dụng tình huống là phương pháp dạy học có nhiều ưu việt và được áp dụng từ khá lâu đời ở các nước phát triển trên thế giới. Môn học pháp luật đại cương bên cạnh trang bị những kiến thức cơ bản cho Sinh viên về pháp luật, môn học này còn xây dựng ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” cho mỗi cá nhân. Vì vậy, nâng cao hiệu quả dạy học môn Pháp luật đại cương cho sinh viên nhà trường là nhiệm vụ rất quan trọng. Sử dụng tình huống là phương tiện hiệu quả để nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên trong dạy môn Pháp luật đại cương.

          1. ĐẶT VẤN ĐỀ

         Trong những năm gần đây, nền giáo dục nước ta có những thay đồi đáng kể, đặc biệt trong đổi mới phương pháp dạy học, một mặt nhằm hạn chế những vấn đề còn tồn tại mà phương pháp dạy học cũ đem lại, mặt khác phát huy được tính tích cực của những phương pháp này. Trên cơ sở đó, chúng ta đã và đang áp dụng các phương pháp tích cực nhằm đạt hiệu quả trong dạy học. Đối với Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục được nhà trường hết sức quan tâm. Thực tế cho thấy muốn dạy và học có hiệu quả môn Pháp luật đại cương thì không thể chỉ chú trọng đổi mới nội dung mà còn phải chú trọng đổi mới phương pháp. Tuy nhiên việc vận dụng các tình huống như thế nào để đạt hiệu quả đang là vấn đề gây nhiều tranh luận cho đội ngũ cán bộ giảng dạy.

         2. NỘI DUNG

         2.1. Khái niệm

         Sử dụng tình huống pháp luật tức là quá trình đưa những tình huống pháp luật đã được xây dựng ra dùng như những biện pháp, như những phương tiện kích thích sự hứng thú, chủ động của người học để nâng cao hiệu quả giảng dạy.

         2.2.  Nguyên tắc sử dụng tình huống trong dạy học phần Luật đại cương theo hệ thống tín chỉ tại Trường Đại học kinh tế Nghệ An.

         Thứ nhất, Sử dụng tình huống phải phù hợp với mục tiêu và nội dung dạy học của học phần Luật đại cương đã được quy định chung trong kế hoạch chương trình dạy học môn pháp luật đại cương của Bộ giáo dục và đào tạo.

         Thứ hai, Nguyên tắc đảm bảo sự thống nhất giữa tính tự giác, tích cực, tính độc lập sáng tạo của học sinh và vai trò chủ đạo của giáo viên trong quá trình dạy học. Trong quá trình dạy học sử dụng tình huống trong môn pháp luật đại cương, giáo viên phải là người hướng dẫn, chỉ đạo. Sự chỉ đạo đó thể hiện: bằng sự hiểu biết về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của mình, giáo viên là người định hướng sinh viên tới mục tiêu sử dụng tinh huống trong quá trình học tập, tới việc chuẩn bị những điều kiện, phương tiện cho việc học tập sử dụng tình huống diễn ra thuận lợi; là người hướng dẫn, kích thích và điều khiển quá trình sử dụng tình huống. Sinh viên cần tự giác thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ do quá trình dạy học này đề ra; sinh viên phải thm gia vào quá trình học tập này với một thái độ tích cực, sáng tạo. Dạy học sử dụng tình huống không chấp nhận thái độ áp đặt, độc đoán của giáo viên và thái độ thụ động của sinh viên. Trong quá trình đó, sinh viên được lôi cuốn tham gia cùng tập thể, động não, tranh luận dưới sự hướng dẫn, gợi mở của giáo viên.

         Thứ ba, dạy học sử dụng tình huống cần được tổ chức với các hình thức và phương pháp dạy học phong phú, đa dạng. Các hình thức (lên lớp, ở nhà,... với các dạng học tập cá nhân, nhóm, tập thể) và phương pháp dạy học (hỏi – đáp gợi mở, tìm tòi, nghiên cứu tài liệu; đóng vai, báo cáo, trình bày,..) được sử dụng phối hợp với nhau nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp về phương pháp.

         Thứ tư, dạy học tình huống phải đảm bảo sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với đời sống, với những nhiệm vụ phát triển bền vững của đất nước.

         Thứ năm, nguyên tắc đảm bảo tính hệ thống và tính tuần tự trong dạy học.

         Thứ sáu, nguyên tắc đảm bảo tính vừa sức và chú ý tới đặc điểm trình độ, đặc điểm cá biệt và tính tập thể trong quá trình dạy học.

         2.3. Quy trình sử dụng tình huống trong dạy học phần Luật đại cương theo hệ thống tín chỉ tại Trường đại học Kinh tế Nghệ An

         Trước khi tiến hành, giáo viên cần phải đưa ra nội dung lý thuyết về nghiên cứu trước, có thể là giáo viên chuẩn bị và đưa cho người học nghiên cứu hoặc giáo viên chỉ đưa ra các đề mục cần nghiên cứu, sau đó giới thiệu người học các nguồn để người học tự tìm và nghiên cứu tài liệu.

         Bước 1: Giới thiệu tình huống

         Tình huống có thể được thể hiện bằng một trong số các cách như là viết sẵn trên giấy khổ lớn, trình chiếu powerpoint, phô tô cho từng người học hoặc do người học được phân công đóng vai trước lớp,... Giáo viên cần mô tả kỹ tình huống, đặt ra câu hỏi định hướng về vấn đề cần giải quyết.

         Bước 2: Người học nghiên cứu tình huống và tìm giải pháp cho tình huống.

         Phân chia lớp thành các nhóm người học để làm việc theo nhóm. Các nhóm tiến hành nghiên cứu tình huống để đưa ra được các tình tiết trong tình huống, mô tả được các vấn đề cần giải quyết, phân tích được nguyên nhân của vấn đề. Từ đó, các nhóm căn cứ vào các câu hỏi được đặt ra trong tình huống và cùng nhau thảo luận để tìm ra hướng giải quyết. Tùy theo độ phức tạp của tình huống mà giáo viên phân bổ thời gian cho phần này. Thông thường phần này chiếm khoảng 15 phút. Ở phần này, giáo viên cần theo sát các nhóm, bao quát, xuống tận nơi xem các nhóm làm việc, hướng dẫn, gợi ý nếu cần. Điều này giúp thúc đẩy không khí làm việc nhóm tốt hơn, tránh được việc một số thành viên không làm việc nhóm, chỉ làm việc riêng hoặc nói chuyện riêng.

         Bước 3: Báo cáo thảo luận.

         Kết quả thảo luận nhóm được viết trên giấy khổ lớn và dán lên bảng hoặc trình chiếu bằng powerpoint. Người trình bày báo cáo hoặc trả lời thảo luận cũng được lựa chọn ngẫu nhiên. Như vậy hạn chế được tình trạng người học cử đại diện hoặc chỉ một vài người tham gia thảo luận nhóm hoặc làm báo cáo. Các nhóm được yêu cầu có kế hoạch làm việc, bảng chấm công tham gia đóng góp vào thành quả chung của nhóm. Việc làm này mang lại kết quả khá khả quan là sinh viên đã rất trung thực trong việc đánh giá công sức đóng góp, không còn chuyện “chia đều” đóng góp như trước. Giảng viên có thể bổ sung thêm các câu hỏi cho nhóm trình bày, sinh viên thảo luận các câu hỏi có liên quan. Mỗi sinh viên sẽ đóng góp ý kiến của mình về tình huống đưa ra. Các sinh viên trong các nhóm còn lại có thể trao đổi, thảo luận để  phân tích làm rõ thêm những vấn đề đã được nêu ra trong tình huống , giải quyết các câu hỏi khác mà giảng viên đặt ra thêm trong tình huống.

         Bước 4: Giáo viên tổng kết và đưa ra bài học từ tình huống.

         Giáo viên tổng kết và cùng tập thể lớp chọn phương án khả thi nhất đồng thời kết luận các giải pháp có liên quan đến nội dung lý thuyết môn học. Giáo viên đánh giá tinh thần làm việc của các nhóm, chỗ nào tốt, chỗ nào còn chưa tốt. Điều quan trọng nữa là giáo viên và người học cùng nhau rút ra được bài học kinh nghiệm từ tình huống pháp luật được đưa ra.

         2.4. Những ưu điểm và hạn chế của việc sử dụng tình huống trong dạy học phần luật đại cương theo tín chỉ tại Trường đại học Kinh tế Nghệ An

         2.4.1. Ưu điểm

         - Nâng cao tính thực tiễn của các môn học về pháp luật. Với những kiến thức lý thuyết tự mình nghiên cứu, tìm hiểu, thông qua việc xử lý tình huống, người học sẽ có điều kiện để vận dụng linh hoạt các kiến thức lý thuyết. Cũng thông qua việc làm này kết hợp với việc chốt kiến thức của giáo viên, người học càng nhớ lâu hơn các kiến thức lý thuyết liên quan đến tình huống.

         - Nâng cao tính chủ động, sáng tạo và sự hứng thú của người học trong quá trình học. Khác với việc tiếp thu lý thuyết một cách thụ động, khi được giao các bài tập tình huống, các nhóm phải chủ động tìm kiếm và phân tích các thông tin để đi đến giải pháp cho tình huống. Để đáp ứng được yêu cầu này, người học phải chủ động tư duy, thảo luận - tranh luận trong nhóm hay với giáo viên, tìm hiểu thêm về lý thuyết, tài liệu tham khảo để đạt đến giải pháp. Chính trong quá trình tư duy, tranh luận, bảo vệ và sửa đổi các đề xuất - giải pháp của mình, người học (hay nhóm người học) đã tham gia vào quá trình nhận thức. Sự tham gia tích cực đó đã góp phần tạo ra sự hứng thú và say mê học tập, sáng tạo của người học. Bên cạnh đó, dạy học bằng tình huống còn giúp người học có thể chia sẻ tri thức, kinh nghiệm cho nhau; học được những ý kiến, quan điểm, thông tin từ những bạn học khác làm phong phú hơn vốn tri thức của họ; đồng thời, nghiên cứu tình huống giúp người học có thể phát hiện ra những vấn đề cuộc sống đặt ra nhưng chưa có căn cứ pháp lý hoặc cơ sở lý thuyết để áp dụng giải quyết. Cuộc sống vốn đa dạng và phong phú nên không loại trừ khả năng phát sinh những sự kiện mà nhà làm luật hoặc các nhà nghiên cứu chưa dự liệu được. Trong tình huống này, khả năng tư duy độc lập, sáng tạo của người học được vận dụng, phát huy tối đa và không loại trừ khả năng người học sẽ tìm ra được những cách lý giải mới.

         - Đối với giáo viên, không còn là “trung tâm”, mà với vai trò của người hướng dẫn cũng sẽ tiếp thu được nhiều kinh nghiệm và những giải pháp mới từ người học để làm phong phú bài giảng và điều chỉnh nội dung tình huống cho phù hợp.

         - Dạy và học bằng tình huống giúp người học có cơ hội dễ liên kết, vận dụng các kiến thức đã học được để giải quyết một tình huống, người học không chỉ vận dụng nội dung bài học đó mà còn vận dụng cả những kiến thức đã học trong cùng một môn học hoặc của nhiều môn học khác nhau, từ đó giúp sinh viên xâu chuỗi và ôn lại được kiến thức một cách dễ dàng.

         Ví dụ: để giải quyết một tình huống thực tế về vụ một nhóm người dưới 18 tuổi có hành vi dùng dao và gậy cố ý gây thương tích cho người khác, người học phải vận dụng các kiến thức về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, lỗi, đồng phạm, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, xử lý các công cụ, phương tiện phạm tội…

         - Giúp cho người học có thể rèn luyện một số kỹ năng cơ bản như kỹ năng làm việc nhóm, tranh luận và thuyết trình. Đây là những kỹ năng quan trọng giúp cho người học có thể thành công, nhất là đối với người học luật. Học bằng tình huống giúp người học dễ dàng nhận ra những ưu điểm và hạn chế của bản thân khi họ luôn có môi trường thuận lợi để so sánh với các học viên khác trong quá trình giải quyết tình huống. Từ đó họ sẽ có cơ hội học hỏi kỹ năng làm việc nhóm, tranh luận và thuyết trình từ những học viên khác. Phương pháp học bằng tình huống cũng giúp người học phát triển các kỹ năng phát biểu trước đám đông một cách khúc chiết, mạch lạc, dễ hiểu; phân tích vấn đề một cách logic; hiểu biết thực tế sâu rộng, biết vận dụng linh hoạt lý thuyết để giải quyết các tình huống thực tế; biết phản biện, bảo vệ quan điểm cá nhân, đồng thời có khả năng thương lượng và dễ dàng chấp nhận các ý kiến khác biệt, biết lắng ghe và tôn trọng ý kiến của người khác để làm phong phú hơn vốn kiến thức của mình.

         2.4.2. Nhược điểm

         - Sử dụng tình huống trong giảng dạy đòi hỏi phải có sự chủ động từ phía người học, người học cần làm việc một cách nghiêm túc khi chuẩn bị tài liệu, nghiên cứu trước những nội dung lý thuyết liên quan. Nếu không làm tốt việc này, việc sử dụng tình huống sẽ không phát huy được hiệu quả của phương pháp giảng dạy này.

         - Về phía giáo viên: (i) đòi hỏi thực hiện những kỹ năng khá phức tạp trong giảng dạy, như cách tổ chức lớp học, bố trí thời lượng, đặt câu hỏi, tổ chức và khuyến khích người học tranh luận, dẫn dắt mạch thảo luận, nhận xét, phản biện. Đây thật sự là những thách thức lớn đối với giáo viên trong quá trình sử dụng tình huống để giảng dạy. Trước khi lên lớp, giáo viên cần phải chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, công phu hơn rất nhiều so với phương pháp thuyết trình đơn thuần. Đặc biệt, đối với các lớp người học đông (trên 60) thì việc quản lý và theo dõi tiến độ làm việc của các nhóm khá khó khăn, đòi hỏi tốn nhiều thời gian và công sức; (ii) Khi giảng dạy bằng tình huống, các vấn đề xã hội thường được giải thích theo nhiều quan điểm khác nhau tùy thuộc vào quan điểm, quan niệm sống, vào vốn kiến thức xã hội và pháp lý của người học. Vì vậy, đôi khi cuộc thảo luận về tình huống sẽ không hướng theo con đường và dẫn đến một kết cục như người soạn thảo tình huống mong muốn, nhất là trong những lớp học mà sinh viên đa dạng về ngành nghề, trình độ và đến từ những vùng miền khác nhau và giảng viên không có kinh nghiệm trong việc điều phối, dẫn dắt cuộc thảo luận.

         - Tốn nhiều thời gian của người học. Trong phương pháp học truyền thống, trong một khoảng thời gian nhất định, giảng viên có thể cung cấp một lượng kiến thức tương đối hoàn chỉnh, hệ thống, logic cho người học. Cùng lượng kiến thức đó, trong phương pháp học bằng tình huống, người học phải tự mình tìm kiếm và đọc tài liệu, xử lý thông tin nên sẽ tốn thời gian hơn gấp nhiều lần so với phương pháp học truyền thống.

         3. KẾT LUẬN

         Giảng dạy luôn là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng nhất của mỗi một giáo viên nói chung và của các cơ sở đào tạo nói riêng. Vì thế giáo viên luôn cần phải tìm tòi, cũng như áp dụng những phương pháp dạy học để phát huy tính tích cực của người học để làm sao cho việc học tập trở nên dễ dàng, hấp dẫn và gây được hứng thú cho người học để đạt đến mục đích cuối cùng là người học hiểu bài và có thể mang kiến thức đó sử dụng được trong thực tế. Muốn vậy, mỗi giáo viên phải không ngừng học tập và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình, đồng thời thường xuyên trao đổi học hỏi kinh nghiệm của nhau cũng như học hỏi từ những kinh nghiệm của đồng nghiệp trong và ngoài nhà trường để có những tiết giảng tốt nhất, hiệu quả nhất mang lại sự hứng thú và hiệu quả cho người học, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.


Bài viết khác