Những điều cần biết về EVFTA

ThS. Bành Thị Vũ Hằng

Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh

          Trải qua gần 30 năm hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), EU đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Trung Quốc) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Hoa Kỳ) của Việt Nam. Việc hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu-  EU (gọi tắt là EVFTA) được Nghị viện Châu Âu chính thức bỏ phiếu thông qua vào ngày 12/02/2020 là một sự kiện quan trọng, tạo ra một bước ngoặt lớn trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. Đây là hiệp định đầu tiên của EU với một nước đang phát triển trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Những mốc thời gian chính

Tháng 10 năm 2010: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

Tháng 12 năm 2015: Kết thúc đàm phán và bắt đầu rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định. 

Ngày 17/10/2018: Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA.

Ngày 30/6/2019: Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA.

Ngày 21/1/2020: Ủy ban Thương mại Quốc tế Liên minh châu Âu thông qua khuyến nghị phê chuẩn EVFTA.

Tháng 2/2020: Nghị viện Châu Âu phê chuẩn hiệp định

Ngày 30/3/2020:  Hội đồng châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA

Ngày 8/6/2020) tại kỳ họp thứ 9, quốc hội khóa 14, Quốc hội nước CHXH Việt Nam đã thông qua nghị quyết phê chuẩn hiệp định EVFTA và hiệp định đã có hiệu lực ngay sau đó 2 tháng (tức là vào tháng 8/2020).

Nội dung tóm lược một số vấn đề chính trong EVFTA:

1. Thương mại hàng hóa

Đối với xuất khẩu của Việt Nam:

- EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU;

- Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% sốdòng thuếtrong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuấtkhẩu của Việt Nam vào EU.

          Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại (bao gồm: 1 sốsản phẩm gạo,ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao, tinh bột sắn, cá ngừ đóng hộp), EU cam kết mởcửa cho Việt Nam theohạn ngạch thuế quan (TRQs) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

          Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.

Đối với hàng xuất khẩu của EU:

- Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan ngay sau khi EVFTA có hiệu lực cho hàng hóa của EU thuộc 48,5% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam;

- Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết xóa bỏ 91,8% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam;

- Trong vòng 10 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ khoảng 98,3% số dòng thuế trong biểu thuế, chiếm 99,8% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam.

- Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam cam kết dành hạn ngạch thuế quan như cam kết WTO, hoặc áp dụng lộ trình xóa bỏ đặc biệt (như thuốc lá, xăng dầu, bia, linh kiện ô tô, xe máy).

2. Thương mại dịch vụ và đầu tư

          Cam kết của Việt Nam và EU trong EVFTA về thương mại dịch vụ đầu tư hướng tới việc tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên, trong đó:

- Cam kết của EU cho Việt Nam: Cao hơncam kết của EU trong WTO vàtương đương với mức cao nhất của EU trong các FTA gần đây của EU

- Cam kết của Việt Nam cho EU:Cao hơn cam kết của Việt Nam trongWTO và ít nhất là ngang bằng với mức mở cửa cao nhất mà Việt Nam cho các đối tác khác trong các đàm phán FTA hiện tại của Việt Nam (bao gồm cả CPTPP);

- Việt Nam cũng cam kết một loạt các quy tắc ràng buộc liên quan đến các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, viễn thông, vận tải biển và bưu chính.

3. Mua sắm của Chính phủ

- Hiệp định EVFTA bao gồm các nguyên tắc về mua sắm của Chính phủ (đấu thầu công) tương đương với quy định của Hiệp định mua sắm của Chính phủ của WTO (GPA).

- Với một số nghĩa vụ như đấu thầu qua mạng, thiết lập cổng thông tin điện tử để đăng tải thông tin đấu thầu…: Việt Nam sẽ thực hiện theo lộ trình; EU cũng cam kết dành hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thực thi các nghĩa vụ này.

- Việt Nam bảo lưu có thời hạn quyền dành riêng một tỷ lệ nhất định giá trị các gói thầu cho nhà thầu, hàng hóa, dịch vụ và lao động trong nước.

4. Sở hữu trí tuệ

          Cam kết về sở hữu trí tuệ gồm cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý, v.v. Về cơ bản, các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

5. Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và trợ cấp

- Về doanh nghiệp nhà nước (DNNN):

          Hai Bên thống nhất về các nguyên tắc đối với các DNNN; các nguyên tắc này, cùng với các nguyên tắc về trợ cấp, hướng tới việc bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DNNN và doanh nghiệp dân doanh khi các DNNN tham gia vào các hoạt động thương mại.

- Đối với các khoản trợ cấp trong nước: Sẽ có các quy tắc về minh bạch và có thủ tục tham vấn.

6. Thương mại điện tử

- Để phát triển thương mại điện tử giữa Việt Nam và EU, hai bên cam kết không đánh thuế nhập khẩu đối với giao dịch điện tử.

- Hai bên cũng cam kết hợp tác thông qua việc duy trì đối thoại về các vấn đề quản lý được đặt ra trong thương mại điện tử.

- Hai bên cũng sẽ hợp tác trao đổi thông tin về quy định pháp luật trong nước và các vấn đề thực thi liên quan.

7. Minh bạch hóa

          Xuất phát từ thực tiễn môi trường pháp lý trong nước có ảnh hưởng lớn đến thương mại, Hiệp định EVFTA dành một chương riêng về minh bạch hóa với các yêu cầu chung nhất để đảm bảo một môi trường pháp lý hiệu quả và có thể dự đoán được cho các chủ thể kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

8. Thương mại và phát triển bền vững

EVFTA bao gồm một chương khá toàn diện về thương mại và phát triển bền vững, bao gồm một số nội dung quan trọng như:

- Cam kết thực thi hiệu quả các tiêu chuẩn cơ bản của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), các Công ước của ILO (không chỉ các Công ước cơ bản), các Hiệp định Đa phương về Môi trường mà mỗi Bên đã ký kết/gia nhập;

- Cam kết gia nhập/ký kết các Công ước cơ bản của ILO mà mỗi Bên chưa tham gia;

- Cam kết sẽ không vì mục tiêu thu hút thương mại và đầu tư mà giảm bớt các yêu cầu hoặc phương hại tới việc thực thi hiệu quả các luật về môi trường và lao động trong nước;

- Thúc đẩy Trách nhiệm xã hội (CSR) của doanh nghiệp, có dẫn chiếu tới các thông lệ quốc tế về vấn đề này;

- Một điều khoản về biến đổi khí hậu và các cam kết bảo tồn và quản lý bền vững đa dạng sinh học, rừng và đánh bắt cá.

- Các cơ chế tăng cường sự tham gia của xã hội dân sự.

- Các điều khoản tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình.

9. Các nội dung khác của Hiệp định EVFTA

          Hiệp định EVFTA cũng bao gồm các Chương liên quan tới hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế, chính sách cạnh tranh và trợ cấp. Các nội dung này phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam, tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên tăng cường hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của thương mại và đầu tư giữa hai bên.

Một số triển vọng từ EVFTA trong thời gian tới

- Thứ nhất: Cơ hội đa dạng hóa thị trường và đối tác. Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ, v.v. là rất đáng kể.  Đồng thời, cơ hội tiếp cận vào tất cả quốc gia thành viên của EU sẽ rộng mở thay vì chỉ có cơ hội tập trung vào một số quốc gia như hiện nay. Như vậy, có thể thấy, mức cam kết trong EVFTA là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

- Thứ hai: Tạo ra “cú huých” cho hàng xuất khẩu của Việt Nam: Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).

- Thứ tư: Tạo chỗ đứng vững chắc hơn cho doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường EU và ngược lại. Với những cam kết về dịch vụ - đầu tư, mua sắm chính phủ cũng như những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể cũng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận được thuận lợi hơn thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, đồng thời giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng…

- Thứ  năm: Thúc đẩy hoạt động đầu tư. Với những cam kết về quản trị nhà nước sẽ đảm bảo một môi trường kinh doanh và pháp lý ổn định, thông thoáng cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư của cả hai bên.

Thành quả sau 1 năm EVFTA có hiệu lực

          Ngày 27/10, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn thương mại Việt Nam-EU 2021 với chủ đề “EVFTA - Sức bật cho hợp tác thương mại đầu tư trong bối cảnh bình thường mới”, Bộ Công Thương cho biết, trải qua hơn một năm thực thi hiệp định EVFTA trao đổi thương mại song phương giữa hai bên đã có những tăng trưởng tích cực. Cụ thể: theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU sau một năm thực thi hiệp định đạt 54,87 tỷ USD, tăng 12,1% so với giai đoạn cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 38,48 tỷ USD, tăng 11,3% và kim ngạch nhập khẩu đạt 16,39 tỷ USD, tăng 14,04%.

          Mặc dù Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do đợt dịch thứ 4 bùng phát tại vùng xuất khẩu trọng điểm phía Nam, 9 tháng năm 2021, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU vẫn ghi nhận sự tăng trưởng khả quan, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch, với kim ngạch đạt 41,3 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu đạt 28,85 tỷ USD, tăng 11,7% và nhập khẩu đạt 12,4 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2020.

          Đặc biệt, ngày càng nhiều doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định EVFTA qua việc sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi.

          Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong năm đầu tiên thực thi hiệp định, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp khoảng 207.682 chứng nhận C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch đạt khoảng 7,71 tỷ USD đi 27 nước EU.

          Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 6.115 lô hàng được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên mịnh Châu Âu http://evfta.moit.gov.vn/

2. Vân Chi (2021) EVFTA: Nền tảng vững chắc, tạo sức bật mạnh mẽ cho thương mại đầu tư Việt Nam-EU https://baoquocte.vn/evfta-nen-tang-vung-chac-tao-suc-bat-manh-me-cho-thuong-mai-dau-tu-viet-nam-eu-163070.html?fbclid=IwAR0ZfTn-Pe-wYYgrnjoldkGApNT8fnDkhB1-HBHzjZHzR9gEUxqe8MbAtBA

3. Hiệp định EVFTA thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang EU https://laodong.vn/kinh-te/hiep-dinh-evfta-thuc-day-xuat-khau-hang-hoa-sang-eu-967875.ldo?fbclid=IwAR3eTIB_IWnFGRYoLnuRD3K5HyL6kEvzPq2FduvJp0_kGaZCD-763XVrwcQ


Bài viết khác