CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TINH THẦN KHỞI NGHIỆP CỦA SINH VIÊN

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Khởi nghiệp khi đang là sinh viên có thể không phải là con đường lựa chọn của tất cả, nhưng trường học lại là nơi tuyệt vời để bắt đầu kinh doanh. Tuy nhiên, tỷ lệ khởi nghiệp kinh doanh ở sinh viên còn thấp, phần lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp đều có xu hướng nộp đơn tuyển dụng vào các doanh nghiệp đang hoạt động, chỉ có một số ít muốn khởi nghiệp bằng việc tự kinh doanh (Nguyễn Quang Dong, 2013).

Nhằm thực hiện kế hoạch thúc đẩy phát triển khởi nghiệp, Chính phủ phê duyệt các Đề án hỗ trợ khởi nghiệp như: Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" theo Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình "Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp" giai đoạn 2022 – 2030 theo Quyết định số 897/QĐ-TTg, ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ đặt nền tảng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thực hiện Đề án, thời gian vừa qua, Chính phủ đã phối hợp cùng các Bộ, Ban, ngành thực hiện tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng có ý tưởng khởi nghiệp, đặc biệt là tầng lớp thanh niên bao gồm đoàn viên thanh niên, sinh viên đại học và sau khi ra trường. 

2. NỘI DUNG

2.1. Cơ sở lý luận về khởi nghiệp

 Ý định khởi nghiệp có thể được định nghĩa là cam kết để bắt đầu một doanh nghiệp mới (Krueger 1993) và trong hầu hết các mô hình lựa chọn nghề nghiệp, nó được coi là tiền đề của hành vi khởi nghiệp. Theo Thompson (2009) và Bird (1988) ý định khởi nghiệp có thể được gọi là việc thực hiện có chủ ý và niềm tin của một cá nhân đối với ý định của mình để bắt đầu một doanh nghiệp kinh doanh mới trong tương lai. Và được coi là yếu tố dự đoán hành vi khởi nghiệp tốt nhất (Ajzen, 1991, 2001; Fishbein & Ajzen, 1975).

Các lý thuyết đề cập các nhân tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp gồm có: Lý thuyết sự kiện khởi nghiệp kinh doanh (Shapero và Sokol 1982) được sử dụng để mô tả một quy trình khởi nghiệp, với ý định là trung tâm (Bird 1988); Lý thuyết hành vi được lên kế hoạch được giới thiệu bởi Ajzen (1991) đại diện cho một lý thuyết chung về hành vi xã hội, được phát triển rộng hơn từ lý thuyết tâm lý xã hội; Theo TRA (Ajzen và Fishbein, 1980), ý định của một người là một chức năng của hai yếu tố quyết định là yếu tố cá nhân và các ảnh hưởng khác từ phía xã hội. Mô hình nghiên cứu dựa trên lý thuyết hành động hợp lý TRA (Theory of reasoned acon) sự kiện khởi sự kinh doanh, lý thuyết hành vi kế hoạch TPB (Theory of Planned Behavior) của Ajzen thì ý định khởi nghiệp kinh doanh chịu tác động bởi 3 yếu tố chính, bao gồm: (1) Thái độ đối với hành vi khởi nghiệp (attude toward the behavior hay perceived attude); (2) chuẩn chủ quan (subjecove norm); (3) Nhận thức tính khả thi (perceived behaviorial control). Trong đó thái độ đối với hành vi khởi nghiệp, theo Luthje và Franke (2003) được giải thích bởi nhu cầu thành đạt, xu hướng chấp nhận rủi ro và quỹ tích kiểm soát nội bộ (gọi chung là đặc điểm tính cách).

2.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên

Trên cơ sở các nghiên cứu được công bố và viện dẫn rộng rãi, có thể tổng hợp các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên gồm:

2.2.1. Đối với môi trường bên ngoài

Xem xét các yếu tố xuất phát từ hoàn cảnh (sáng kiến, nguồn lực, khả năng quản lý, quyền tự chủ) để quyết định xem xét lựa chọn việc kinh doanh (Peterman & Kennedy, 2003). Môi trường giáo dục có sự ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên. Như trong mô hình nghiên cứu của Luthje & Franke (2004) đã chứng minh được rằng “Cảm nhận môi trường giáo dục đại học sẽ tác động trực tiếp đến ý định khởi nghiệp của sinh viên”. Luthje & Franke, (2004) so sánh ý định khởi nghiệp giữa hai nhóm sinh viên thuộc trường đại học nói tiếng Đức (gồm 468 sinh viên ở Vienna của Áo và 312 sinh viên Munich của Đức) và 148 sinh viên của học viện MIT Hoa Kỳ. Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt trong ý định khởi nghiệp giữa hai nhóm đối tượng nghiên cứu: “Nhóm sinh viên thuộc trường MIT của Hoa Kỳ có ý định khởi nghiệp và tham vọng kinh doanh cao hơn nhóm thuộc trường Đại học nói tiếng Đức”. Sự khác biệt là do giáo dục về khởi nghiệp, về tinh thần mong muốn doanh nhân. Gaddam (2008) nghiên cứu 255 học viên cao học Quản trị kinh doanh thuộc một số trường ở Hyderabad, Ấn Độ và kết luận về cảm nhận môi trường giáo dục ảnh hưởng tích cực đến khởi nghiệp.

Dựa theo Turker & Selcuk (2009), hỗ trợ về giáo dục, quan hệ và cơ cấu được xác định là các yếu tố bối cảnh ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp. Küttim và cộng sự. (2014) cho rằng tư duy, thái độ và hành vi của sinh viên có thể được thay đổi thông qua giáo dục khởi nghiệp để hướng họ đến những lựa chọn nghề nghiệp khởi nghiệp. 

Đặc biệt hơn, các khóa học ngắn hạn, các chương trình đào tạo về khởi nghiệp có mối quan hệ mạnh mẽ đến ý định khởi nghiệp của sinh viên, điều này đồng nghĩa với việc muốn thúc đẩy sinh viên nảy ra ý định khởi nghiệp thì việc tập trung cho các chương trình về khởi nghiệp này cùng quan trọng không kém (Askun & Yildirim (2011)). Mặt khác, nghiên cứu Zhou Hong, Tao Hong, Zhong Cui and Wang Luzhuang (2012) thông qua bảng câu hỏi và phỏng vấn, các tác giả đã điều tra hoàn cảnh cá nhân của các doanh nhân, đặc điểm tâm lý và hành vi của sinh viên đại học và phân tích các tác động bên ngoài đối với doanh nhân. Kết quả chỉ ra rằng những nền tảng và đặc điểm đó có thể ảnh hưởng đến động lực khởi nghiệp và việc ra quyết định của sinh viên đại học.

Tương tự tại nghiên cứu của Wongnaa và Seyram (2014), cho tín hiệu tích cực khi thể hiện cùng ảnh hưởng mạnh mẽ đến dự định khởi nghiệp kinh doanh của sinh viên cũng bị tác động bởi môi trường giáo dục kinh doanh, tinh thần mong muốn khởi nghiệp của sinh viên. Một số khía cạnh, nghiên cứu này xem xét nhu cầu đạt được thành tích, năng lực bản thân, sự tự tin, tính đổi mới, tính chủ động, khả năng ra quyết định, xu hướng chấp nhận rủi ro, hành vi tìm kiếm thông tin và tính lịch sử quốc tế ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên bách khoa, đồng thời cho rằng có sự khác biệt về giới tính đối với ý định khởi nghiệp của sinh viên.

Còn nghiên cứu của Brice, (2004) tiến hành khảo sát 351 sinh viên Quản trị kinh doanh ở bậc Đại học, cao học, nghiên cứu sinh viên trường Veterinary Medicine và Large đông nam Hoa Kỳ cho thấy: Ý định khởi nghiệp tăng dần theo mức độ học vấn.

Bên cạnh đó, những tác nhân như xu thế xã hội, định hướng gia đình, văn hóa quốc gia, thái độ của xã hội có sự ảnh hưởng nhất định đến dự định, ý định khởi nghiệp của sinh viên với khảo sát hơn 1.000 sinh viên tại các trường đại học ở Mỹ, Tây Ban Nha và Trung Quốc (Pruett et al., 2009). Cùng quan điểm đó, trong nghiên cứu Linán (2004), tác giả cho thấy mức độ quan tâm đến hành vi khởi nghiệp kinh doanh của xã hội có tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp và tại nghiên cứu của Sizong Wu & Wu Lingfei (2008) cho thấy rằng sự đa dạng về nền tảng giáo dục đưa ra những lời giải thích hợp lý về sự khác biệt trong ý định kinh doanh của sinh viên đại học Trung Quốc. Sesen (2013) nghiên cứu khảo sát bằng bảng câu hỏi được hoàn thành bởi một mẫu ngẫu nhiên (n = 356) gồm các sinh viên khoa quản trị kinh doanh, khoa học sức khỏe và luật ở hai trường đại học Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả được dựa trên phân tích tương quan và hồi quy cho thấy rằng các yếu tố cá nhân là tiêu điểm kiểm soát và năng lực tự khởi nghiệp (ESE) cũng như các yếu tố môi trường, mạng lưới xã hội và khả năng tiếp cận vốn có tác động đáng kể đến ý định khởi nghiệp của sinh viên. 

Củng cố các nghiên cứu đó, nghiên cứu của Nguyễn Thị Phương Ngọc (2020) đã xác định được các nhân tố chính ảnh hưởng cũng như mức độ tác động của các nhân tố đến dự định khởi sự kinh doanh của sinh viên, bao gồm: “Đặc điểm tính cách”, “Thái độ đối với hành vi kinh doanh”, “Giáo dục kinh doanh”, “Nhận thức kiểm soát hành vi”, “Địa vị xã hội của chủ doanh nghiệp” và “Nguồn vốn”. Nghiên cứu của Nguyễn Anh Tuấn (2020) dựa trên 3 yếu tố cơ bản (thái độ, chuẩn mực chủ quan, nhận thức kiểm soát hành vi) từ lý thuyết hành vi có kế hoạch, lý thuyết sự kiện khởi sự kinh doanh và các nhân tố được rút ra từ luận điểm lý thuyết của các nghiên cứu đi trước (thái độ đối với tiền bạc, nhu cầu thành đạt, giáo dục KSKD, kinh nghiệm/trải nghiệm KSKD); Bổ sung nhân tố mới ít được kiểm chứng bằng các nghiên cứu thực nghiệm là chính sách hỗ trợ của chính phủ.

 Nghiên cứu của Nguyễn Thu Thuỷ (2015) kết hợp hai nhóm nhân tố môi trường xúc cảm và trải nghiệm cá nhân để phát triển mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến tiềm năng khởi sự kinh doanh của sinh viên đại học. Kết quả nghiên cứu khẳng định các trải nghiệm cá nhân trong đó có các trải nghiệm được tiếp nhận trong quá trình học đại học có tác động tới tiềm năng khởi sự kinh doanh của sinh viên trong bối cảnh các nhà nghiên cứu trên thế giới đang có tranh cãi mâu thuẫn về vai trò của đào tạo đại học với tiềm năng khởi sự kinh doanh. 

Khẳng định vai trò của giáo dục khởi nghiệp đến ý định khởi nghiệp của sinh viên, nghiên cứu của Giao Thị Hoàng Yến (2022) giải thích ý định khởi nghiệp của sinh viên nhờ vào ba nhân tố: kiến thức, kĩ năng và thái độ. Những phát hiện mở ra những ý tưởng mới trong thúc đẩy tư duy, thái độ của sinh viên tới ý định khởi nghiệp bền vững, từ đó cải thiện chất lượng của các ý định và nâng cao hiệu suất thành công trong khởi nghiệp của sinh viên. Nghiên cứu đưa ra gợi ý về xây dựng chương trình đào tạo hợp lý, thúc đẩy tối đa động lực nội tại trong sinh viên đồng thời hoàn thiện các kỹ năng cần thiết để sinh viên có thể tự tin xây dựng ý tưởng khởi nghiệp bền vững và thực hiện nó. 

2.2.2. Đối với môi trường nội tại (bản thân chủ thể khởi nghiệp)

 a. Về động cơ: Các nhóm yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp như “nhu cầu thành đạt”, “khao khát được độc lập”, “đạt được mục tiêu” được nhắc đền trong nghiên cứu của Shane&cs (2003). 

Nhu cầu thành tích là mong muốn có được kết quả xuất sắc, đạt được thành tựu, quyền kiểm soát bằng cách đặt ra các tiêu chuẩn cao và phấn đấu để hoàn thành chúng (Lofstrom, 2004). Đó là mối quan tâm nhất quán với việc làm mọi thứ tốt hơn (McClelland & cộng sự, 2020). McClelland & cộng sự (2020) nhấn mạnh rằng nhân tố cá nhân như là nhu cầu thành tích tác động đến từng cá nhân trong việc định hình ý định khởi nghiệp. Các cá nhân với nhu cầu thành tích cao thường có ham muốn thành công vô cùng lớn. Những người có nhu cầu thành tích cao thường tự tin vào bản thân hơn bình thường, thích thú với việc đánh cược vào những điều may rủi đã được tính toán cẩn thận, chủ động điều tra những yếu tố xung quanh ảnh hưởng đến kết quả và đặc biệt khắt khe trong việc tự đánh giá mình đang làm tốt đến đâu (McClelland & cộng sự, 2020).

Bên cạnh đó, nghiên cứu của Lương Ngọc Minh (2019) đã khái quát được mô hình nghiên cứu về tinh thần khởi nghiệp của sinh viên và các nhân tố tác động tới tinh thần khởi nghiệp của sinh viên. Trong đó đã xem xét thêm 02 nhân tố bên ngoài tác động đến tinh thần khởi nghiệp của sinh viên là “Sự giáo dục” và “Nguồn vốn cho khởi nghiệp”. Đồng thời, đã phát hiện mới 01 nhân tố tác động đến tinh thần khởi nghiệp của sinh viên trên địa bàn Hà Nội và được gọi là nhân tố “Sự tự tin khởi nghiệp”. Đây cũng được xem là nhân tố mang động cơ thúc đẩy khởi nghiệp.

Còn nghiên cứu của Đoàn Thị Thu Trang (2018) sử dụng 06 yếu tố nhận thức cá nhân trên cơ sở Lý thuyết hành vi có kế hoạch của Ajzen (1991), đồng thời bổ sung 01 yếu tố nhận thức cá nhân (cảm nhận về may mắn) trên cơ sở lý thuyết Locus of Control và thực tế tình hình khởi nghiệp ở Việt Nam để phát triển mô hình các yếu tố ảnh hưởng tới ý định khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên khối ngành kỹ thuật Việt Nam. Đây là hướng tiếp cận từ phía bên trong người khởi nghiệp tiềm năng. 

b. Về tính cách: Crant (1996) đưa ra lý thuyết về tính chủ động như một dự đoán của ý định khởi nghiệp, bổ sung hữu ích vào các biến nhân cách dự đoán của ý định khởi nghiệp. Còn Brandstatter (2011) cho rằng ý định làm chủ trong kinh doanh có sự ảnh hưởng mạnh mẽ lên một tập hợp các đặc điểm tính cách được đặc trưng bởi mức độ sẵn sàng đổi mới, tính cách chủ động, năng lực bản thân tổng quát, khả năng chịu đựng căng thẳng, nhu cầu tự chủ, khả năng kiểm soát. Sự tự tin vào năng lực bản thân là niềm tin của mọi người về khả năng của họ để tạo ra mức hiệu suất được chỉ định có ảnh hưởng đến các sự kiện ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Niềm tin về năng lực bản thân quyết định cách mọi người cảm nhận, suy nghĩ, thúc đẩy bản thân và hành xử. Những niềm tin như vậy tạo ra những hiệu ứng đa dạng này thông qua bốn quá trình chính. Chúng bao gồm các quá trình nhận thức, động lực, tình cảm và lựa chọn (Zimmerman, 2000). Sự tự tin vào năng lực của bản thân, được rút ra từ một giả thuyết nghiên cứu xã hội của Bandura & Walters (1977). Khái niệm này nhấn mạnh đến niềm tin của một cá nhân về khả năng thể hiện khi được giao cho một nhiệm vụ. Theo Ryan (1970), tự nhận thức có một vai trò trong việc hình thành lên ý định khởi nghiệp. Tương tự, Cromie (2000) cho rằng sự tự tin vào năng lực bản thân ảnh hưởng lên niềm tin của một cá nhân về có hay không một mục tiêu rõ ràng để đạt được từ đó thúc đẩy ý định khởi nghiệp một cách mạnh mẽ hơn (Cassar & Friedman, 2009; Townsend & cộng sự, 2010).

c. Về thái độ: Mô hình Wu & Wu (2008) cho thấy “thái độ đối với ý định khởi nghiệp” và “đánh giá kiểm soát chủ động đối với hành vi” đều tác động tích cực đến “ý định khởi nghiệp” của sinh viên, tuy nhiên mô hình nghiên cứu này vẫn chưa đưa ra được nhận định cho rằng “chuẩn chủ quan” là có sự tương tác với yếu tố ý định sẽ thực hiện khởi nghiệp trong tương lai. Tương tự tác giả Boissin và cộng sự (2009) phân tích sự khác biệt trong nhận thức của sinh viên Pháp và Mỹ về ý định khởi nghiệp. Nghiên cứu này đo lường không chỉ ý định khởi nghiệp của sinh viên mà còn cả thái độ của họ đối với việc thành lập doanh nghiệp, nhận thức của họ về các chuẩn mực xã hội và cảm giác của họ về khả năng quản lý quá trình khởi nghiệp. Nghiên cứu so sánh niềm tin của họ để xác định sự khác biệt và tương đồng, phân tích các giá trị nghề nghiệp của sinh viên (tức là các đặc điểm nghề nghiệp mà sinh viên coi trọng), tầm nhìn về khởi nghiệp (những nhu cầu mà sinh viên nghĩ sẽ được đáp ứng bởi hoạt động kinh doanh) và mức độ tự tin của sinh viên về khả năng quản lý hợp lý các nhiệm vụ được coi là quan trọng để khởi nghiệp. Kết quả cho thấy ý định thành lập công ty ở Mỹ mạnh hơn ở Pháp và cho thấy sự khác biệt quan trọng về niềm tin.

Tại một mô hình do Schwarz & cs (2009) dựa trên lý thuyết về hành vi có kế hoạch của Ajzen và mô hình ý định của Autoo, nhằm mục đích phát triển một mô hình ý định kinh doanh kết hợp cả yếu tố con người và môi trường. Cụ thể, mô hình đề xuất nhằm tập trung vào ba cấu trúc để dự đoán ý định khởi nghiệp, tức là thái độ chung (đối với tiền bạc, sự thay đổi và khả năng cạnh tranh), thái độ đối với khởi nghiệp và nhận thức về môi trường đại học và cơ sở hạ tầng khởi nghiệp khu vực. Nghiên cứu đã ghi nhận được cảm nhận đối với sự biến thiên, sự thay đổi so với giá trị vật chất và đặc biệt là thái độ đối với ý định khởi nghiệp là có mối quan hệ tích cực với ý định khởi nghiệp.

Ngoài ra, điểm kiểm soát tâm lý là một nhân tố cá nhân khác ảnh hưởng tới ý định khởi nghiệp của người trẻ (Zellweger & cộng sự, 2011). Theo Hisrich & cộng sự (2017), điểm kiểm soát tâm lý được hiểu là “một thuộc tính biểu thị cảm giác kiểm soát mà một người có trong cuộc đời”. Khi cân nhắc thành lập một doanh nghiệp, người ta sẽ tự xem xét rằng liệu họ có đủ khả năng để bảo toàn nghị lực và năng lượng cần thiết để giải quyết các thử thách liên quan đến việc thành lập, quản lý và khiến cho doanh nghiệp phát triển hay không. Điểm kiểm soát tâm lý nhấn mạnh vào mức độ của từng cá nhân nhận thức được thành công hay thất bại khi nó trở nên vô cùng khó đoán định so với lúc suy nghĩ ban đầu (Green & cộng sự, 1996). Mức độ kiểm soát bản thân được đánh giá là một trong những yếu tố quyết định ảnh hưởng đến đặc tính của các nhà khởi nghiệp (Venkatapathy, 1984). Cá nhân với khả năng kiểm soát cao thường sẽ chắc chắn hơn trong việc có một tầm nhìn rõ ràng hơn về tương lai và xây dựng được một kế hoạch kinh doanh dài hạn (Entrialgo & cộng sự, 2000; Zellweger & cộng sự, 2011).

Khác với các nghiên cứu trước, tại nghiên cứu của Yurtkoru & cs (2014) đã chứng minh được “thái độ đối với khởi nghiệp” cùng với “sự chủ động kiểm soát” có mối quan hệ tích cực đến “ý định khởi nghiệp”. Ngoài ra, Yurtkoru đã tiến hành nghiên cứu dựa trên khung Lý thuyết về Mô hình hành vi có kế hoạch (TPB), phân tích lại mối quan hệ giữa “sự hỗ trợ của môi trường giáo dục” và “sự hỗ trợ của chính sách” tại quan điểm phân tích của Turker & Selcuk, (2009), đã nhận ra có sự tương tác tích cực lên “thái độ đối với khởi nghiệp”. 

Củng cố các nghiên cứu từ các nhà kinh tế học trên thế giới, nghiên cứu của Trần Quang Long (2018) đã xác định mô hình thái độ về việc khởi nghiệp (EAO) tại Việt Nam xuất hiện một khái niệm mới. Cụ thể giữa kiểm soát bản thân và thành tích đã có sự nhập lại ở phần nhận thức và cảm xúc tạo ra thành phần thứ 5 là “Kiểm soát thành tích bản thân”. 

d. Về đặc điểm nhân khẩu học: Một số nghiên cứu ủng hộ lập luận rằng các đặc điểm nhân khẩu học như tuổi tác và giới tính và nền tảng cá nhân như trình độ học vấn và việc làm trước đây có ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp (Guerrero & cộng sự, 2008; Li & cộng sự, 2008). Mazzarol & Soutar (1999) nhận thấy rằng so với nam giới, khả năng phụ nữ trở thành người sáng lập doanh nghiệp mới thấp hơn. Tương tự, Kolvereid (1996) và Strobl & cộng sự (2012) kết luận rằng nam giới có ý định khởi nghiệp cao hơn đáng kể so với nữ giới. Phụ nữ chỉ chiếm khoảng 20% trong số các công ty mới thành lập ở các nước trên thế giới. Mặc dù tuổi tác thường không được coi là yếu tố quyết định quan trọng đối với việc khởi nghiệp, Reynolds & cộng sự (1999) nhận thấy rằng các cá nhân từ 25 - 44 tuổi và những người có kinh nghiệm là những người tích cực nhất trong nỗ lực kinh doanh ở các nước phương Tây (Marques & cộng sự, 2012; Tornikoski & Kautonen, 2009). Sự khác biệt về giới tính trong ý định khởi nghiệp có lẽ là chủ đề nghiên cứu còn khá đơn lẻ (Linán & Fayolle, 2015). Nam giới thể hiện thái độ tích cực hơn đối với vấn đề khởi nghiệp và ý định khởi nghiệp cũng cao hơn (Strobl & cộng sự, 2012), cũng tính khả thi được nhận thức tích cực hơn (Novak & cộng sự, 2012). Ngoài ra, phụ nữ có xu hướng nhận thức những rào cản khác nhau đối với khởi nghiệp (Shinnar & cộng sự, 2012).

3. KẾT LUẬN

Khởi nghiệp có vai trò quan trọng đối với hoạt động sáng tạo, phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy đối tượng quan trọng của khởi nghiệp là thanh niên, trong đó sinh viên với những khát khao của tuổi trẻ, đủ năng lực và sức cống hiến đóng vai trò rất lớn. Do đó, ý định dẫn tới hành vi khởi nghiệp của sinh viên cần có những quan tâm nghiên cứu thích đáng nhằm đóng góp ý nghĩa về khoa học và thực tiễn về khởi nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Camillus A.Wongnaa and Anthony Z.K.Seyram (2014). Factors influencing polytechnic students’ decision to graduate as entrepreneurs. Journal of Global Entrepreneurship Research 2(1):2. 

2. Hermann Brandstaetter (2011). Personality Aspects of Entrepreneurship: A Look at Five Meta-Analyses. Personality and Individual Differences 51(3):222-230.

3. Nikolaus Franke & Christian Lüthje (2004). Entrepreneurial Intentions of Business Students: A Benchmarking Study. International Journal of Innovation and Technology Management 01(03)

4. Sesen Harun (2013). Personality or environment? A comprehensive study on the entrepreneurial intentions of university students. Education + Training 55(7).

5. Zhou Hong, Tao Hong, Zhong Cui and Wang Luzhuang (2012). Entrepreneurship Quality of College Students Related to Entrepreneurial Education. Energy Procedia 17:1907-1913. 

6. Mark Pruett et al. (2009). Explaining entrepreneurial intentions of university students: A cross-cultural study. International Journal of Entrepreneurial Behaviour & Research 15(6):571-594.

7. Shane Scott & Sankaran Venkataraman (2013). The Promise of Entrepreneurship As A Field of Study. Academy of Management Review 25(1).

8. Erich J. Schwarz et al. (2009). The Effects of Attitudes and Perceived Environment Conditions on Students' Entrepreneurial Intent. Education + Training 51(4):272-291.

9. Duygu Turker & Senem S.Selcuk (2009). Which Factors Affect Entrepreneurial Intention of University Students?. Journal of European Industrial Training 33(2).

10. Sizong Wu & Wu Lingfei (2008). The Impact of Higher Education on Entrepreneurial Intentions of University Students in China. Journal of Small Business and Enterprise Development 15(4):752-774. 

11. Serra E. Yurtkoru, Zeynep K.Kuscu & Ahmet Doganay (2014). Exploring the Antecedents of Entrepreneurial Intention on Turkish University Students. Procedia - Social and Behavioral Sciences 150(2014):841-850.

12. Zoltan J. Acs & David B (2010). Handbook of Entrepreneurship Research, International Handbook Series on Entrepreneurship. Springer.

13. Trần Quang Long (2018). Tiếp cận ý định khởi nghiệp bằng mô hình thái độ về khởi nghiệp và xem xét vai trò tác động của giáo dục và nguồn vốn: nghiên cứu thực nghiệm tại Việt Nam. Đại học Kinh tế TP HCM.

14. Lương Ngọc Minh (2019). Nghiên cứu những nhân tố ảnh hưởng đến tinh thần khởi nghiệp của sinh viên trên địa bàn Hà Nội. Đại học Quốc gia Hà Nội.

15. Đoàn Thị Thu Trang (2018). Đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên Việt nam: Nghiên cứu trường hợp sinh viên khối ngành Kỹ thuật. Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội

16. Nguyễn Thu Thuỷ (2015). Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến tiềm năng khởi sự kinh doanh của sinh viên đại học. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

17. Nguyễn Anh Tuấn (2020). Các yếu tố tác động đến dự định khởi sự kinh doanh của thanh niên Việt Nam. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

18. Giao Thị Hoàng Yến (2022). Ảnh hưởng của giáo dục khởi nghiệp đến ý định khởi nghiệp theo hướng bền vững của sinh viên Việt Nam. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

                                                                                                                                                                                                                                                                     Tác giả: Hoàng Thị Thúy Hằng


Bài viết khác