Những kỹ năng cần thiết đối với sinh viên trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

            Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) là sự kết hợp các công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học. Một số vấn đề cốt lõi của cuộc cách mạng này là về trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, người máy và robot, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu Nano... Tất cả những yếu tố đó đặt con người trước cuộc “cạnh tranh” việc làm và chinh phục trí tuệ nhân tạo, robot, đòi hỏi lao động phải có kĩ năng cao, tri thức cao. Để có thể thích ứng với các tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, việc nghiên cứu và tìm ra giải pháp nhằm rèn luyện và nâng cao những kỹ năng cần thiết cho sinh viên hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là việc làm cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn.

II.  NỘI DUNG

2.1. Cách mạng công nghiệp 4.0 và những yêu cầu đặt ra đối với người lao động

2.1.1. Đôi nét về cách mạng công nghiệp 4.0

            Cách mạng công nghiệp 4.0 hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (The Fourth Industrial Revolution) là kỷ nguyên công nghiệp lớn thứ tư kể từ cuộc cách mạng công nghiệp lần đầu tiên từ thế kỷ 18. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể được mô tả như là một loạt các công nghệ mới đang kết hợp các thế giới vật lý, kỹ thuật số và sinh học, và ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, nền kinh tế và các ngành công nghiệp đến tất cả các ngành kinh tế và ngành công nghiệp

            Trong cuốn sách của mình mang tên “Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư” Giáo sư Klaus Schwab, Người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã mô tả cuộc cách mạng lần thứ tư này khác biệt cơ bản với ba lần trước, đặc trưng chủ yếu là những tiến bộ trong công nghệ. Các công nghệ này có tiềm năng tiếp tục kết nối hàng tỷ người trên web, cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh và tổ chức, giúp tái tạo môi trường tự nhiên bằng cách quản lý tài sản tốt hơn.

              Từ cách giải thích như vậy, có thể thấy được cốt lõi của cuộc cách mạng này nằm ở các vấn đề sau: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data). Đây thực sự là một cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử công nghiệp trên thế giới, tạo ra những thời cơ và thách thức rất lớn đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

              Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đưa đến những hệ thống sản xuất với các máy móc, thiết bị thông minh, dây chuyền sản xuất thông minh, hệ thống quản trị thông minh; tạo ra nền công nghiệp thông minh, nền nông nghiệp thông minh, dịch vụ thông minh, hệ thống kết cấu hạ tầng điện, giao thông, cấp, thoát nước thông minh, các phương tiện vận tải thông minh, hệ thống thương mại, dịch vụ thông minh, tiêu dùng thông minh. Nền kinh tế thật sự là nền kinh tế tri thức - thông minh. Tri thức, thành tựu khoa học - công nghệ, các ý tưởng đổi mới, sáng tạo trở thành động lực chính cho sự tăng trưởng, phát triển kinh tế.

2.1.2. Những yêu cầu đặt ra đối với người lao động trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

               Trước xu thế số hóa, máy móc tự động hóa thay thế con người, nhiều yêu cầu đã được đặt ra đối với người lao động nhằm thích ứng với sự thay đổi và bắt kịp tốc độ phát triển của công nghệ thông tin. Cụ thể đó là những kỹ năng sau:

- Kỹ năng chuyên môn: luôn trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới, tránh bị đào thải

- Kỹ năng công nghệ thông tin: thành thạo tin học, có khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn.

- Kỹ năng ngoại ngữ: ngoại ngữ tốt tăng khả năng mở rộng cơ hội nghề nghiệp

- Kỹ năng mềm thành thạo: lợi thế để hòa nhập tốt vào công việc, môi trường làm việc mới

2.2. Những kỹ năng cần thiết đối với sinh viên trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

            Hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn về sự thiếu hụt lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp để đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trước sự phát triển của robot, máy móc tự động hóa, lực lượng lao động ngày càng phải trở nên chất lượng hơn để đáp ứng nhu cầu thực tế. Tại các trường đại học, việc nâng cao chất lượng giáo dục đạt chuẩn 4.0, trong đó có việc nâng cao các kỹ năng cho người học cũng là yêu cầu cấp thiết. Đứng trước bối cảnh mới, những kỹ năng sau đây cần được chú trọng bồi dưỡng cho sinh viên:

            Thứ nhất, kỹ năng nghề nghiệp

       Kỹ năng nghề nghiệp là một trong những hành trang quan trọng giúp sinh viên có cơ hội được tuyển dụng và hoàn thành công việc theo chuyên môn được đào tạo sau khi ra trường. Đây còn là một mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực trước những yêu cầu lao động, việc làm trong nền kinh tế tri thức đang đòi hỏi về kỹ năng nghề nghiệp thực tế của sinh viên rất cao. Đặc biệt, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đặt ra cho người học và các cơ sở đào tạo những thách thức mới.

            Theo dự báo của tổ chức McKinsey công bố năm 2018 thì đến năm 2030, 70% công ty khắp thế giới sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo và GDP toàn cầu sẽ tăng 13 nghìn tỷ USD. Đến năm 2030, tỷ lệ tự động hóa đối với tất cả các công việc ở Hoa Kỳ sẽ là 38%, ở Nhật Bản là 24%, ở Hàn Quốc là 22%, và trung bình ở các nước thuộc OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) sẽ là 14%. Điều này có nghĩa là nhiều việc làm sẽ được tự động hóa, robot hóa, tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng.

            Để không bị tụt lại phía sau, không bị đào thải, mỗi sinh viên phải tự mình cập nhật thêm những tri thức mới, kỹ thuật, công nghệ mới của nhân loại, đồng thời đề cao tinh thần sáng tạo, tìm tòi, học hỏi để có thể áp dụng được những kiến thức mới đó vào đời sống thực tế.

            Thứ hai, kỹ năng ngoại ngữ

            Các nhà nghiên cứu đã thống kê rằng, những người sử dụng được tốt ngôn ngữ tiếng Anh rất có khả năng thành công trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu, thăng tiến nghề nghiệp. Đặc biệt là trong thời đại cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra hiện nay, Tiếng Anh nói riêng và các ngôn ngữ thông dụng khác như tiếng Nhật, Pháp, Trung, Hàn… lại càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của hơn 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngôn ngữ chính thức của EU và là ngôn ngữ được sử dụng nhiều thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Tây Ban Nha (do sự khác biệt trong dân số quốc gia). Có thể nói rằng, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ toàn cầu và được ví như tấm vé thông hành, cầu nối giúp bạn dễ dàng có một công việc ổn định với mức lương cao hơn. Ngoài kiến thức chuyên môn, nhiều doanh nghiệp cũng yêu cầu khả năng sử dụng ngoại ngữ. Đặc biệt, với doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài với đối tượng khách hàng đa dạng, nhân viên từ nhiều nơi trên thế giới,... thì thành thạo một ngôn ngữ khác bên cạnh tiếng mẹ đẻ chính là một lợi thế của sinh viên.

            Thứ ba, kỹ năng về công nghệ thông tin

            Công nghệ thông tin đang làm thay đổi cuộc sống con người theo hướng tích cực. Hằng ngày, sinh viên luôn cần vận dụng tốt các kĩ năng tin học cơ bản như viết báo cáo, làm tiểu luận, thiết kế slide, thuyết trình, tìm kiếm và chia sẻ tài liệu trên Internet. Kiến thức chuyên ngành mà sinh viên được trang bị trong quá trình học tập tại trường đại học là điều kiện cần, tuy nhiên vẫn chưa phải là điều kiện đủ đề làm hành trang cho sinh viên có thể bước ra giảng đường để tìm kiếm những công việc như mong muốn với mức thu nhập phù hợp. Khi mà yêu cầu của nhà tuyển dụng hiện nay ngày càng trở nên coi trọng và khắt khe hơn với các kĩ năng quan trọng về Word, Excel, Powerpoint, … đòi hỏi bắt buộc mỗi cá nhân phải tự hoàn thiện các kĩ năng mềm cho bản thân mình.

            Chính vì thế, yêu cầu đặt ra đối với sinh viên là bên cạnh việc không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ thì còn phải quan tâm đến công nghệ thông tin đặc biệt là công nghệ thông tin cơ bản, đề có thể sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng và từ đó vận dụng được vào chuyên ngành cụ thể mà bản thân đang học tập và nghiên cứu.

            Thứ tư, kỹ năng mềm

            Trong cuộc sống hiện đại, các kỹ năng mềm luôn được đề cao, không chỉ trong nhà trường mà còn ngoài xã hội. Các kỹ năng này sẽ quyết định bạn là ai, làm việc như thế nào bởi nó là thước đo hiệu quả công việc. Các nghiên cứu đã chỉ ra kỹ năng mềm sẽ chiếm 75% thành công của một con người còn kỹ năng cứng (chuyên môn, kiến thức) chỉ chiếm 25%. Biết kết hợp cả hai kỹ năng này sẽ giúp sinh viên nắm trong tay chìa khóa thành công trong công việc.

            Những kỹ năng mềm cần có bao gồm kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng trình bày, quản lý thời gian, xử lý tình huống, kỹ năng quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề... 

2.3. Một số giải pháp hình thành và hoàn thiện các kỹ năng cần thiết cho sinh viên để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

2.3.1. Giải pháp hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp      

            Trong thời đại hội nhập, khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đều đánh giá cao những ứng viên không chỉ “biết”, nghĩa là có bằng đại học với điểm số đẹp, mà còn có thể “làm”, nghĩa là có kỹ năng thực hành vững vàng, có thể làm việc ngay trong môi trường thực tế. Để làm được điều này cần có những phải pháp đồng bộ, hiệu quả từ nhà trường, các khoa đào tạo cũng như từ các bạn sinh viên.

            Về phía sinh viên

            Năng lực chuyên môn không chỉ là kiến thức lý thuyết mà còn là kỹ năng làm việc. Do đó, yêu cầu quan trọng đối với sinh viên là phải chủ động tích lũy kiến thức chuyên ngành và trau dồi kỹ năng trong công việc. Mỗi sinh viên trong quá trình học tập, rèn luyện, cùng với việc tiếp thu tri thức, kỹ xảo, kỹ năng nghề nghiệp cần tự nghiên cứu nâng cao nhận thức và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp mà họ đang theo đuổi. Trước tiên, sinh viên cần tận dụng triệt để những giờ học tập, thảo luận trên lớp, những giờ thực hành ngay trong chương trình chính khóa. Tiếp đó là khai thác tối đa những cơ hội trải nghiệm thực tế, thực tập và làm việc tại doanh nghiệp,... để hình dung được môi trường làm việc, tự đánh giá được năng lực bản thân. Từ đó, có kế hoạch và phương pháp học tập hiệu quả, thường xuyên bồi dưỡng chí hướng phấn đấu, niềm say mê ngành nghề mà mình đã lựa chọn.

            Về phía khoa đào tạo,

            Cần đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy gắn với kỹ năng nghề nghiệp của người học. Xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tế yêu cầu công việc. Căn cứ mục tiêu đào tạo và chiến lược, khoa, bộ môn cần xây dựng chương trình đào tạo dựa trên cơ sở tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Khoa, bộ môn cần quan tâm đến các hoạt động ngoại khóa hay tổ chức tìm hiểu các kỹ năng mềm cần thiết cho việc áp dụng vào hoạt động chuyên môn nghề nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên thông qua các hoạt động thường niên. Đây là một hoạt động tích cực nhằm thu hút các sinh viên cùng tham gia, tạo không khí sôi nổi giúp tinh thần thoải mái. Điều đó sẽ giúp các sinh viên nhận thức rõ hơn với ngành nghề mình lựa chọn, tạo đà cho các em hăng say, yêu mến nghề hơn.

         Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp cũng là một hoạt động cần được chú trọng. Việc gắn kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp có một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, có lợi cho sự phát triển nhà trường cũng như của doanh nghiệp. Làm tốt công tác này sẽ hình thành nên các sản phẩm chất lượng cao với chủ thể là sinh viên tốt nghiệp được trang bị đầy đủ kiến thức, tri thức, các kỹ năng cần thiết và thái độ đúng đắn về nghề nghiệp để có thể gia nhập vào nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao vị thế, khẳng định thương hiệu của nhà trường. Việc các cơ sở đào tạo liên kết với các doanh nghiệp sẽ tạo dựng môi trường, cơ hội cho sinh viên rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, để họ không chỉ giỏi về chuyên môn, mà còn có kiến thức thực tiễn trong các lĩnh vực, từng bước nâng cao nhận thức và kỹ năng nghề nghiệp. Phối hợp với các doanh nghiệp định kỳ cho sinh viên đi tham quan, trải nghiệp thực tế, thực tập tại doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với ngành nghề đào tạo. Sản phẩm thực tế, thực tập của sinh viên tại cơ sở sản xuất, dịch vụ là cơ sở đánh giá kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên ở cơ sở đào tạo.

2.3.2. Giải pháp hoàn thiện kỹ năng ngoại ngữ         

            Hiện nay sinh viên chỉ sử dụng tiếng Anh trong giờ học bắt buộc, còn hầu như bị bỏ quên trong các hoạt động khác. Mà đối với việc học ngoại ngữ thì chỉ cần một thời gian không sử dụng là có thể bị “rơi vào quên lãng”. Vì vậy, việc thành lập các câu lạc bộ tiếng Anh nhằm khuyến khích sinh viên tham gia học hỏi với thầy cô, giáo viên bản xứ, bạn bè là điều cần thiết hiện nay ở các trường đại học.

            Tuy nhiên, để việc học tiếng Anh hiệu quả bản thân mỗi sinh viên, các bạn phải tự ý thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ, có ý thức tự nâng cao năng lực của bản thân, từ đó xây dựng được động cơ, phương pháp học tập thích hợp thì mới có thể cải thiện trình độ. Điều này bao gồm:

- Học tập phải có thái độ, động cơ học tập rõ ràng

- Học có phương pháp học hiệu quả

- Có mục tiêu và kế hoạch cụ thể

- Học tập cách tư duy hiệu quả

- Học tập cách ghi nhớ hiệu quả

- Cách học tập hiệu quả

- Phân bố thời gian học tập hợp lý

2.3.3. Giải pháp hoàn thiện kỹ năng công nghệ thông tin

            Đối với kỹ năng công nghệ thông tin, muốn thành thạo thì không có lựa chọn nào khác ngoài việc dành thời gian để luyện tập nhiều. Sinh viên cần ý thức rõ tầm quan trọng của kỹ năng này trong học tập, công việc và đời sống để tự mình tìm tòi, học hỏi từ trường lớp, sách vở, thầy cô, bạn bè, hoặc tham gia một khóa học về tin học cơ bản để đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu về tin học văn phòng.

.2.3.4. Giải pháp hoàn thiện kỹ năng mềm       

            Một số giải pháp cơ bản sau có thể là định hướng nhằm rèn luyện và nâng cao kỹ năng mềm cho sinh viên:

            Đối với các cấp quản lý: đưa học phần Kỹ năng mềm vào chương trình đào tạo bắt buộc cho sinh viên các trường đại học, đánh giá chất lượng đào tạo các học phần này như những môn học chuyên ngành khác.

            Đối với Nhà trường: thành lập trung tâm đào tạo hoặc liên kết đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên, đưa Kỹ năng mềm vào chương trình đào tạo bắt buộc, giáo dục và nâng cao ý thức của sinh viên về kỹ năng mềm

            Đối với các tổ chức Đoàn, đội, Hội sinh viên: tổ chức các chương trình ngoại khóa, các hoạt động cộng đồng, các cuộc thi nhằm thu hút sự tham gia của sinh viên, tạo cơ hội thực hành và trải nghiệm cuộc sống bên cạnh việc học tập tại nhà trường.

            Đối với sinh viên: ý thức được tầm quan trọng của kỹ năng mềm bên cạnh kỹ năng chuyên môn; tích cực, chủ động nghiên cứu và tìm hiểu về các kỹ năng mềm thông qua việc tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, câu lạc bộ, các hoạt động chuyên đề do Nhà trường, doanh nghiệp có uy tín tổ chức

III. KẾT LUẬN      

            Với sự phát triển như vũ bão của cách mạng công nghiệp 4.0, vẫn còn rất nhiều kỹ năng quan trọng khác mà sinh viên cần trau dồi để có thể bắt nhịp được với sự cách tân. Sinh viên thời 4.0 cần phải nghĩ khác, làm khác, chứ không thể “an phận đứng nhìn”. Dù là sinh viên đang học tập tại trường, sinh viên sắp tốt nghiệp hay chuẩn bị “dấn thân” vào công việc mới, mỗi người cần tự định hướng cho mình để có thể trang bị các kiến thức, trải nghiệm quý giá, nắm bắt thời cuộc, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của thực tế sau khi ra trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Klaus Schwab, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, 2018, NXB Chính trị quốc gia

2. Nguyễn Thị Thủy, Nguyễn Thị Ngọc Anh, Định hướng bồi dưỡng kỹ năng mềm cho sinh viên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại trường đại học Hà Nội, 2019, Tạp chí khoa học số 30/2019

3. Phan Trường Nhất, Thực trạng và giải pháp đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên trường đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh, 2021, Tạp chí Khoa học, Đại học Đồng Nai, số 20- 2021

4. Trương Trần Minh Nhật, Thực trạng kỹ năng nói tiếng Anh và đề xuất một số hoạt động tự rèn luyện nói tiếng Anh ngoài lớp học cho sinh viên chuyên ngành kỹ thuật trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, 2018, Tạp chí Giáo dục số 435


Bài viết khác