Tác động từ áp lực gia đình và bạn bè đến động lực học tập của sinh viên trên địa bàn thành phố Hà Nội

1. Mở đầu

            “Áp lực ngang hàng” hay “áp lực đồng trang lứa” là một cụm từ phổ biến trong ngành giáo dục, tâm lý học, pháp luật và trong nền văn hóa ở xã hội ngày nay, đặc biệt là đối với sinh viên. Đây vẫn luôn là vấn đề lớn với mọi người ở mọi lứa tuổi trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bởi hầu như ai cũng có một nhóm bạn cùng lứa và bị ảnh hưởng bởi áp lực từ bạn bè. Bạn bè, xã hội và cả gia đình đều là yếu tố quan trọng liên quan đến những thay đổi về hành vi của giới trẻ, đặc biệt là có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến thành tích và động lực học tập của sinh viên. Phát triển về mặt tình cảm, xã hội và cả những mục tiêu trong học tập đều bị ảnh hưởng bởi nhóm đồng trang lứa (Allen & cs, 2005). Vậy có thể hiểu “áp lực đồng trang lứa” là áp lực từ những người thuộc cùng một nhóm xã hội (cùng độ tuổi, cùng lớp, cùng công ty, cùng lĩnh vực chuyên môn,...) và áp lực bản thân phải thay đổi giá trị, hành vi, suy nghĩ của mình để phù hợp với các chuẩn mực của nhóm để không có cảm giác thua kém. Nhiều kết quả tích cực được nhìn thấy do ảnh hưởng của áp lực đồng trang lứa, ví dụ như nâng cao được thành tích học tập, tạo ra động lực cho bản thân hay nhiệt tình trong hoạt động từ thiện tình nguyện và công việc công ích,... Nhưng ngược lại, mặt tiêu cực được quan sát thấy nhiều hơn, áp lực này cũng khiến nhiều người cảm thấy thua kém, tự ti, trở nên trầm tính và ngại giao tiếp với người khác hay cố thử làm những thứ bản thân không thích vì cảm giác sợ mình sẽ bị tụt lại và bỏ lỡ điều mà mọi người đều đang làm. Sự phát triển của con người bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những người gần gũi với họ. Cụ thể, thành tích học tập còn được cho là tương quan với sự hỗ trợ của cha mẹ, giáo viên và nhóm cùng chơi của thanh thiếu niên ảnh hưởng đến kết quả của họ (Chen, 2008).

            Vì vậy, áp lực đồng trang lứa ở giới trẻ cũng có thể gián tiếp đến từ người thân hay môi trường xung quanh họ. Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá mức ảnh hưởng của áp lực đồng trang lứa từ các mối quan hệ và môi trường xung quanh đến động lực học tập của thanh thiếu niên trên địa bàn TP. Hà Nội, từ đó đưa ra cái nhìn tổng quan nhất cùng những gợi ý, giải pháp giúp gia đình và chính bản thân những sinh viên đang gặp phải có những định hướng và điều chỉnh phù hợp.

1. Tổng quan tài liệu

           Nghiên cứu của các tác giả Cui & cs. (2015) đã phân tích những ảnh hưởng gián tiếp của áp lực ngang hàng và áp lực từ phía bố mẹ đến việc định cư tại Nam Kinh, Trung Quốc sau khi tốt nghiệp đại học. Bằng việc phỏng vấn cùng với khảo sát hơn 500 mẫu số liệu, nghiên cứu đã chỉ ra được tác động trực tiếp của bố mẹ và bạn bè tới việc hình thành ý định và tác động gián tiếp bằng cách hình thành thái độ tích cực về việc ở lại thành phố. Từ đó ta thấy được tầm ảnh hưởng của áp lực ngang hàng cũng như các yếu tố tác động khác tới không chỉ việc học tập mà những vấn đề của cuộc sống như định cư, công việc, thu nhập. Tiếp đó, nghiên cứu của Hideki & cs. (2016) đã chỉ ra được những áp lực ngang hàng ở cả mặt hoạt động ngoại khóa và về phương diện học tập. Dựa trên 4187 mẫu trong 130 trường tiểu học trên toàn nước Mỹ đã chỉ ra được những mối liên hệ giữa mạng lưới bạn bè và ảnh hưởng từ mối liên hệ đó. Kết hợp giữa lý thuyết xã hội, học tập xã hội và vốn xã hội, bài nghiên cứu đã đưa ra những kết quả tương quan giữa hai loại bạn bè bao gồm bạn thân và bạn cùng hoạt động ngoại khóa dẫn đến những mặt tác động có lợi hoặc có hại mà đối tượng chịu tác động trực tiếp tại đây chính là kết quả học tập của những học sinh có độ tuổi từ 7‐12 ‐ độ tuổi pháttriển về thể chất lẫn tinh thần và chịu nhiều tác động tới từ các yếu tố và phương diện bên ngoài. Với quy mô rộng khắp nước Mỹ, bài nghiên cứu là tiền đề cho việc phát triển lại hệ thống giáo dục cùng với việc phụ huynh, giáo viên có thể đánh giá được những tác động tương quan của việc tham gia hoạt động ngoại khóa tới việc hoàn thiện tính cách của thanh thiếu niên, cũng như đưa ra các chính sách khuyến khích con trẻ tham gia các chương trình ngoại khóa và những chính sách miễn giảm chi phí cho thanh thiếu niên hoặc loại bỏ rào cản tham gia. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Nga & Nguyễn Tuấn Kiệt (2016) chỉ ra rằng động lực học tập có thể chia thành động lực mang tính xã hội và động lực mang tính tự ý thức. Động lực tự ý thức là mong muốn khao khát chiếm lĩnh, mở rộng tri thức, say mê với việc học tập. Nó là một yếu tố tâm lý cơ bản cùng với nhận thức nó có tác động rất lớn đến hành vi. Còn động lực mang tính xã hội chính là việc bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như cha mẹ hay bạn bè.

2. Phương pháp nghiên cứu

           Để phù hợp với nhu cầu và mục đích khảo sát, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp thu thập bảng hỏi thông qua nền tảng Google. Số lượng mẫu khảo sát thu thập được là 312 mẫu. Sau quá trình lọc và đánh giá dữ liệu, số mẫu khảo sát dùng được trong nghiên cứu là 221 mẫu. Các mẫu được chọn lọc mang tính đa dạng và đại diện vì những sinh viên tham gia khảo sát là ngẫu nhiên và đến từ nhiều trường đại học khác nhau trên địa bàn TP. Hà Nội. Nghiên cứu này sử dụng mô hình PLS‐SEM (Partial Least Square‐Structural Equation Modeling) để phân tích trọng số các yếu tố tác động đến động lực học tập của sinh viên. Mô hình PLS SEM còn được gọi là mô hình đường dẫn PLS, là một phương pháp phân tích dữ liệu đa biến dựa vào phương sai.

3. Kết quả nghiên cứu

            Dữ liệu thống kê mô tả của 221 quan sát được trình bày trong Bảng 1. Dữ liệu chỉ ra rằng phần lớn tham gia khảo sát là nữ (76.92%) có độ tuổi trung bình là 19. Đa số các đối tượng nghiên cứu sống ở nông thôn với trung bình thành tích học tập khá, thường sống với bố mẹ và dành khá nhiều thời gian trên tuần với nhóm bạn cùng lứa. Trong đó có nhiều bạn sinh viên tham gia câu các lạc bộ (60.18%) cũng như đi làm thêm (69.23%). Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng thời gian các sinh viên dành cho nhóm bạn trung bình là 15.11 giờ/tuần, đây không bao gồm các giờ học trên lớp nên khoảng 15 giờ có thể coi là khá nhiều. Tiếp theo là mô tả lựa chọn của đối tượng nghiên cứu thể hiện cách giải quyết các vấn đề khi xảy ra xung đột là 1.06 tức là chọn giảng hòa. Theo đó, ta thấy được mức độ thân thiết giữa sinh viên và nhóm bạn cùng lứa: họ dành nhiều thời gian cho nhau và đa phần hướng tới giảng hòa nếu xảy ra bất kì xung đột nào.

             Phân tích PLS‐SEM về 2 yếu tố tác động đến động lực học của sinh viên cho thấy, sự so sánh của bố mẹ trong yếu tố áp lực từ gia đình dường như không mang đến ảnh hưởng gì tới động lực học của sinh viên (0.875); ngược lại, sự kỳ vọng, quan tâm của bố mẹ trong yếu tố áp lực từ gia đình lại mang ảnh hưởng lớn tới động lực học tập của họ (0.002). Bên cạnh đó, áp lực từ bạn bè là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất tới động lực học tập của họ (0.000) (Bảng 2).

             Sinh viên cảm thấy sự so sánh của bố mẹ không bị ảnh hưởng đến động lực học tập. Ngược lại, sự kỳ vọng và quan tâm của bố mẹ và áp lực từ bạn bè lại có tác động vô cùng lớn đến động lực học tập của sinh viên. Nguyên nhân bởi họ thường xuyên phải chịu tác động từ 2 yếu tố này, qua việc bố mẹ luôn đặt nhiều kỳ vọng và độ quan tâm với thành tích học tập của họ đồng thời họ luôn dành nhiều thời gian cho nhóm bạn, hay tâm sự với nhau vì vậy mà thường xuyên nhìn thấy những thành công của nhau tạo nên những áp lực vô hình.

              Bảng 3 là kết quả chạy mô hình trên phương pháp phân tích PLS‐SEM của 2 yếu tố tác động tới động lực học của sinh viên chia theo giới tính. Có thể thấy, chỉ có sự so sánh của bố mẹ trong yếu tố áp lực từ gia đình ảnh hưởng tới động lực học tập của sinh viên là nhận được kết quả khác biệt giữa 2 nhóm giới tính nam và nữ.

             Phân tích PLS‐SEM của 2 yếu tố phụ thuộc vào lực học cho thấy, sự so sánh của bố mẹ trong yếu tố áp lực từ gia đình ảnh hưởng đến động lực học tập là có sự khác nhau giữa nhóm sinh viên trung bình‐ khá và giỏi‐xuất sắc. Còn sinh viên có học lực giỏi ‐ xuất sắc lại rất nhạy cảm với việc bị so sánh, họ hay nghĩ tới điều đó và tâm lí là luôn mong muốn phải bằng hoặc hơn người hay bị so sánh cùng, vì thế mà việc bị bố mẹ so sánh có tác động lớn tới động lực học tập của họ (Bảng 4).

             Đánh giá việc tác động của yếu tố gia đình và bạn bè lên các nhóm sinh viên tại hai vùng nông thôn và thành phố, tuy có áp lực giữa hai nhóm này tác động lên sinh viên, nhưng sự khác biệt giữa nhóm sinh viên đến từ thành phố và nhóm sinh viên đến từ nông thôn là không có. Nguyên nhân ở đây là các thiết bị giảng dạy cũng như chất lượng bài giảng cùng trình độ giảng viên càng được nâng cao; sinh viên tới từ nông thôn sẽ không lo lắng về việc phải làm quen với điều kiện học tập mới, nên việc phát triển đồng đều dẫn đến áp lực từng vùng cũng sẽ cân bằng như nhau và không tạo ra sự chênh lệch (Bảng 5).

             Phân tích PLS SEM để đánh giá tác động của 2 yếu tố tới động lực học tập của sinh viên và đưa ra kết luận: Áp lực từ bạn bè là yếu tố tác động nhiều nhất tới động lực học tập; còn ít tác động tới động lực học tập là sự so sánh của bố mẹ trong yếu tố áp lực từ gia đình. Bên cạnh đó, việc phân tích sự khác biệt của các yếu tố khi chia theo các yếu tố giới tính, học lực và nơi sinh sống giúp nghiên cứu có thể đề xuất các giải pháp phù hợp nhất cho từng nhóm đối tượng liên quan nhằm giảm bớt áp lực và tăng động lực học cho sinh viên. Bản thân sinh viên cũng là một yếu tố quan trọng giúp họ thoát dần khỏi những áp lực đồng trang lứa và thúc đẩy động lực học tập của họ. Họ nên trân trọng bản thân, có mục tiêu rõ ràng và hiểu rõ giớihạn của mình thay vì đuổi theo ranh giới của người khác. Ngoài ra, luôn có sự lựa chọn riêng cho bản thân và tôn trọng lực chọn của người khác./.

Tài liệu tham khảo

1. Allen, J. P., Porter, M. R., McFarland, F. C., Marsh, P., & McElhaney, K. B. (2005). The two faces of ado‐ lescents' success with peers: Adolescent popularity, social adaptation, and deviant behavior. Child Development, 76(3), 747‐760.

2. Ca, N. Đ., Khang, N., Anh, H. T. M., Dương, P. N., & Giang, N. H. (2021). Tự điều chỉnh động lực trong học tập của sinh viên. Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, 46, 31‐35.

3. Can Cui, Stan Geertman, Pieter Hooimeijer (2016). The mediating effects of parental and peer pressure on the migration intentions of university graduates in Nanjing, Habitat International, 57, 100‐109.

4. Chen, J. J. L. (2008). Grade‐level differences: Relations of parental, teacher and peer support to academic engagement and achievement among Hong Kong students. School Psychology International, 29(2), 183‐198.

5. Hideki F., Yoshinori K., M., (2021). Peer effects of friend and extracurricular activity networks on stu‐ dents’ academic performance, Social Science Research, 97, 102560.

6. Nga, H. T. M., & Kiệt, N. T. (2016). Phân tích các nhân tố tác động đến động lực học tập của sinh viên kinh tế Trường Đại học Cần Thơ. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, (46), 107‐115.


Bài viết khác