Hợp tác Nhà trường - Doanh nghiệp để đào tạo sinh viên trước khi tuyển dụng

TS.Nguyễn Lan Anh, Khoa Kinh tế-Quản trị kinh doanh

          Hợp tác giữa Nhà trường với Doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với các cơ sở đào tạo nói chung, các trường đại học nói riêng hiện nay. Theo số liệu báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2021 của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2021 đạt 50,5 triệu người, giảm 791.600 người so với năm trước. Trong đó số lao động có việc làm là 49 triệu người, giảm 1 triệu người so với năm 2020. Tổng cục Thống kê nhận định do tình hình dịch bệnh kéo dài và phức tạp hơn, trong năm 2021 có hàng triệu người mất việc, lao động trong các ngành tiếp tục giảm, đặc biệt là khu vực dịch vụ. Số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động năm 2021 được Tổng cục Thống kê ghi nhận hơn 1,4 triệu người, tăng 370.800 người so với năm trước. Tỉ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 3,1%, tăng 0,71% so với cùng kỳ năm trước [1], lý do có thể chưa tìm được công việc phù hợp với nhu cầu và chuyên ngành được đào tạo. Sinh viên mất một khoảng thời gian khá lớn để tìm và làm quen với công việc sau khi ra trường theo một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Điều này do sự hợp tác giữa Nhà trường với các doanh nghiệp chưa thực sự tốt do vậy doanh nghiệp phải dành thời gian và chi phí cho việc đào tạo thêm dẫn đến sự lãng phí về nguồn lực, thời gian cho cả doanh nghiệp và xã hội. Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học được quy định trong Luật số 34/2018/QH14 về Luật giáo dục đại học sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/7/2019 xác định rõ việc đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo góp phần nâng cao chất lượng đào tạo [2]. Tuy nhiên, trên thực tế các doanh nghiệp mới chỉ tham gia mức độ rất hạn chế vào quá trình đào tạo của các Nhà trường, ví dụ như: tiếp nhận thực tập, tuyển dụng khi có nhu cầu. Trước thực tế đó, mô hình hợp tác giữa Nhà trường và Doanh nghiệp để đào tạo thêm cho sinh viên các kiến thức còn thiếu theo nhu cầu của doanh nghiệp cần được nghiên cứu và triển khai để vừa nâng cao chất lượng đào tạo, tăng tỷ lệ tìm được việc làm và đặc biệt là sinh viên ra trường có thể tham gia vào ngay chuỗi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

1. Sự cần thiết của việc gắn kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực

          Thị trường lao động Việt Nam đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách cũng như thu hút sự đầu tư nghiên cứu của các nhà khoa học. Đó là tình trạng thất nghiệp, chất lượng nguồn lao động, mất cân đối cơ cấu lực lượng lao động, quản lý và phát triển nguồn lao động, thu nhập, hiệu quả sử dụng lao động…Trong số đó nổi lên một thực tế mấy năm qua được dư luận xã hội quan tâm về sự không tương hợp giữa đào tạo đại học và nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội. Các con số thống kê phản ánh quy mô sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường không tìm được việc làm có xu hướng gia tăng. Trên thực tế vấn đề lao động việc làm nói chung và việc làm của thanh niên và sinh viên tốt nghiệp nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam thường xuyên quan tâm. Điều này được cụ thể hóa trong các nghị quyết của Đảng, trong đó khẳng định “giải quyết việc làm của thanh niên là vấn đề xã hội - chính trị bức xúc, là nguyện vọng và quyền lợi hàng đầu của thanh niên. Hướng chung để giải quyết việc làm là phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần cùng với việc phổ cập nghề nghiệp cho thanh niên. Bên cạnh chủ trương liên quan đến thị trường lao động nói chung và đối tượng thanh niên nói riêng, Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng đã nhận thấy vai trò quan trọng của đội ngũ lao động được đào tạo khi xác định “xây dựng chiến lược truyền thông quốc gia về định hướng nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên. Bảo đảm cơ cấu hợp lý trong đào tạo công nhân kỹ thuật, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học” [16]. Cụ thể hơn, Đảng đã xây dựng một Nghị quyết riêng đặt ra nhu cầu cấp bách đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Nghị quyết đã khẳng định thực trạng “đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc” [17, tr.11]. Từ đó định hướng đối với giáo dục đại học phải  “hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia” [17, tr.15-16]. Bên cạnh đó “chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học” [17, tr.19].

1.1. Đối với nhà trường

          Việc gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo sẽ giúp nhà trường được tổ chức tuyển dụng tư vấn về việc sửa đổi và xây dựng nội dung chương trình phù hợp với thực tiễn. Góp phần nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn cho người học từ đó tìm được đầu ra cho người học, nâng cao uy tín của nhà trường trước những biến đổi của thị trường lao động. Nhà trường thông qua kết quả của quá trình này cũng sẽ tăng cường được sự tự chủ về nguồn tài chính, cơ sở vật chất ở hiện tại và tương lai. Các cán bộ, giảng viên của nhà trường cũng được tiếp cận với những kiến thức, kĩ năng thực tiễn giúp hoàn thiện hơn năng lực của bản thân.

1.2. Đối với doanh nghiệp

          Khi có những đối tác hợp tác ngay từ đầu đối với nguồn nhân lực trong tương lai của mình, các doanh nghiệp sẽ yên tâm về vấn đề đội ngũ nhân lực vững chắc luôn sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu về công việc của tổ chức. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí tuyển dụng, thử việc và đào tạo lại, đào tạo thêm vì qua thời gian học tập có sự tham gia của doanh nghiệp cùng với quá trình thực tập tại doanh nghiệp chính là một khoảng thời gian đủ để các sinh viên tiếp cận và thể hiện năng lực của bản thân. Khi doanh nghiệp là thành viên trong việc tham gia tư vấn, xây dựng chương trình đào tạo chính là cơ hội lớn để doanh nghiệp tham gia vào quá trình đầu tư, phát triển chất lượng nhân lực trong tương lai của mình. Doanh nghiệp chính là người được hưởng lợi khi chất lượng đào tạo của nhà trường được đảm bảo bởi đầu ra quá trình đào tạo và sẽ là đầu vào của quá trình tuyển dụng, sử dụng lao động của doanh nghiệp. Hơn nữa, thông qua hoạt động này doanh nghiệp cũng có cơ hội để nắm bắt những thông tin về khoa học công nghệ, những ý tưởng mới, sáng tạo từ tầng lớp có nhiều ý tưởng, khả năng sáng tạo cao nhất.

1.3. Đối với người học

          Sinh viên là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia vào quá trình đào tạo này khi đứng trước những cơ hội lớn như: được cập nhật kiến thức, kĩ năng mới và có không gian để áp dụng; cơ hội được lựa chọn những địa điểm thực tập phù hợp. Chính trong quá trình học đi đôi với trải nghiệm thực tiễn này sẽ giúp mỗi người học nhanh chóng nắm chắc kiến thức chuyên môn, rèn luyện được kĩ năng mềm cũng như bản lĩnh của lực lượng lao động trẻ trong hành trình xây dựng sự nghiệp sau này của mình.

2. Thực trạng mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp

          Số người thiếu việc làm trong độ tuổi[1] quý IV năm 2021 là gần 1,5 triệu người, giảm 381,1 nghìn người so với quý trước và tăng 635,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý IV năm 2021 là 3,37%, giảm 1,09 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,55 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 4,06% và 2,95%). Đây là quý thứ 3 liên tiếp thị trường lao động chứng kiến tình trạng tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn. Tình trạng này trái ngược với xu hướng thị trường lao động trong những năm trước đại dịch Covid-19[2].

Số người và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động, các quý năm 2020 và 2021

          Trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực không ngừng hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế tri thức như một xu hướng tất yếu, trong đó giáo dục đào tạo là một trong những lĩnh vực quan trọng thì thực tế này đáng phải suy ngẫm, yêu cầu đầu tư nghiên cứu tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

2.1. Quy trình triển khai

          Các chương trình đào tạo sinh viên trước khi tuyển dụng được Nhà trường và doanh nghiệp xây dựng và triển khai dựa trên nhu cầu của doanh nghiêp, xu hướng phát triển của thị trường lao động và khả năng đáp ứng của nhà trường với sự tham gia của đội ngũ chuyên gia đến từ doanh nghiệp và các giảng viên của nhà trường từ đầu vào đến tổ chức đào tạo và đầu ra của chương trình với quy trình như sau:

Hình 1: Quy trình hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp

2.2. Thực trạng mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp

          Hiện nay ở nước ta chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Doanh nghiệp chưa tham gia vào quá trình đào tạo cùng với nhà trường một cách chi tiết, thường xuyên. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân của việc sinh viên ra trường chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Nhà nước chưa có chính sách cụ thể để phát triển và duy trì mối gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, sự gắn kết này chưa thực sự là nhu cầu cần thiết đối với cả hai. Nhận thức chưa đủ, chưa đúng từ phía nhà trường và doanh nghiệp, chưa có sự thống nhất trong tư duy, do sự thiếu thông tin, hiểu biết về lợi ích và thế mạnh của nhau trong quá trình hỗ trợ đôi bên cùng phát triển. Về phía nhà trường, họ còn thụ động trong việc nghiên cứu, khảo sát nhu cầu và xu hướng phát triển của thị trường lao động để từ đó tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Tương tự, về phía doanh nghiệp, hầu như doanh nghiệp nào cũng đều có nhu cầu nhân lực chất lượng cao, có trình độ, có khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và trình độ phát triển nhanh chóng về khoa học công nghệ. Đây là bài toán nan giải và để giải quyết được vấn đề này có nhiều giải pháp khác nhau, nhưng trong đó có cách tối ưu nhất chính là gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực thì lại bị cả hai ít quan tâm. Cả hai đều không có chiến lược dài hạn cũng như kế hoạch cụ thể trong việc hợp tác, thiếu tin tưởng lẫn nhau trong hợp tác từ đó dẫn đến kinh nghiệm hợp tác với nhau cũng không nhiều.

          Tất cả những nguyên nhân trên đã khiến cho mối quan hệ gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, chắp vá, không đến nơi đến chốn.

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả của mối quan hệ hợp tác đào tạo sinh viên trước tuyển dụng

          Để duy trì hiệu quả và nhân rộng mô hình hợp tác đào tạo sinh viên trước tuyển dụng, một số giải pháp dành cho các trường đại học như sau:

          - Tăng cường truyền thông, quảng bá về chương trình đào tạo của nhà trường đến các doanh nghiệp trong quá trình tiếp xúc, gặp gỡ; giới thiệu rộng rãi đến sinh viên về chương trình để định hướng nghề nghiệp, lựa chọn chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi tham gia chương trình đào tạo này;

          - Tạo điều  kiện tốt về cơ sở vật chất, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong nhà trường cho công tác quản lý, hỗ trợ sinh viên, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của sinh viên khi tham gia chương trình;

          - Nghiên cứu để đưa nội dung đào tạo của doanh nghiệp vào chương trình đào tạo chính khóa; Phối hợp giữ nhà trường và doanh nghiệp để giao đề tài, báo cáo gắn với vị trí việc làm của sinh viên tại doanh nghiệp, giúp sinh viên vừa hoàn thành báo cáo, đề tài vừa trau dồi kiến thức, kỹ năng công việc tại doanh nghiệp.

          Có thể nói, chương trình hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp cho sinh viên trước tuyển dụng là mô hình hợp tác hiệu quả trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Để duy trì và phát triển các chương trình hợp tác đào tạo trước tuyển dụng cần thiết đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của cả nhà trường và doanh nghiệp đồng thời tăng cường sự hỗ trợ, giám sát trong quá trình triển khai để tất cả các sinh viên có thể hoàn thành chương trình và vào làm việc chính thức tại doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, nhà trường từng bước tiếp tục nghiên cứu, cải tiến chương trình, phát triển mở rộng cho tất cả các đối tượng sinh viên của nhà trường để có từng bước hướng tới một chương trình đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp ngay từ những sinh viên năm thứ nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), “Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, trong sách Hỏi - Đáp về một số nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), “Nghị quyết số 25-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nguồn:http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/NewNewsDetail.aspx?co_id=30668&cn_id=240818.

3. Luật số 34/2018/QH14, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục Đại học có hiệu lực từ ngày 01/7/2019 của Quốc hội Việt Nam, 2018

4. Tổng cục Thống kêTình hình lao động việc làm quý 4 năm 2021

 

[1] Trong độ tuổi lao động bao gồm: nam từ 15 đến 59 và nữ từ 15 đến 54 (từ năm 2020 trở về trước); nam từ 15 đến 60 tuổi 3 tháng và nữ từ 15 đến 55 tuổi 4 tháng (năm 2021 - theo Bộ luật Lao động 2019).

[2] Quý IV năm 2020, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 1,10%, ở khu vực nông thôn là 2,20%. Quý IV năm 2019, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 0,58%, ở khu vực nông thôn là 1,51%.


Bài viết khác