Các điều kiện cơ bản để thực hiện thành công chuyển đổi số trong giáo dục đại học

Xác định được tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới, ngày 03/06/2020 thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định số 749/QĐ- TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030’. Theo đó giáo dục là một trong những ngành sẽ được ưu tiên chuyển đổi số trước, với mục tiêu đến năm 2025 và định hướng đến 2030 “100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học”. Mặt khác, trước bối cảnh đại dịch Covid 19 vẫn diễn biến phức tạp, khiến cho mọi lĩnh vực công tác, kinh tế ngành nghề bị thiệt hại không nhỏ thì ngành giáo dục cũng không là ngoại lệ. Điều này, đòi hỏi giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng phải lập tức hành động nếu không nguy cơ thất bại là vấn đề sớm muộn. Chuyển đổi số trở thành giải pháp sống còn để duy trì hoạt động liên tục của nhà trường, để đảm bảo giảng đường có thể đóng cửa, nhưng sinh viên không thể dừng học tập. Tuy nhiên, để quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học có thể gặt hái được những thành công như mong đợi, thì đòi hỏi giáo dục đại học cần đáp ứng các điều kiện cơ bản sau đây:

 (1) Xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số trong giáo dục đại học.

Hành lang pháp lý nói chung và hành lang pháp lý trong giáo dục đại học nói riêng được xem là yếu tố “then chốt” để thực hiện chuyển đổi số, vì vậy Nhà nước cần nghiên cứu để xây dựng, ban hành hệ thống pháp lý phù hợp, giúp quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học diễn ra 1 cách thuận lợi nhất. Bởi nếu không có khung pháp lý hoặc khung pháp lý không đầy đủ thì mỗi trường sẽ thực hiện theo mỗi phương thức khác nhau, không theo một khuôn khổ nào từ tuyển sinh, tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá cho đến cấp văn bằng, chứng chỉ. Do đó, các quy định về giảng dạy, tiêu chuẩn khung của giảng viên giảng dạy trực tuyến, kiểm tra, đánh giá người học trực tuyến cần được thể hiện rõ ràng, đầy đủ trong các văn bản pháp lý và yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học phải nghiêm túc thực hiện. 

Ngoài ra, hành lang pháp lý của chuyển đổi số trong giáo dục là các chính sách liên quan đến học liệu như sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả; liên quan đến chất lượng việc dạy học trên môi trường mạng như an toàn thông tin mạng; liên quan đến chính trị, tư tưởng, đạo đức người dạy, người học như bảo vệ thông tin cá nhân, an ninh thông tin trên môi trường mạng; và các quy định liên quan đến điều kiện tổ chức dạy - học trên mạng, kiểm định chất lượng, tính pháp lý và công nhận kết quả khi dạy - học trực tuyến. Hệ thống dữ liệu, các nền tảng công nghệ phục vụ hoạt động chuyển đổi số thường chứa nhiều lỗ hổng cho tội phạm xâm nhập, tấn công. Do đó, Nhà nước phải ban hành các văn bản pháp lý chặt chẽ và nghiêm minh để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khi chuyển đổi số hoạt động giáo dục đại học.

 (2)  Thay đổi tư duy và năng lực quản lý

CĐS tác động tới nhiều bên liên quan khác nhau, trong đó trực tiếp và chịu tác động lớn nhất là người học và giảng viên, tiếp theo là đội ngũ cán bộ quản lý, phục vụ hỗ trợ, đây chính là những người sẽ trực tiếp thao tác, vận hành hệ thống. Các cơ sở giáo dục đại học cần xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, diễn ra với tốc độ rất nhanh, do đó cần có sự chuẩn bị, đầu tư xứng tầm, tạo sức mạnh cộng hưởng và quyết tâm cao.

Để vận hành một hệ thống tích hợp phần cứng, phần mềm, quản lý người học trên không gian ảo đòi hỏi lãnh đạo nhà trường, nhất là người đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học phải đổi mới tư duy, nâng cao năng lực quản lý theo hướng thích nghi và làm chủ được quá trình chuyển đổi số. Lãnh đạo cần tranh thủ thời cơ, nắm bắt cơ hội khi thực hiện chuyển đổi số, trang bị thêm kiến thức về chuyển đổi số để triển khai thực hiện trong chính cơ sở của mình. Đồng thời, các cơ sở giáo dục đại học cũng cần cơ cấu lại đội ngũ nhân sự sao cho phù hợp với mục tiêu chuyển đổi số, cần tiến hành giảm bớt các vị trí việc làm hành chính, tăng cường đội ngũ kỹ thuật viên phục vụ đào tạo trực tuyến.

(3) Đảm bảo về cơ sở hạ tầng

Hạ tầng số là yếu tố cơ bản quyết định khả năng thành công của CĐS trong giáo dục đại học. Hạ tầng số bao gồm hạ tầng vật lý và hạ tầng logic. 

+ Hạ tầng vật lý bao gồm mạng lưới kết nối, băng thông mạnh, phương thức sư phạm hiện đại, nghiên cứu khoa học, trải nghiệm người học và quan trọng hơn hết là các công cụ/nền tảng hỗ trợ triển khai. 

+ Hạ tầng logic chính là dữ liệu. 

Việc đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật chuyển đối số yêu cầu các trường đại học phải nhanh chóng xây dựng hạ tầng công nghệ, trang thiết bị cần thiết cho cả người học, người dạy và người tham gia quản lý. Không chỉ là các thiết bị phần cứng như hệ thống máy móc, đường truyền internet mà còn là các ứng dụng phần mềm, các nền tảng để toàn bộ mọi hoạt động giáo dục có thể diễn ra một cách thuận lợi trên các nền tảng và ứng dụng đó. Để làm được điều này, các cơ sở giáo dục đại học phải chủ động kết nối các chương trình, phần mềm riêng lẻ lại với nhau để tạo thành một nền tảng thống nhất, cho phép hoạt động giảng dạy, quản lý, học tập, kiểm tra, thi cử, đánh giá, quản lý người học diễn ra thuận lợi. 

Mặt khác, để chuyển đổi số giáo dục trong quá trình học tập – giảng dạy trở nên linh hoạt hơn, học liệu mở là một trong những ưu tiên quan trọng. Các cơ sở giáo dục đại học cần đẩy mạnh phát triển học liệu mở để đảm bảo người học được tiếp cận đầy đủ nguồn học liệu khi đào tạo trực tuyến. Khi xây dựng được nguồn học liệu số hóa thì dù ở đâu, thời gian nào, việc học tập cũng không bị gián đoạn. Thông qua phát triển kho tài nguyên dữ liệu, học viên và giảng viên có thể dễ dàng truy cập vào ‘thư viện số” của trường để tiếp cận với những nguồn tài liệu nhanh chóng, tiết kiệm và kịp thời.  

 (4) Kỹ năng sử dụng công nghệ của giảng viên và sinh viên. 

- Giảng viên là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của quá trình CĐS. Đội ngũ giảng viên cần được trang bị kỹ năng về công nghệ và phương pháp sư phạm để thực hiện CĐS, bao gồm phương pháp giảng dạy theo tiếp cận mới, phương thức vận hành các công cụ/môi trường số, cách thức biên soạn tài liệu số, xây dựng bài giảng tương tác.... Để thực hiện được điều này, các trường đại học nên mở các lớp đào tạo cho đội ngũ giảng viên, cán bộ về cách thức vận hành, hoạt động trong môi trường số. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các khóa huấn luyện gắn giảng dạy với công nghệ; giảng dạy theo mô hình hỗn hợp; hay huấn luyện sử dụng công cụ và nền tảng số… Ngoài ra, nhà trường có thể tham gia mở chương trình tu nghiệp, đưa giảng viên đi học tập, trải nghiệm ở các đơn vị công nghệ trong và nước ngoài trong khuôn khổ dự án Dự án hợp tác đổi mới giáo dục đại học (PHER)

Mặt khác, một trong những trở ngại lớn nhất của tiến trình CĐS là sự chậm trễ hoặc không thích ứng kịp thời với các thay đổi: giảng viên không sẵn sàng thay đổi phương pháp sư phạm, cán bộ không thích ứng với quy trình làm việc số… Sợ thay đổi là vấn đề muôn thuở, thay đổi trong thời đại công nghệ lại càng đáng sợ hơn vì sự thiếu hụt kiến thức/kỹ năng công nghệ, thiếu tự tin với quy trình số.
Chính vì vậy, huấn luyện cách vận hành, sử dụng và tiếp cận công nghệ là chìa khóa tối quan trọng để vượt qua nỗi sợ đó. Các khóa huấn luyện cần đáp ứng riêng cho từng đối tượng, độ tuổi, cấp độ, nhóm tư duy; không nên gom chung tất cả vào cùng một khóa học, đặc biệt là với các trường không thuộc mảng công nghệ.

- Đồng thời, vốn đã quen với mô hình học tập truyền thống, khi bước vào chuyển đổi số người học sẽ phải cần thời gian nhất định để thích nghi. Sự sẵn sàng tiếp nhận từ phía người học có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả của quá trình chuyển đổi số hoạt động giáo dục đại học. Các trường đại học cũng cần bắt tay vào xây dựng văn hóa giáo dục số gồm những vấn đề về thái độ học tập, hiểu biết về đạo đức học thuật, tính tự giác, ý thức học tập của người học. Phải làm cho người học ý thức được trách nhiệm của mình trong đào tạo trực tuyến. Để giúp người học thành thạo trong học trực tuyến, các trường đại học nên tổ chức các khóa tập huấn về phương pháp truy cập, tham gia học tập, tìm kiếm tài liệu trên không gian ảo. Các buổi tập huấn này sẽ bổ trợ hữu ích cho người học trong thời gian đầu tham gia đào tạo trực tuyến. Hoặc xây dựng câu lạc bộ ngoại khóa, phổ cập kiến thức công nghệ cần thiết cho người học.

Mặc khác, các cơ sở giáo dục đại học cần phải xây dựng các quy định bắt buộc người học phải tuân thủ khi tham gia ở môi trường giáo dục chuyển đổi số. Các quy định này không chỉ trong thời gian học mà còn là các quy định về đăng ký môn học, đánh giá, kiểm tra, thi cử. 

Như vậy, có thể thấy chuyển đổi số trong giáo dục đại học là một lựa chọn đúng đắn và khả dĩ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ và xã hội luôn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn như dịch bệnh Covid-19. “Các điều kiện cơ bản để thực hiện thành công chuyển đổi số trong giáo dục đại học” trên đây sẽ giúp các cơ sở giáo dục đại học xây dựng được nền tảng vững chắc trong chuyển đổi số theo những mục tiêu đề ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đỗ Thị Ngọc Quyên (2021), Chuyển đổi số trong giáo dục: Những thách thức và nguy cơ. 

https://tiasang.com.vn/giao-duc/chuyen-doi-so-trong-giao-duc-nhung-thach-thuc-va-nguy-co-26836/

  1. Thủ tướng chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ- TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030’.

  2. Vũ Hải Quân (2021), Chuyển đổi số trong giáo dục đại học, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh 

https://vnuhcm.edu.vn/tin-tuc_32346864/chuyen-doi-so-trong-giao-duc-dai-hoc/343137306864.html


Bài viết khác