Thị trường chứng khoán phái sinh và những điều cần biết

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

           Với hơn 17 năm ra đời thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã thiết lập được một thị trường chứng khoán cơ sở tương đối vững chắc, làm nền tảng để triển khai thị trường chứng khoán phái sinh. Việc ra đời các sản phẩm chứng khoán phái sinh sẽ tạo luồng gió mới cho thị trường, thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

           Bên cạnh đó, triển khai thị trường chứng khoán phái sinh không chỉ giúp nhà đầu tư giảm thiểu các rủi ro trong quá trình đầu tư, mà còn hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp huy động vốn qua TTCK. Trong những năm qua, vì thị trường chứng khoán phái sinh chưa đủ điều kiện chín muồi để triển khai, nên mỗi khi thị trường biến động đã khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT), thậm chí là các NĐT tổ chức phải bán tháo, cắt lỗ.

           Việc thiếu những công cụ phòng vệ rủi ro cộng với tâm lý đám đông vẫn chi phối mạnh trên TTCK Việt Nam, khiến cho những biến động trên thị trường bị khuyếch đại nhiều lần. Điểm yếu này không những làm thiệt hại cho NĐT, mà còn khiến tổ chức phát hành khó huy động vốn trên thị trường... Những hạn chế này theo các chuyên gia, các nhà nghiên cứu sẽ được giảm thiểu khi vận hành thị trường chứng khoán phái sinh.

           Định hướng cho các bước chuẩn bị về pháp lý hình thành thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ đề cập tại Quyết định 252/2012/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011-2020. Theo đó, Việt Nam sẽ “Xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh được chuẩn hóa theo hướng phát triển các công cụ từ đơn giản đến phức tạp; về dài hạn cần thống nhất hoạt động thị trường phái sinh có công cụ gốc là chứng khoán, hàng hóa, tiền tệ...”

           Để cụ thể hóa định hướng này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam tại Quyết định 366/QĐ-TTg ngày 11/3/2014. Nhằm đưa các nội dung của Đề án này vào triển khai trong thực tiễn, đồng thời định hình khung pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh ra đời và phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 11/2016/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định 42/2015/NĐ-CP.

II. NỘI DUNG

          Theo khoản 3 điều 3 nghị định 42/2015/NĐ-CP Thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh (gọi tắt là thị trường chứng khoán phái sinh) là địa điểm, hình thức trao đổi thông tin để tập hợp lệnh mua, bán và giao dịch chứng khoán phái sinh hoặc để thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch các chứng khoán phái sinh.

           Chứng khoán phái sinh là các công cụ tài chính mà giá trị của chúng phụ thuộc vào giá trị của một tài sản cơ sở; bao gồm: hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng hoán đổi.

           Trong đó, hợp đồng tương lai là sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên và duy nhất được niêm yết và giao dịch trên thị trường Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay với tài sản cơ sở là chỉ số VN30 Index (Chỉ số VN30 Index được tính theo phương pháp giá trị vốn hóa thị trường , bao gồm 30 cổ phiếu thành phần, đại diện cho hoạt động của 30 công ty được niêm yết trên sàn HOSE, chiếm khoảng 80% tổng giá trị vốn hóa và 60% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường).

           Hợp đồng tương lai là chứng khoán phái sinh niêm yết, trong đó xác nhận cam kết giữa các bên để thực hiện một trong các giao dịch sau: mua hoặc bán một số lượng tài sản cơ sở nhất định theo một mức giá đã được xác định vào một ngày đã được ấn định trước trong tương lai; hoặc thanh toán khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã xác định trước tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở tại một ngày được ấn định trước trong tương lai.

2.1. Tham gia thị trường chứng khoán phái sinh như thế nào

Bước 1: Mở tài khoản giao dịch

           Nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch và tài khoản bù trừ tại thành viên giao dịch (là công ty chứng khoán) Hiện có 7 Thành viên nhà đầu tư có thể mở tài khoản giao dịch là: SSI, HSC, MBS, VND, Bản Việt, VPBS, CK Ngân hàng đầu tư.

Bước 2: Nộp ký quỹ

           Trước khi giao dịch, nhà đầu tư nộp ký quỹ ban đầu (có thể bằng tiền mặt hoặc chứng khoán) cho thành viên giao dịch với mức ký quỹ và tài sản ký quỹ theo quy định và yêu cầu của Thành viên

           Ký quỹ trong giao dịch chứng khoán phái sinh đóng vai trò như một khoản đặt cọc để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của hai bên khi tham gia hợp đồng. Nhà đầu tư không có đủ số tiền ký quỹ như yêu cầu có thể bị gọi ký quỹ, và phải nộp đầy đủ ký quỹ để có thể tiếp tục nắm giữ vị thế đối với Hợp đồng tương lai. 

Bước 3: Thực hiện giao dịch

           Nhà đầu tư đặt lệnh giao dịch. Số lượng ký quỹ ban đầu phải tương ứng với lệnh đặt, đồng thời phải đảm bảo nếu lệnh được khớp thì tổng số vị thế nắm giữ của nhà đầu tư sẽ không vượt quá giới hạn vị thế. Theo quy định hiện tại giới hạn lệnh tối đa là 500 hợp đồng/ lệnh, giới hạn vị thế tối đa với nhà đầu tư cá nhân là 5000 hợp đồng, tổ chức là 10.000 hợp đồng.

           Lệnh giao dịch của nhà đầu tư sẽ được chuyển vào Hệ thống giao dịch Chứng khoán Phái sinh của Sở giao dịch Chứng khoán Hà nội. Sau khi được thực hiện thành công, lệnh sẽ chuyển qua real time qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán để thanh toán ngày trong giờ giao dịch.

Bước 4: Thanh toán vào cuối ngày

           Cuối giờ giao dịch hàng ngày, tài khoản của nhà đầu tư sẽ được hạch toán lãi/lỗ.

     Nếu tài khoản chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư lỗ ròng: nhà đầu tư sẽ phải thanh toán đầy đủ toàn bộ số lỗ phát sinh chậm nhất đến 9h sáng ngày hôm sau;

     Nếu tài khoản chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư lãi ròng: nhà đầu tư sẽ nhận được đầy đủ số lãi phát sinh sau 11h sáng ngày hôm sau.    

     Riêng đối với các hợp đồng tương lai chỉ số đến ngày đáo hạn, lãi/lỗ sẽ được tính toán dựa trên giá đóng cửa của chỉ số tại ngày đáo hạn của hợp đồng tương lai đó. 

Bước 5:  Theo dõi các loại tỷ lệ

           Nhà đầu tư phải lưu ký theo dõi Tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ và Tỷ lệ tài khoản phái sinh để luôn quản lý tài khoản của mình chủ động, tránh trường hợp để tỷ lệ lên quá cao vượt ngưỡng quy định và bị đóng vị thế bắt buộc.

2.2. Cơ hội và rủi ro đối với nhà đầu tư

2.2.1. Cơ hội

Thứ nhất, có thêm công cụ để kiếm lời

          Trong đầu tư luôn có phương châm không nên để trứng trong cùng một giỏ cho nên nó sẽ là công cụ để nhà đầu tư có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư để phân tán được rủi ro. Hơn thế nữa thị trường chứng khoán phái sinh còn là kênh đầu tư mới có nhiều cơ hội tìm kiếm lợi nhuận bởi từ lúc chính thức mở cửa giao dịch đến nay chưa được 1 năm (10/8/2017)

Thứ hai, chứng khoán phái sinh có tỷ lệ đòn bẩy cao

           Với đặc trưng của sản phẩm phái sinh là chi phí để sở hữu chúng thường thấp hơn giá trị của tài sản cơ sở rất nhiều, nhưng sản phẩm phái sinh lại cho phép người dùng ghi nhận lợi nhuận hệt như đang nắm giữ tài sản cơ sở (tại thời điểm hợp đồng phái sinh đáo hạn, hoặc bên có nghĩa vụ thực hiện thanh lý hợp đồng). Theo đó, nhà đầu tư chỉ cần sở hữu 100 sản phẩm phái sinh (giả sử có tổng chi phí sở hữu bằng một tài sản cơ sở) là có thể mang lại lợi nhuận tương đương với việc nắm giữ 100 tài sản cơ sở. Trong khi đó, đối với các thị trường khác để có thể kiếm được lợi nhuận từ 100 sản phẩm thì nhà đầu tư cần phải bỏ ra số tiền tương đương với 100 sản phẩm để nắm giữ nó.

 

Thứ ba, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận khi thị trường giảm điểm

           Hiện tại trên thị trường chứng khoán cơ sở, nhà đầu tư đang không có công cụ để tìm kiếm lợi nhuận khi thị trường giảm điểm. Tuy nhiên, với hợp đồng tương lai, nhà đầu tư hoàn toàn có thể thực hiện được việc này. Nhà đầu tư có thể tham gia vào vị thế bán hợp đồng tương lai bất kỳ lúc nào với điều kiện duy nhất cần đáp ứng là nộp đủ số lượng ký quỹ yêu cầu trước khi tham gia hợp đồng. Khi chỉ số giảm đúng như dự đoán, nhà đầu tư sẽ có được lợi nhuận từ giao dịch bán hợp đồng tương lai của mình.

2.2.2. Rủi ro

Thứ nhất, thị trường mới tiềm ẩn nhiều rủi ro

           Thị trường chứng khoán phái sinh còn rất non trẻ ở Việt Nam. Vì thế, cần thêm thời gian để có thể hoàn thiện hệ thống, luật pháp, cơ sở hạ tầng, đào tạo kiến thức cho nhà đầu tư.

           Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam hiện còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực và thế giới. So với giá trị vốn hóa toàn thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ tương đương 0,09%. Quy mô thị trường vốn so với nền kinh tế cũng nằm trong nhóm thấp nhất, với tỷ số thị trường vốn so với GDP đạt 33,7%. Do đó, nên tính thanh khoản chưa hấp dẫn dòng vốn của nhóm nhà đầu tư tổ chức lớn, nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, con dao hai lưỡi

           Như đã đề cập ở trên, lợi thế của việc tham gia vào thị trường chứng khoán phái sinh là nhà đầu tư có thể dùng đòn bẩy để mua chứng khoán phái sinh là hợp đồng tương lai. Tuy nhiên, đây cũng là một con dao hai lưỡi. Nếu giá của hợp đồng tương lai mà nhà đầu tư đã giao dịch biến động theo chiều hướng có lợi, nhà đầu tư sẽ ghi nhận một khoản lời lớn. Tuy nhiên, nếu giá hợp đồng tương lai biến động theo chiều hướng bất lợi, nhà đầu tư sẽ thua lỗ lớn.

           Nếu khoản tiền ký quỹ trong tài khoản của nhà đầu tư giảm xuống dưới mức yêu cầu mà nhà đầu tư không ký quỹ bổ sung kịp thời, CTCK sẽ buộc phải đóng bớt một phần hoặc toàn bộ vị thế hợp đồng đang nắm giữ của nhà đầu tư. Tài khoản nhà đầu tư có thể sẽ ghi nhận một khoản lỗ lớn có thể cao hơn mức ký quỹ ban đầu mà nhà đầu tư đã nộp vào trước khi giao dịch, thậm chí mất trắng khoản ký quỹ ban đầu.

Thứ ba, thị trường chứng khoán phái sinh chịu ảnh hưởng rất lớn của thị trường chứng khoán cơ sở

           Điều này cũng dễ hiểu bởi tài sản cơ sở của hợp đồng tương lai là chỉ số VN30 Index nên trên lý thuyết biến động giá của hợp đồng tương lai sẽ cùng hướng biến động của chỉ số VN30

III. KẾT LUẬN

          Như vậy, song hành với cơ hội là rủi ro đặc biệt thị trường chứng khoán phái sinh có độ rủi ro rất cao vì hợp đồng dựa vào những thời điểm trong tương lai. Những đặc điểm này sẽ thích hợp cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp hơn là những nhà đầu tư “ăn xổi”. Vì thế, nhà đầu tư cần đi từng bước tương đối, thận trọng khi tham gia.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bùi Nguyên Hoàn, (2013), Thị trường chứng khoán phái sinh, NXB Từ điển bách khoa

2. Nghị định số:  42/2015/NĐ-CP

3. Thông tư 11/2016/TT-BTC

4. Website: www.Tapchitaichinh.vn, “Rong chơi” thị trường chứng khoán phái sinh

.

 

 

 

 

 


Bài viết khác