Nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn trường đại học của học sinh trung học phổ thông tỉnh Nghệ An

Tóm tắt: 

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đề xuất mô hình 7 nhân tố ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn trường đại học của học sinh trung học phổ thông tỉnh Nghệ An, xác định và đánh giá mức độ ảnh hưởng của các nhân tố  thông qua giá trị trung bình của biến như sau: (1) cảm nhận về cơ sở vật chất và nguồn lực giá trị trung bình 3.894; (2) Danh tiếng trường đại học giá trị trung bình 3.885; (3) Cảm nhận về chi phí giá trị trung bình 3.871; (4) Thông tin học sinh nhận được từ trường đại học giá trị trung bình 3.785; (5) Cảm nhận về chương trình học giá trị trung bình 3.744; (6) Chuẩn mực chủ quan giá trị trung bình 3.496; (7) Lời khuyên của người khác giá trị trung bình 3.136. Từ kết quả đạt được, nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị nhằm giúp công tác tư vấn tuyển sinh của trường Đại học Kinh tế Nghệ An đạt hiệu quả tốt hơn trong tương lại.  

Từ khóa: Nhân tố ảnh hưởng, quyết định chọn trường, học sinh trung học phổ thông

1. Đặt vấn đề 

Theo bộ GD và ĐT Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cả nước có trên 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó có trên 47.700 thí sinh chỉ xét tốt nghiệp; 34.155 thí sinh chỉ xét tuyển sinh Đại học; 943.300 thí sinh xét tốt nghiệp và tuyển sinh Đại học. Năm 2020, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống là 642.270; năm 2021 số lượng là 794.739; năm 2022 số lượng là 635.71 số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 giảm so với năm 2021 khoảng 20% và chỉ giảm 3,4% so với năm 2020. Theo báo cáo tháng 8/2022 của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam chưa đạt nhiều thành công trong giáo dục sau phổ thông. Tỷ lệ nhập học đại học, cao đẳng của học sinh Việt Nam năm 2019 là 28,6%, thuộc nhóm thấp trong khối ASEAN, và chỉ bằng một nửa so với bình quân 55,1% của các quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Thực tế tuyển sinh những năm gần đây, các trường đại học đối mặt với hàng loạt các khó khăn. Sự chuyển biến trong “thị trường” tuyển sinh, bên cung tăng bên cầu là sự sụt giảm lượng học sinh THPT do có nhiều sự lựa chọn khác hấp dẫn hơn như du học, đi làm, học nghề... Nhiều học sinh THPT lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp còn cảm tính, thiếu hiểu biết về ngành nghề dẫn đến sự chọn lựa chưa đúng, chưa phù hợp với năng lực sở trường của bản thân. Các trường đại học đã tập trung nguồn lực nhiều hơn vào các chiến dịch truyền thông nhằm cung cấp cho sinh viên tiềm năng những thông tin cần thiết và nâng cao vị thế của trường trong xã hội nhưng chưa đúng hướng và đạt hiệu quả cao. 

Trường Đại học Kinh tế Nghệ An là trường đại học công lập thuộc UBND tỉnh Nghệ An, là một trường địa phương khả năng cạnh tranh chưa cao chưa thu hút được lượng học sinh THPT có kết cao, hàng năm lượng thí sinh đăng ký xét tuyển tại trường khá khiêm tốn. Thời gian qua trường đã đầu tư và nâng cao về mọi măt: Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở  vật chất ngày càng hiện đại; môi trường học tập được hoàn chỉnh và thân thiện hơn; Mã ngành nghề đào tạo mới luôn được bổ sung cho phù hợp với nhu cầu của xã hội, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo…nhưng số thí sinh dự thi xét tuyển vào trường lại không tăng theo tỷ lệ này.

Từ thực tiễn này, tác giả nhận thấy cần có những nghiên cứu chuyên sâu về các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn trường đại học của học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An. 

2. Nội dung nghiên cứu

2.1.  Cơ sở lý thuyết về các nhân tố ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn trường đại học của học sinh trung học phổ thông

Chapman (1981) đưa ra mô hình quyết định lựa chọn trường đại học thông qua hai nhóm yếu tố ảnh hưởng: nhóm yếu tố bên trong cá nhân (năng lực, mức độ giáo dục, kết quả học tập) và nhóm yếu tố bên ngoài cá nhân (Người thân: bố mẹ, bạn bè, thầy cô giáo ở trường THPT; Đặc điểm của trường đại học: học phí, hỗ trợ tài chính, địa điểm, các ngành học…; Nỗ lực của trường đại học trong giao tiếp với học sinh thông qua các tài liệu có sẵn, công tác tuyển sinh…)

Các nghiên cứu của Josheph và Joshep Kee Ming Sia (2013) đề cập đền các yếu tố ảnh hưởng đến quyết  định lựa chọn trường đại học của học sinh THPT, đề cập các yếu tố ảnh hưởng như: cảm nhận về chi phí, cảm nhận về chương trình học, cảm nhận về cơ sở vật chất và nguồn lực), lời khuyên từ người khác, danh tiếng trường đại học, thông tin học sinh nhận được từ trường đại  học. 

Nghiên cứu của Trần Văn Quý và Cao Hào Thi (2009) đã chia các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn trường đại học của học sinh THPT thành năm nhân tố đại diện theo mức độ ảnh hưởng từ mạnh đến yếu là: (1) nhân tố về cơ hội việc làm trong tương lai; (2) nhân tố về thông tin có sẵn về trường đại học; (3) nhân tố về bản thân cá nhân học sinh; (4) nhân tố về cá nhân có ảnh hưởng đến quyết định của học sinh và (5) nhân tố về đặc điểm cố định của trường đại học.

Nguyễn Thị Kim Chi (2018) với đề tài “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn trường đại học của học sinh phổ thông trung học - trường hợp Hà Nội”, mô hình nghiên cứu gồm 07 nhân tố (cảm nhận về chi phí, cảm nhận về chương trình học, cảm nhận về cơ sở vật chất và nguồn lực, danh tiếng trường, thông tin học sinh nhận được từ trường đại học, lời khuyên của người khác, chuẩn mực chủ quan). Nghiên cứu đã xác định và đo lường được các nhân tố chính ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn trường đại học của học sinh THPT gồm 04 nhân tố ảnh hưởng tích cực theo thứ tự là (1) danh tiếng trường đại học (2) cảm nhận về chương trình học, (3) cảm nhận về chi phí, (4) chuẩn mực chủ quan.

Nghiên cứu của Đỗ Thị Hồng Liên và cộng sự (2015) đã sử dụng mô hình gốc Chapman (1981) để nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng  đến lựa chọn trường đại học của sinh viên thuộc khoa quốc tế trường đại học quốc gia Hà Nội. Mẫu nghiên cứu là 200 sinh viên mới thuộc 3  ngành chính theo chương trình hợp tác quốc tế (ngôn ngữ tiếng Anh). Dựa vào tổng quan nghiên cứu và phỏng vấn sâu tác giả đã liệt kê 14 yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn trường. Kết quả được sắp xếp theo thứ tự từ ảnh hưởng mạnh đến yếu như sau: Danh tiếng, ngôn ngữ quốc tế, uy tín về các khóa học, sở thích, năng lực, các chương trình giảng có ngôn ngữ quốc tế, danh tiếng về các trường liên kết/ hợp tác, thông tin từ truyền thông, cựu sinh viên, thông tin trực tiếp từ tư vấn tuyển sinh, học phí, ảnh hưởng của giáo viên cấp THPT, ảnh hưởng từ bạn bè.

Từ các nghiên cứu trên có thể thấy đây là một chủ đề đã được đề cập ở nhiều trường đại học trên thế giới và kết quả nghiên cứu chỉ ra không có sự giống nhau về mức độ ảnh hưởng của các nhân tố tác động. 

    2.2. Phương pháp nghiên cứu

  1.  Phương pháp nghiên cứu định tính

Phương pháp nghiên cứu định tính dựa trên cơ sở lý thuyết và các mô hình nghiên cứu trước đây trong và ngoài nước để xây dựng mô hình nghiên cứu và các thang đo dự kiến. Sau đó, sử dụng kỹ thuật thảo luận nhóm, phương pháp chuyên gia để tác giả tiến hành khảo sát sơ bộ 5 giáo viên đang công tác và 12 học sinh đang học lớp 12 tại trường THPT Tân Kỳ (Nghệ An) thông qua bảng câu hỏi khảo sát, từ đó điều chỉnh, bổ sung các yếu tố ảnh hưởng đến việc quyết định lựa chọn trường đại học của học sinh lớp 12 tại tỉnh Nghệ An.

  1. Phương pháp nghiên cứu định lượng

    Nghiên cứu định lượng được thực hiện thông qua việc phát phiếu khảo sát cho từng lớp khi nhóm tác giả đi cùng đoàn tuyển sinh của trường Đại học Kinh tế Nghệ An đến các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

  •  Đối tượng khảo sát: Học sinh lớp 12.

  • Địa bàn khảo sát: Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong, Tân Kỳ, Yên Thành, Nam Đàn và thành phố Vinh (Các trường THPT nhóm tác giả tham gia cùng đoàn tuyển sinh trường Đại học Kinh tế Nghệ An ).

  • Thời gian thực hiện: từ tháng 03/2023 đến tháng 04/2023.

Công thức xác định kích thước mẫu tối thiểu  

   n = (N)/(1+N x e2)=(30.000/(1+30.000 x 0,052)=395

Trong đó: n kích thước mẫu tối thiểu

                N quy mô tổng thể

                e sai số cho phép 

Sử dụng thang đo Likert với 5 mức độ

    Hoàn toàn không đồng ý

    Khôn đồng ý

    Bình thường

    Đồng ý

    Hoàn toàn đồng ý

Xử lý số liệu bằng thống kê excel, giá trị trung bình của biến thông qua phần mềm SPSS

Vậy mẫu tối thiểu nghiên cứu là 395 quan sát.

  •  Phương pháp chọn mẫu: chọn mẫu ngẫu nhiên

  • Phương pháp khảo sát: khảo sát trực tiếp học sinh lớp12

  1. Kết quả nghiên cứu

    1.  Đề xuất mô hình nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn trường đại học của học sinh trung học phổ thông tỉnh Nghệ An

Dựa trên cơ sở phần tổng quan các công trình nghiên cứu tiêu biểu tác giả kế thừa các nghiên cứu trước nhằm đề xuất mô hình nghiên cứu gồm 7 biến độc lập: cảm nhận chi phí, cảm nhận về chương trình học, cảm nhận về cơ sở vật chất và nguồn lực, danh tiếng trường đại học, thông tin học sinh nhận được từ trường đại học, lời khuyên của người khác, chuẩn mực chủ quan.

  1.  Cảm nhận về chi phí

Trong giáo dục đại học, chi phí có thể hiểu là tổng số tiền  mà khách hàng (sinh viên, phụ huynh, nhà tuyển dụng) phải trả cho cơ sở đào tạo. Cảm nhận về chi phí sẽ liên quan đến các khoản chi phí học sinh phải bỏ ra trong suốt thời gian học tập, sinh hoạt tại trường gồm: học phí, sinh hoạt phí... cũng bao gồm cả các khoản học bổng, chính sách hỗ trợ của trường, chính các khoản hỗ trợ này sẽ làm giảm số tiền mà học sinh phải chi trả. Ngoài ra khái niệm này cũng liên quan đến các phương thức/chế độ thanh toán các khoản phí thuận tiện/ linh hoạt mà sinh viên có thể được thụ hưởng

 

  1.  Cảm nhận về chương trình học 

Cảm nhận về chương trình học có thể hiểu là nhận thức đánh giá về sự sẵn có và phù hợp của chương trình học dành cho sinh viên. Hiện nay chương trình học đại học đã có  nhiều thay đổi để phù hợp với nhu cầu của sinh viên. Đặc biệt, các trường đại học đã chuyển dần sang hình thức học tín chỉ do vậy việc linh hoạt chuyển tiếp môn học/chương trình học hoặc các môn học/chương trình học luôn có sẵn để học sinh lựa chọn thực sự cần thiết. Ngoài ra, các chương trình học tập mang nhiều thực tiễn sẽ mang lại nhiều hứng thú và đáp ứng những kỳ vọng của sinh viên. Tác giả lựa chọn thang đo cụ thể như sau:

  • Trường có chương trình học (nội dung và cấu trúc) đa dạng để học sinh lựa chọn

  • Trường có thủ tục đăng ký đầu vào linh hoạt

  • Trường có các chương trình học chuyên sâu/ nâng cao phù hợp với nhu cầu của học sinh

  • Trường có nhiều chương trình với nội dung thực tiễn đáp ứng nhu cầu của học sinh

  • Trường cho phép sinh viên chuyển ngành học linh hoạt

  1. Cảm nhận về cơ sở vật chất và nguồn lực

Cơ sở vật chất và nguồn lực bao gồm các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn lực (giảng viên) nhằm đáp ứng đầy đủ  về các  nhu cầu về học tập và tạo môi trường thuận lợi để sinh viên có thể học tập, hưởng thụ, tham gia các hoạt động ngoại khóa. Trong nghiên cứu này tác giả sử dụng thang đo:

- Trường có đủ các nguồn lực cần thiết để đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên

- Trường có đội ngũ cán bộ, giảng viên có chất lượng cao

(4) Danh tiếng trường đại học 

 Danh tiếng của trường đại học có thể được hiểu theo các cách  khác  nhau, phụ thuộc vào những ngữ cảnh chẳng hạn như: Danh tiếng trường đại học được định hình dựa trên quá trình tích lũy, sự đánh giá vượt thời gian của nhiều nhóm người có tác động qua lại với tổ chức. Danh tiếng cũng được nhận dạng thông qua cách nhìn nhận của xã hội, của sinh viên đối với trường đại học đó. Tác giả đề xuất sử dụng thang đo: 

- Trường có danh tiếng về học thuật

- Trường có chương trình học uy tín, chất lượng

- Trường có các chương trình học được sự công nhận của cá nhân và tổ chức đánh giá về giá trị học thuật

(5) Thông tin học sinh nhận được từ trường đại học

Truyền thông là cách mà chủ thể truyền tải thông tin đến khách hàng mục tiêu. Việc truyền thông phải làm sao để khách hàng hiểu được rõ những  lợi ích, giá trị  mà  họ nhận được. Ở góc độ học sinh trung học phổ thông, họ tiếp nhận những thông tin của trường đại học để thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm thông tin và làm căn cứ ra quyết định lựa chọn trường. Những thông tin này thể hiện sự nỗ lực của nhà trường trong việc giao tiếp cũng như hoạt động xúc tiến, truyền thông trong giáo dục. Các trường đại  học cung cấp thông tin cho sinh viên và phụ huynh về mục tiêu, hoạt  động, sự trợ giúp và khuyến khích họ quan tâm đến trường. Tác giả sử dụng thang đo:

- Trường cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến cơ hội nghề nghiệp đầy đủ

- Trường cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến các khóa học

- Trường cung cấp các thông tin liên quan đến bậc sau đại học hoặc các khóa học để học bậc cao hơn 

(6) Lời khuyên của người khác

- Lời khuyên của bố mẹ khi quyết định lựa chọn trường

- Lời khuyên của bạn bè khi quyết định lựa chọn trường

- Lời khuyên của bạn cùng lớp khi quyết định lựa chọn trường

- Lời khuyên của các anh chị cựu sinh viên khi quyết định lựa chọn trường

- Lời khuyên của các anh chị sinh viên khi quyết định lựa chọn trường

(7) Chuẩn mực chủ quan 

  • Tôi tin, những người quan trọng nhất đối với tôi khuyến khích tôi lựa chọn trường đại học X

  • Hầu hết, những người tôi tham khảo đều ủng hộ tôi chọn trường đại học X

  1. Mức độ đánh giá của học sinh với các nhân tố ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn trường đại học

Tác giả sử dụng kết quả Mean thể hiện mức độ đánh giá  trung bình của học sinh THPT  tỉnh Nghệ An  với các nhân tố ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn trường đại học.

Đối với nhân tố cảm nhận về chi phí có điểm đánh giá khá tốt với điểm trung bình là 3.871 và khoảng dao động giữa các mẫu từ 3.783 đến 3.959 trên thang đo 5 điểm. Trong đó,  khía  cạnh được đánh giá cao nhất ở  các trường lựa  chọn là chính sách hỗ trợ tài chính như học bổng, trợ cấp hay vay ưu đãi (Mean = 4.139) và thấp nhất ở khía cạnh chính sách học phí hợp lý (Mean = 3.687)

Đối với nhân tố cảm nhận chương trình học học sinh THPT đã lựa chọn điểm đánh giá chung cũng khá cao với điểm trung bình là 3.744 và khoảng dao động giữa các mẫu từ 3.650 đến 3.838. Trong đó, khía cạnh được đánh giá cao nhất là trường có chương trình học chuyên sâu/nâng cao phù hợp với nhu cầu của học sinh (Mean = 3.823) và thấp nhất ở khía cạnh các khóa học/môn học với nội dung và cấu trúc đa dạng để học sinh lựa chọn (Mean = 3.560)

Đối với nhân tố cảm nhận cơ sở vật chất và  nguồn lực  đáp ứng người học từ  các học sinh khá tốt với điểm trung bình là 3.894 và khoảng dao động  giữa các mẫu từ 3.796 đến 3.991 điểm trên thang đo 5 điểm. Trong đó, khía cạnh được đánh giá cao nhất là đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, chất lượng cao (Mean = 3.958) và thấp nhất ở khía cạnh môi trường khuyến khích học tập cho sinh viên (Mean = 3.770)

Đối với nhân tố Danh tiếng trường đại học được đánh giá ở mức khá với điểm trung bình là 3.885 khoảng dao động giữa các mẫu từ 3.798 đến 3.971. Trong đó, khía cạnh được đánh giá cao nhất là trường có các chương trình học được công nhận/đánh giá cao về học thuật (Mean = 4.047) và thấp nhất ở khía cạnh trường có các chương trình học chất lượng, uy tín (Mean = 3.715)

Đối với nhân tố Thông tin học sinh nhận được từ trường đại học  cũng được  đánh giá ở mức khá tốt với điểm trung bình là 3.785 mức độ dao động giữa các mẫu từ 3.689 đến 3.881 trên thang điểm Likert 5 điểm. Trong đó, điểm đánh giá cao nhất thuộc về khía cạnh “trường có các thông tin liên quan đến bậc sau đại học hoặc các khóa học để học ở bậc cao hơn” (Mean=3.795) và thấp nhất ở khía cạnh “trường có các thông tin liên quan đến lĩnh vực học tập, nghiên cứu của sinh viên” (Mean = 3.795)

Đối với nhân tố lời khuyên của người khác có ảnh hưởng khá nhỏ tới quyết định lựa chọn trường của học sinh với điểm trung bình là 3.136 mức dao động giữa các mẫu từ 3.047 đến 3.225. Trong đó, khía cạnh được đánh giá cao nhất là lời khuyên của các bạn đã là sinh viên đại học (Mean = 3.396) và thấp  nhất ở khía cạnh dựa vào lời khuyên của bạn bè (Mean = 2.945) và dựa  vào lời khuyên của bạn bè cùng lớp (Mean = 2.945)

Đối với nhân tố chuẩn mực chủ quan được đánh giá chỉ ở mức trung bình thấp với điểm đánh giá trung bình là 3.496 mức độ dao động giữa các mẫu từ

3.390 đến 3.601 trên thang Likert 5 điểm. Trong đó, điểm đánh giá cao nhất là khía cạnh tin tưởng những người quan trọng nhất sẽ khuyên/khuyến khích chọn trường mà học sinh lựa chọn (Mean = 3,504) và thấp hơn ở khía cạnh những người tham khảo đều ủng hộ lựa chọn trường mà học sinh lựa chọn (Mean = 3.488)

Bảng 1. Mức độ đánh giá của học sinh với các nhân tố ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn trường

TT

Chỉ tiêu đánh giá

Trung bình

Khoảng tin cậy 95%

Cận dưới 

Cận trên

1

Đánh giá chung về cảm nhận chi phí

3.871

3.783

3.959

1.1

Chính sách học phí hợp lý

3.687

3.577

3.797

1.2

Chi phí sinh hoạt hợp lý

3.856

3.738

3.974

1.3

Có chính sách hỗ trợ tài chính (học bổng, trợ cấp khoản vay ưu đãi…)

4.139

4.033

4.244

1.4

Chế độ thu các khoản phí (học phí…) linh hoạt

3.803

3.689

3.917

2

Đánh giá chung về cảm nhận chương trình học

3.744

3.65

3.838

2.1

Các chương trình học (nội dung và cấu trúc) đa dạng để học sinh lựa chọn

3.56

3.431

3.689

2.2

Điều kiện để đăng ký đầu vào linh hoạt

3.82

3.707

3.932

2.3

Các chương trình học chuyên sâu/ nâng cao phù hợp với nhu cầu học sinh

3.823

3.711

3.934

2.4

Chương trình học với nhiều nội dung thực tiễn

3.753

3.637

3.87

2.5

Cho phép linh hoạt khi chuyển chương trình học/chuyển môn/chuyển ngành

3.765

3.645

3.884

3

Đánh giá chung cảm nhận về cơ sở vật chất và nguồn lực

3.894

3.796

3.991

3.1

Các nguồn lực cần thiết để đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên

3.953

3.843

4.063

3.2

Đội ngũ cán bộ, giảng viên giàu kinh nghiệm, chất lượng cao

3.958

3.848

4.069

4

Đánh giá chung về danh tiếng nhà trường

3.885

3.798

3.971

4.1

Trường có danh tiếng về học thuật

3.892

3.778

4.006

4.2

Trường có các chương trình học thuật chất lượng, uy tín

3.715

3.605

3.825

4.3

Trường có các chương trình học được công nhận/ đánh giá cao về giá trị học thuật

4.047

3.945

4.149

5

Đánh giá chung về thông tin học sinh nhận được từ trường đại học

3.785

3.689

3.881

5.1

Các thông tin liên quan đến cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên

3.781

3.671

3.891

5.2

Các thông tin liên quan đến lĩnh vực học tập/nghiên cứu của sinh viên

3.778

3.669

3.888

5.3

Các thông tin liên quan đến bậc sau đại học hoặc các khóa học để học tập bậc cao hơn

3.795

3.687

3.903

6

Đánh giá chung về lời khuyên của người khác

3.136

3.047

3.225

6.1

Lời khuyên của bố mẹ

3.091

2.972

3.211

6.2

Lời khuyên của bạn bè

2.945

2.826

3.063

6.3

Lời khuyên của các bạn cùng lớp

2.945

2.823

3.066

6.4

Lời khuyên của cựu sinh viên

3.396

3.282

3.511

6.5

Lời khuyên của các bạn đang là sinh viên

3.305

3.191

3.419

7

Đánh giá chung về chuẩn mực chủ quan

3.496

3.39

3.601

7.1

Tôi tin, những người quan trọng nhất đối với tôi sẽ khuyên/ khuyến khích tôi lựa chọn trường đại học X

3.504

3.392

3.616

7.2

Hầu hết, những người tôi tham khảo đều ủng hộ tôi chọn trường đại học X

3.488

3.372

3.604

                                                                Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả

Như vậy, dựa trên kết quả điểm trung bình, bảng xếp hạng các nhân tố ảnh  hưởng đến quyết định lựa chọn trường đại học của học sinh THPT theo thứ tự từ cao xuống thấp là: Cảm nhận về cơ sở vật chất và nguồn lực, danh tiếng trường đại học,  cảm nhận về chi phí, thông tin học sinh nhận được từ trường đại học, cảm nhận về chương trình học, chuẩn mực chủ quan

Bảng 2. Mức độ đánh giá của học sinh với các nhân tố ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn trường

Tiêu chí

Mean

Xếp hạng

Cảm nhận về cơ sở vật chất và nguồn lực

3.894

1

Danh tiếng trường đại học

3.885

2

Cảm nhận về chi phí

3.871

3

Thông tin học sinh nhận được từ trường đại học

3.785

4

Cảm nhận về chương trình học

3.744

5

Chuẩn mực chủ quan

3.496

6

Lời khuyên của người khác

3.136

7

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ kết quả phân tích năm 2023

  1. Một số khuyến nghị  về công tác tuyển sinh của trường Đại học Kinh tế Nghệ An 

Dựa vào kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả xin đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao kết quả công tác tuyển sinh của trường Đại học Kinh tế Nghệ An như sau:

Thứ nhất: Nhà trường cần thực hiện quảng cáo cung cấp đầy đủ thông tin về trường thông qua các phương tiện truyền thông. Tăng cường nỗ lực tuyên truyền quảng bá hình ảnh trường. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Đại học Kinh tế Nghệ An phải được tiến hành liên tục, không nên đợi tới mùa tuyển sinh rồi mới đi đến các trường THPT để tư vấn tuyển sinh. Thực tế đến mùa tuyển sinh thì lúc đó các em lớp 12 đã có quyết định chọn trường đại học cao đẳng, hơn nữa thời điểm đó các trường đại học cao đẳng nào cũng tham gia tư vấn tuyển sinhh, khi đó các em sẽ bị quá tải thông tin về các trường, hình ảnh trường Đại học Kinh tế Nghệ An phải trực tiếp cạnh tranh với các trường đại học cao đẳng công lập danh tiếng khác.  

Thứ hai: Cải thiện bổ sung và xây dựng trang thiết bị cơ sở vật chất hiện đại nâng tầm trường đại học. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, đưa ra các tiêu chí đánh giá lựa chọn giảng viên để có nguồn lực đào tạo chất lượng cao đáp ứng nhu cầu giảng dạy mới.

Thứ ba: xây dựng đội ngũ cán bộ tư vấn tuyển sinh thật chyên nghiệp. Đội ngũ cán bộ tư vấn tuyên sinh ngày càng đóng vai trò quan trọng và có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả tuyển sinh của nhà trường. 

Thứ tư: Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cần phân đoạn thị trường, xác định khách hàng mục tiêu và định vị thương hiệu trường đại học.

Thứ năm: Lựa chọn và hoàn thiện các chính sách marketing nhằm nâng cao công tác tuyển sinh có thể áp dụng linh hoạt cả marketing đại chúng, marketing mục tiêu, hoặc đôi khi không cần thực hiện bất kỳ một kế hoạch marketing nào. Đánh giá và nâng cao hiệu quả của công tác quảng cáo, truyền bá tuyển sinh của trường đại học

Thứ sáu: Đa dạng và nâng cao, linh hoạt các chương trình học. Nhà trường phải lưu ý đến vấn đề xây dựng các ngành đào tạo đa dạng và hấp dẫn, các ngành đào tạo đang thu hút nhiều lao động hiện tại và tương lai.

Thứ bảy: Cải thiện danh tiếng của trường đại học. Danh tiếng của trường đại học được xác định là yếu tố ảnh hưởng mạnh và tích cực đến quyết định lựa chọn trường đại học của học sinh, do vậy nâng cao danh tiếng của trường đại học cần được xác định là giải pháp nhằm thu hút tốt hơn nữa tân sinh viên ở các trường đại học. Đối với trường đại học, danh tiếng thể hiện ở nhiều khía cạnh, nhưng chủ yếu liên quan đến lĩnh vực học thuật. Trường đại học cũng cần quan tâm và tham gia để được đánh giá xếp hạng.

 

KẾT  LUẬN 

Tình hình tuyển sinh thực tế những năm gần đối với các trường đại học cao đẳng nói chung và trường Đại học Kinh tế Nghệ An nói riêng gặp nhiều khó khăn. Với nghiên cứu này tác giả mong muốn giúp trường Đại học Kinh tế Nghệ An tìm ra giải pháp nâng cao công tác tuyển sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian tới. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng quyết định chọn lựa một trường đại học của học sinh trung học phổ thông tỉnh Nghệ An dựa trên nhiều yếu tố cụ thể gồm 7 yếu tố và xếp hạng mức độ ảnh hưởng tương ứng như sau: (1) Cảm nhận về cơ sở vật chất và nguồn lực; (2) Danh tiếng trường đại học; (3) Cảm nhận về chi phí; (4) Thông tin học sinh nhận được từ trường đại học; (5) Cảm nhận chung về chương trình học; (6) Chuẩn mực chủ quan; (7) Lời khuyên của người khác. Từ đó tác giả đề xuất một số khuyến nghị nâng cao công tác tuyển sinh tại trường Đại học Kinh tế Nghệ An.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Chapman, D.W. (1981), ‘A model of student college choice’, The Journal of Higher Education, 52(5), 490–505

  2. Đỗ Thị Hồng Liên (2015), ‘Các yếu tố  ảnh hưởng đến quyết  định lựa chọn  trường đại học và ngành học của sinh viên Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội’, Đề tài nghiên cứu cấp trường

  3. Joshep Kee Ming Sia (2013), ‘ University Choice: Implications for  Marketing  and Positioning’, Education, 3(1), 7-14

  4. Nguyễn Thị Kim Chi (2018), “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn trường đại học của học sinh phổ thông trung học - trường hợp Hà Nội”

  5. Trần Văn Quí, Cao Hào Thi (2009), “Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn trường ĐH của học sinh trung học phổ thông”, Tạp chí phát triển Khoa học & Công nghệ (số 15-2009), ĐHQG TP.HCM.

  6. https://thuonghieuvaphapluat.vn/nam-nay-ca-nuoc-co-hon-1-trieu-thi-sinh-dang-ky-du-thi-tot-nghiep-thpt-d61133.html.

  7. http://duhocuc.org.vn/ty-le-hoc-sinh-viet-vao-dai-hoc-cao-dang-thap-2022/

  8. https://tuoitre.vn/bo-gd-dt-ly-giai-ve-315-000-thi-sinh-khong-dang-ky-xet-tuyen-20220824183346648.htm








 


Bài viết khác