Bộ GD-ĐT: Thí sinh muốn tăng cơ hội trúng tuyển, cần tăng nguyện vọng

Điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay nhích cao hơn năm trước, do vậy các em rất cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ khi lựa chọn nguyện vọng xét tuyển, tránh để rơi vào thế bất lợi do chủ quan.

Với các em tự tin ở mức điểm cao thì nên bổ sung thêm nguyện vọng, có thể chọn một ngành yêu thích nhưng ở nhiều trường khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển.

Đó là trao đổi của PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT về công tác xét tuyển đại học năm nay với phóng viên Dân trí.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT

Phóng viên: Với phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, theo bà dự kiến điểm chuẩn các khối thi vào đại học năm sẽ như thế nào? Có tăng không khi các trường sử dụng nhiều phương án tuyển sinh?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Như thông tin Bộ GDĐT đã công bố trước đó, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tăng ở nhiều môn thi. Trong đó, số lượng bài thi đạt điểm cao cũng tăng thêm khá nhiều ở các môn như tiếng Anh, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Sinh học...

Điểm chuẩn xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT (điểm trúng tuyển) của các trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Kết quả thi tốt nghiệp THPT (điểm của các môn thi THPT là thành phần của tổ hợp xét tuyển), chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào một ngành, một chương trình đào tạo.

Điểm trung bình cao, số lượng bài thi có điểm 8 trở lên nhiều, thì việc xét tuyển sẽ có thuận lợi hơn do dải điểm cũng rộng hơn, các trường có thuận lợi trong việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Năm nay các trường thuộc các nhóm tuyển sinh khác nhau đều không gặp khó khăn do các thí sinh tham dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ đều tăng khá so với năm trước.

Ngoài việc điểm một số môn thi cao hơn 2020, thì việc các trường ĐH cũng đã dành lượng tương đối chỉ tiêu cho các phương thức khác như xét học bạ, xét điểm đánh giá năng lực, bài thi chuẩn hóa quốc tế… nên tỉ lệ xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ có giảm nhất định. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến điểm xét tuyển vào ĐH năm nay sẽ có thể nhỉnh hơn các năm trước.

Phóng viên: Nhiều ý kiến trường đại học cho rằng, phổ điểm thi tiếng Anh năm nay sẽ gây khó trong tuyển sinh và xác định điểm chuẩn ở các khối A01 và D01, bà nghĩ sao?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy:  Về nguyên tắc, các trường luôn xét tuyển để lựa chọn các thí sinh có điểm từ cao xuống thấp đến khi hết chỉ tiêu. Hiện phần mềm cũng hỗ trợ các trường trong quy định mức điểm trúng tuyển đối với từng tổ hợp trong một ngành, hoặc các chỉ tiêu trong từng ngành. Căn cứ vào phổ điểm của các khối thi và số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, bằng kinh nghiệm của mình, các trường hoàn toàn có thể xem xét, cân nhắc và quyết định độ lệch điểm giữa các tổ hợp và chỉ tiêu tuyển sinh giữa các tổ hợp.

Quy chế tuyển sinh hiện hành cho phép thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển không giới hạn số lượng nguyện vọng (mỗi tổ hợp vào một ngành là một nguyện vọng). Các trường căn cứ vào điểm từ cao xuống thấp để xét tuyển chứ không căn cứ vào thứ tự nguyện vọng để xét tuyển (trừ trường hợp có nhiều thí sinh cùng mức điểm ở cuối danh sách); vì vậy thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng nhiều tổ hợp vào một ngành. Và các em nên lựa chọn những tổ hợp có môn thi mình đạt điểm cao tham gia xét tuyển để có lợi thế.

Với việc áp dụng CNTT trong xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh có nhiều cơ hội (nhiều lần) để thay đổi nguyện vọng một cách phù hợp, chính xác nhất dựa trên kết quả thi THPT của mình.

Thí sinh được phép điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến 03 lần trong thời gian quy định

Phóng viên: Thí sinh được nhiều nguyện vọng xét tuyển như vậy thì việc "thí sinh ảo" sẽ nhiều. Bộ có biện pháp nào để giải quyết tình trạng này?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy:  Từ năm 2017, khi quyết định cho thí sinh đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng và phương thức xét tuyển, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ các trường trong việc hạn chế ảo, đó là xây dựng hệ thống xét tuyển và lọc ảo chung toàn quốc và 2 nhóm xét tuyển lọc ảo là phía Bắc do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và nhóm xét tuyển, lọc ảo phía Nam do Đại học Quốc gia TP. HCM chủ trì.

Quy chế tuyển sinh cũng quy định các trường nhập thông tin/danh sách các thí sinh trúng tuyển và nhập học lên hệ thống (năm 2019 là 30.000, năm 2020 là 70.000) để loại các thí sinh này KHÔNG tham gia xét tuyển bằng phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Trên thực tế, một thí sinh có thể trúng tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành khác nhau nhưng qua hệ thống lọc ảo chung, thí sinh chỉ trúng tuyển duy nhất vào 01 trường đại học với nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể.

Phóng viên: Nhiều thí sinh chưa dự thi tốt nghiệp đợt 1 lo lắng sẽ không được xét vào trường top với nguyện vọng mong muốn vì đợt 1 các trường sẽ tuyển xong. Bộ có phương án nào giúp các thí sinh?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy:  Qua thống kê, có khoảng 26.000 thí sinh chưa dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1.

Tuy nhiên, như năm 2020, các thí sinh này sẽ tham dự kỳ thi đợt 2 dự kiến tổ chức vào ngày 06-07/8/2021; Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm có hướng dẫn phương án điều chỉnh lại kế hoạch và Đề án tuyển sinh để đủ thời gian cho các thí sinh này điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển và các trường xét tuyển cho tất cả các thí sinh (dù thi tốt nghiệp trong 2 đợt) trong cùng một đợt, chứ không có việc là các trường sẽ xét tuyển bằng điểm thi THPT trước khi thi đợt 2.

Mặt khác, các trường cũng xét tuyển bằng nhiều phương thức khác, nên thí sinh hoàn toàn yên tâm để thi và xét tuyển vào các trường như dự kiến.

Phóng viên: Bà chia sẻ và lời khuyên gì với các thí sinh xét tuyển đại học năm nay?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy:  Quy chế tuyển sinh hiện hành quy định thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển nhiều nguyện vọng, thí sinh cần căn cứ vào ngưỡng đảm bảo chất lượng (ngưỡng nhận hồ sơ và các điều kiện quy định cụ thể của từng trường) để đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Quy chế cũng cho phép thí sinh được phép điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến 03 lần trong thời gian quy định, nếu thí sinh muốn tăng thêm nguyện vọng thì phải điền vào mẫu và nộp cùng với lệ phí xét tuyển với số nguyện vọng tăng thêm tại điểm tiếp nhận hồ sơ ban đầu. Thí sinh lưu ý phải thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đầy đủ, hết, đúng quy trình trong thời gian quy định (sẽ được hướng dẫn sớm tới các cơ sở đào tạo và thí sinh để thực hiện sau khi có điểm thi ở đợt 2).

Các em lưu ý, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển và trúng tuyển vào nhiều trường với các phương thức khác nhau, nhưng thí sinh cũng chỉ xác nhận và nhập học vào một ngành và một trường duy nhất.

Để tránh trường hợp thí sinh mặc dù có điểm thi cao cũng không đỗ nguyện vọng nào, hoặc trúng vào các nguyện vọng không yêu thích; thí sinh cần ưu tiên đưa các nguyện vọng thích nhất (nguyện vọng mong muốn) và khó trúng tuyển (điểm trúng tuyển cao) lên trên (nguyện vọng 1 là nguyện vọng có mức ưu tiên cao nhất). Ngoài ra thí sinh phải xem xét kỹ các điều kiện xét tuyển của các trường, như điều kiện sơ tuyển, điều kiện về ngoại ngữ, vùng tuyển, điểm thi năng khiếu,... để đảm đủ điều kiện xét tuyển.

Điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay nhích cao hơn năm trước, do vậy các em rất cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ khi lựa chọn nguyện vọng, tránh để rơi vào thế bất lợi do chủ quan. Với các em tự tin ở mức điểm cao thì nên bổ sung thêm nguyện vọng, có thể chọn một ngành yêu thích nhưng ở nhiều trường khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển.

Trước tình hình diễn biến của dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn chủ động nắm bắt và có các điều chỉnh kịp thời để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và các trường trong công tác xét tuyển sinh ĐH, CĐ.

Thí sinh cần bình tĩnh, thực hiện phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế và Chính phủ; theo dõi và thực hiện đúng các quy định về tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở đào tạo.

Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn bà!

Nguồn: Hồng Hạnh (thực hiện)

 

 


Bài viết khác