Phân biệt Hội thảo, Hội thảo chuyên đề, Sinh hoạt học thuật và Thảo luận ngoại khóa

TS. Nguyễn Xuân Thọ - Khoa Kinh tế - QTKD

          Tổ chức các cuộc hội thảo, hội thảo chuyên đề, sinh hoạt học thuật và thảo luận ngoại khóa là những hoạt động được tiến hành khá thường xuyên trong các cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu. Hội thảo, hội thảo chuyên đề, sinh hoạt học thuật và thảo luận ngoại khóa là những thuật ngữ quen thuộc trong giới hàn lâm và đều mang tính chất nhóm họp đông người để thảo luận trao đổi các vấn đề chuyên môn. Tuy nhiên quy mô, cách thức tổ chức, chất lượng và tính chất trang trọng của các cuộc hội họp này có một số điểm khác nhau. Do đó, việc làm rõ sự khác nhau của các thuật ngữ trên rất cần thiết để các đơn vị khoa chuyên môn trong cơ sở giáo dục đại học và giới học thuật sử dụng, tổ chức và đánh giá phù hợp vớí tính chất và quy mô của nó.

1. Phân biệt Hội thảo và Hội nghị

          Hội thảo và hội nghị thường đều có thể sử dụng từ conference trong tiếng Anh để diễn tả. Về quy mô số người tham dự hội nghị và hội thảo thường khá tương tự nhau, với quy mô lớn, có thể hàng trăm đến hàng chục ngàn người.  Cả hội thảo và hội nghị đều dựa trên nguyên tắc bàn bạc và lấy ý kiến về một công việc cụ thể và đều mang tính trang trọng (formal) cao. Cả hội nghị và hội thảo đều thường kéo dài từ 1 đến 3 ngày, thậm chí dài hơn tùy nội dung chương trình và quy mô tổ chức.

          Tuy nhiên, điểm khác nhau thứ nhất, về bản chất hội nghị thường để chỉ một cuộc họp còn hội thảo lại được hiểu là một cuộc thảo luận về một lĩnh vực nào đó. Điểm khác nhau thứ hai, hội nghị thường được tổ chức ngoài phạm vi học thuật (chẳng hạn hội nghị khách hàng, hội nghị tổng kết năm của các công ty, hội nghị gặp mặt nhà đầu tư, …), còn hội thảo thiên về học thuật nhiều hơn và mang tính chất khoa học cao hơn.

          Những người tham gia hội thảo khoa học đa phần là giới học thuật, nghiên cứu hoặc chuyên gia trong các lĩnh vực mà hội thảo đề cập. Trong hội thảo khoa học, thường có một vài diễn giả (keynote speaker)-thường là các giáo sư đầu ngành, chuyên gia hoặc học giả nổi tiếng am hiểu chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó - đưa ra các bài nói chuyện mang tính chất chủ đạo (keynote speech) để truyền tải thông điệp chính yếu, tạo điểm nhấn quan trọng cho hội thảo. Ngoài bài nói chuyện của diễn giả chính, hội thảo khoa học thường được chia thành nhiều “phiên” thảo luận gọi là session, mỗi session tập trung thảo luận về một lĩnh vực chuyên môn hẹp của hội thảo. Trong mỗi phiên thảo luận (session), nhiều người sẽ lần lượt trình bày về, thuyết trình về chủ đề hẹp đó. Những người tham gia hội thảo có thể đặt câu hỏi, trao đổi, tranh luận, gợi mở, đề xuất với người thuyết trình sau mỗi lượt trình bày.

2. Hội thảo chuyên đề (symposium)

          Symposium là hội nghị chuyên đề hoặc hội thảo chuyên đề, tuy nhiên trong lĩnh vực giáo dục thường được gọi là “hội thảo chuyên đề”. Hội thảo chuyên đề là một dạng hội thảo tập trung vào một lĩnh vực hẹp hay chuyên đề hẹp, mang tính học thuật và có tính trang trọng cao. Trong hội thảo chuyên đề có thể có nhiều người trình bày, thuyết trình về một hoặc nhiều đề tài liên quan đến cùng một chủ đề nào đó. Quy mô số lượng người tham gia hội thảo chuyên đề (symposium) thường ít hơn so với hội thảo nói chung (conference).

3. Trao đổi học thuật (seminar)

          Seminar thường được tổ chức trong lĩnh vực giáo dục và có thể tạm dịch là trao đổi học thuật, là một cuộc họp mang tính giáo dục, thường thường chỉ tập trung vào một đề tài cụ thể nào đó. Hình thức họp thường là một diễn giả nói chuyện và sau đó thảo luận, quy mô seminar thường giao động từ 10 đến 30 người tham gia. Tính trang trọng của seminar thấp hơn so với conference và symposium, thời gian diễn ra ngắn hơn (có thể một vài giờ đồng hồ hoặc trong vòng một buổi). Trong chương trình đào tạo đại học và sau đại học ở các nước tiên tiến (đặc biệt là bậc đào tạo tiến sĩ), hình thức seminar được sử dụng khá phổ biến. Người tham gia seminar có thể  bao gồm nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên và chuyên gia (giảng sư trong trường hoặc chuyên gia mời từ bên ngoài).  .

4. Thảo luận ngoại khóa (workshop)

          Workshop là một lớp học ngoại khoá mà ở đó mọi người được giao lưu, trò chuyện, trao đổi kiến thức, phương pháp, kỹ năng thực hành về một lĩnh vực nào đó. Một workshop thường diễn ra từ 2-4 tiếng với không gian giành cho 15-20 người hay đến cả trăm người tuỳ thuộc vào quy mô tổ chức. Thông thường, một workshop có khoảng 10-20 học viên hoặc đông hơn tuỳ thuộc vào quy mô tổ chức, nhưng không có chuyên gia.

          Workshop có 2 hoạt động chính, đó là phần trao đổi của diễn giả và phần hỏi đáp giữa diễn giả và người nghe (Q&A). Không giống với việc học thụ động trên lớp tại các buổi workshop người nghe có thể thoải mái đưa ra những câu hỏi, ý kiến về lĩnh vực được nói đến. Trong workshop có thực hành, bài tập dưới sự giám thị của người giảng (còn trong seminar thì không có bài tập).


Bài viết khác