MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO SINH VIÊN KHỐI KINH TẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ NGHỆ AN

Ngân hàng thế giới (World Bank) đã đánh giá một số nguyên nhân tác động đến việc chất lượng nhân lực của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, một trong những nguyên nhân chính đó là chất lượng giáo dục và đào tạo đại học chưa đảm bảo của các cơ sở đào tạo, điều này làm cho người lao động sau khi tốt nghiệp không đảm bảo được kỹ năng làm việc theo yêu cầu. Vì vậy, một trong những bài toán đặt ra cho các trường đại học, cao đẳng hiện nay, nhất là đối với khối đại học kinh tế là cần nâng cao chất lượng đào tạo, để cung cấp nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.

Cùng với xu thế và yêu cầu của phát triển, nhu cầu về lao động, trong đó có nhu cầu về lao động chất lượng cao ở Nghệ An tăng lên trong những năm vừa qua. Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Quý II và 6 tháng đầu năm 2022 tỉnh Nghệ An của Cục Thống kê tỉnh Nghệ An, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 đạt 8,44%, là mức tăng trưởng đạt thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 18 của cả nước. Dịch covid 19 về cơ bản đã được kiểm soát. Trong mức tăng chung của cả tỉnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,14%, đóng góp 12,27% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,65%, đóng góp 39,75%; khu vực dịch vụ tăng 9,22%, đóng góp 44,64%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,22% đóng góp 3,34%. Tính đến 20/5/2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới cho 41 dự án với tổng số đăng ký là 11.168,2 tỷ đồng. Điều chỉnh 43 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 18 dự án (tăng 13.247,2 tỷ đồng). Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 24.442,4 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2021, số lượng dự án dự án cấp mới tăng 17,14%, tổng vốn đầu tư đăng ký mới tăng 1,53 lần. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn dự tính 6 tháng đầu năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 43.158,1 tỷ đồng, tăng 19,84% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 1.010 doanh nghiệp được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tăng 4,77% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký thành lập 10.417 tỷ đồng. Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thành lập mới là 390 đơn vị, tăng 42,34% so với cùng kỳ. Đồng thời có 546 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại sản xuất kinh doanh, tăng 80 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2021. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến cho thấy: có 34,83% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với Quý I/2022; 35,96% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định; có 29,21% số doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.

Dân số trung bình của tỉnh Nghệ An ước đạt 3.409,8 nghìn người, đứng thứ 4 cả nước. Trong đó lực lượng lao động có hơn 1,6 triệu người, hằng năm bổ sung hơn 30 nghìn người và đang ở trong thời kỳ “dân số vàng”, đây là lợi thế về nguồn lao động dồi dào nhưng cũng là thách thức khi giải quyết việc làm cho lao động. Ước 6 tháng đầu năm 2022, giải quyết việc làm cho 29.885 người (đạt 69,66% kế hoạch, tăng 72,5%). Với hơn 1,9 triệu người trong độ tuổi lao động, số lao động đã qua đào tạo của tỉnh Nghệ An là 65%, tuy nhiên chỉ có 25,3% số lao động qua đào tạo là có văn bằng chứng chỉ, con số này thấp hơn trung bình chung của cả nước là 26%.

Theo số liệu của Chi cục thống kê Nghệ An, đến năm 2020, phân phối lao động theo nghề nghiệp và vị thế việc làm thì số lao động là nhà lãnh đạo và chuyên môn kỹ thuật bậc cao chiếm tỉ lệ 6,16% so với tổng lao động đang làm việc, trong khi đó, con số này trung bình của cả nước là 9,03% (tác giả tính theo số liệu Niên giám thống kê Việt Nam 2021).

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có sự đầu tư nhất định cho giáo dục, Chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề hàng năm năm sau có cao hơn năm trước, tỉ lệ chi cho giáo dục đào tạo trong tỉ trọng chi ngân sách năm 2020 là 15,94%.

Tính đến 2020, các số liệu về cơ sở giáo dục, đào tạo và người học như sau:

Nguồn: Infor Nghệ An, Niên giám thống kê Nghệ An năm 2020

Để đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển, trong những năm qua, Nhà nước đã đưa ra các chính sách, quy định liên quan đến phát triển nguồn nhân lực tương đối đầy đủ và ngày càng hoàn thiện, về luật có Bộ Luật lao động năm 2012, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 … kèm theo đó là các văn bản hướng dẫn thi hành luật và các chính sách về phát triển nguồn nhân lực như Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh hệ thống các văn bản chính sách thì bộ máy quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực cũng được kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ; các bộ có chức năng quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực chuyên ngành liên quan tới phát triển nguồn nhân lực đó như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; tất cả các bộ, ngành, địa phương trên cả nước đều có các cơ sở trực thuộc trực tiếp cung ứng dịch vụ công liên quan đến phát triền nguồn nhân lực trong phạm vi quản lý của mình. 

Mới đây nhất, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định số 2124/QĐ-UBND, Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững giáo dục và đào tạo Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với những mục tiêu quan trọng, trong đó có mục tiêu “Chú trọng phát triển chương trình giáo dục địa phương, chương trình nhà trường theo hướng hiện đại, hội nhập nhằm hình thành nguồn nhân lực phát huy điểm mạnh, cải thiện những điểm yếu của con người xứ Nghệ trong môi trường lao động chuyên nghiệp. Tập trung ưu tiên thúc đẩy nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học cho học sinh và người lao động; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội địa phương và tham gia có uy tín vào thị trường lao động cả nước”. Với chiến lược này, Tỉnh Nghệ An trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh đầu tư cho công tác giáo dục và đào tạo, để nâng cao chất lượng dạy và học, đồng thời sẽ có được nguồn lực lao động để đáp ứng yêu cầu phát triển cho tỉnh nhà.

Có rất nhiều yếu tố có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo như: về phía cơ sở đào tạo: trình độ chuyên môn và phương pháp của người dạy; khả năng học tập, nghiên cứu khoa học, sự sáng tạo của sinh viên; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo… Từ những gợi ý từ cơ sở lý luận này, cũng như từ thực tiễn hoạt động đào tạo tại trường ĐH Kinh tế Nghệ An, để có thể nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường đại học khối ngành kinh tế, nhóm tác giả xin đề xuất một số giải pháp sau:

Một là nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên. Trình độ chuyên môn là nhân tố quan trọng hàng đầu có tác động rất lớn đến chất lượng đào tạo. Vì vậy, để nâng cao trình độ chuyên môn của giảng viên, trước hết các giảng viên luôn phải nâng cao tinh thần tự học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ. Về phía nhà trường cần phải có quy chế để khuyến khích, hỗ trợ giảng viên đi học, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng, kịp thời cập nhật tri thức, phương pháp giảng dạy mới phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học (NCKH) cũng là một nhiệm vụ bắt buộc của giảng viên đại học, NCKH không chỉ giúp giảng viên nâng cao kiến thức, khả năng sáng tạo mà còn giúp họ đưa các kiến thức đó vào bài học, giúp SV cập nhật thêm kiến thức mới, bổ ích; góp phần khơi dậy tinh thần học tập, nghiên cứu ở SV.

Để có thể truyền đạt được kiến thức đến SV một cách hiệu quả, tạo được hứng thú học tập cho SV, GV cũng cần phải luôn tìm hiểu, trao đổi, học tập các phương pháp truyền đạt kết hợp với các phương tiện giảng dạy mới, “lấy người học là trung tâm”.

Nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu, khả năng thực hành của sinh viên. 

Về năng lực tự học, tự nghiên cứu: trong thời đại công nghệ, thông tin bùng nổ như hiện nay, nếu SV không có kỹ năng tự học thì sẽ không thể kịp thời cập nhật các kiến thức, thông tin một cách cập nhật được. Vì vậy, sinh viên cần phải nhận thức được rằng học không chỉ để qua môn, để lấy học bổng mà học để làm được việc. Việc tạo động lực học tập, NCKH là rất cần thiết đối với sinh viên đại học. Hướng dẫn sinh viên tự học, làm bài tập thảo luận, bài tập lớn, tiểu luận, NCKH … cần phải được chú trọng quan tâm. Đây là cơ hội để các em rèn luyện các kỹ năng mềm cần thiết, giúp các SV xây dựng các kỹ năng mềm cơ bản để các em có thể nâng cao khả năng tiếp cận với công việc sau khi ra trường.

Trong năm vừa qua, Nhà Trường đã tiến hành rà soát và sửa đổi hoàn thiện quy chế quy định về hoạt động NCKH cho GV và SV, với quy chế mới đã khuyến khích hoạt động NCKH của cả GV và SV trong trường, số lượng đề tài NCKH năm nay đã tăng hơn các năm trước. 

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của Trường cũng đã chú trọng xây dựng các câu lạc bộ với nhiều hoạt động, thu hút được sự tham gia của các bạn SV, đặc biệt là các bạn tân sinh viên, thông qua hoạt động của các CLB đã giúp các bạn SV tự tin, năng động, hòa nhập với môi trường sinh hoạt, học tập cũng như giúp cho các bạn rèn luyện bản thân ở môi trường đại học.

Xây dựng Chương trình đào tạo đại học tiếp cận xu hướng thời đại. Trong thời đại kinh tế tri trức, coi trọng năng lực làm việc của người lao động, đào tạo không chỉ là cách truyền thụ kiến thức một chiều mà là rèn luyện khả năng tư duy, khả năng thích ứng, rèn luyện nhân cách để hình thành nên người lao động có khả năng làm việc thực tế. Điều đó được thể hiện trong chương trình đào tạo của từng ngành học. Vì vậy, trong quá trình rà soát, nhà trường rất chú trọng lấy ý kiến khảo sát các bên liên quan: ý kiến của các chuyên gia, của đại diện người sử dụng lao động, ý kiến của cán bộ giảng dạy … để rà soát, chỉnh sửa chương trình đào tạo một cách cơ bản, toàn diện theo các chuẩn mực quy định của Bộ GD&ĐT; chú trọng tính thực tiễn của nội dung chương trình và năng lực của sinh viên; phát huy tối đa khả năng cá nhân của mỗi sinh viên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học và nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao của xã hội.

Xây dựng hệ thống công cụ, phương tiện kiểm tra, đánh giá sinh viên.

Có Chương trình đào tạo với mục tiêu và chuẩn đầu ra phù hợp mới chỉ là những bước đầu tiên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo. Để đánh giá được năng lực của người học sau quá trình đào tạo, cũng như chất lượng của hoạt động đào tạo thì cần phải xây dựng hệ thống công cụ, phương tiện và quy trình để phản ánh kết quả học tập của sinh viên cũng như kết quả đào tạo của nhà trường một cách toàn diện, chính xác và khách quan.

Đầu tư nâng cao cơ sở vật chất, kỹ thuật, môi trường đào tạo.

Bên cạnh học lý thuyết, SV cần phải được thực hành để rèn luyện và nâng cao năng lực thực hành chuyên môn của mình.  Các môn học đang được triển khai giảng dạy có tính ứng dụng càng cao thì đòi hỏi điều kiện học tập và thực hành cho SV càng phải được đáp ứng đầy đủ. Vì vậy, việc tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại phục vụ cho việc đào tạo của nhà trường phải đi đôi với tinh thần trách nhiệm của người giảng viên và tính tự giác cao của người học.

Trong quá trình xây dựng và phát triển của mình, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An đã nỗ lực khắc phục các khó khăn thách thức, thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy. Những nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Nhà trường đã được ghi nhận, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An đã đạt được chứng nhận về kiểm định chất lượng giai đoạn 2022 - 2027. Đây vừa là sự khẳng định chất lượng đào tạo của Trường, vừa là động lực để tập của Nhà Trường tiếp tục phấn đấu hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng đào tạo trong thời gian sắp tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Cục thống kê Tỉnh Nghệ An, 2021, Niên giám thống kê Nghệ An 2020, NXB Thống kê;

  2. Cục thống kê Tỉnh Nghệ An, 2022, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Quý II và 06 tháng đầu năm 2022 tỉnh Nghệ An;

  3. Huỳnh Diệu Ngân, 2022, Một số đề xuất đào tạo sinh viên khối ngành kinh tế định hướng công dân toàn cầu, Tạp chí Công thương, số 11 tháng 5/2022.

  4. Tổng cục thống kê, 2021, Niên giám thống kê Việt Nam 2021, NXB Thống kê;

  5. UBND tỉnh Nghệ An, quyết định số 2124/QĐ-UBND, Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững giáo dục và đào tạo Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

  6. Website: 

    1. https://kinhtevadubao.vn 

    2. https://tapchicongthuong.vn

    3. https://cafef.vn

                                                                                                                                                                                                                                                               Ts Hồ Thị Hiền; Ths Trần Thị Thanh Hường


Bài viết khác