PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ DU LỊCH TẠI NGHỆ AN TRONG GIAI ĐOẠN 2018 - 2022

Nghệ An được ví như “Việt Nam thu nhỏ” với địa hình đa dạng, có biển đảo, đồng bằng, trung du và miền núi; là điều kiện và cơ hội để phát triển ngành du lịch khởi sắc trong thời gian tới. . Tài nguyên du lịch thiên nhiên của Nghệ An rất đa dạng, phong phú với bờ biển dài (82km; nhiều hang động, thác nước thu hút khách du lịch như Hang Bua, Thẩm Ồm, Thẩm Chàng (huyện Quỳ Châu), thác Khe Kèm (huyện Con Cuông), thác Sao Va, thác Bảy tầng (huyện Quế Phong), đỉnh Puxailaileng, cổng trời Mường Lống (huyện Kỳ Sơn), rừng săng lẻ (huyện Tương Dương), đảo chè Thanh Chương... Nghệ An có khu dự trữ sinh quyển thế giới nằm ở vùng miền Tây, được UNESCO chính thức công nhận vào năm 2007 và là Khu dự trữ sinh quyển thế giới được công nhận thứ 6 của Việt Nam. Nghệ An còn là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời và truyền thống đấu tranh cách mạng với trên 2.000 di tích lịch sử danh thắng; trong đó có 147 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Với những lợi thế đó, Nghệ An đã  nhận thức và đánh giá đúng đắn về vai trò của dịch vụ du lịch đối với sự phát triển du lịch nói riêng và nâng cao mức sống của người dân nói chung, trong những năm qua các hoạt động dịch vụ du lịch của tỉnh Nghệ An đã ngày càng được chú trọng đầu tư phát triển. Nhiều phân ngành dịch vụ du lịch đã phát triển với quy mô lớn và tốc độ cao. Các ngành dịch vụ du lịch ngày càng trở nên quan trọng đối với du lịch của địa phương.

1. Thực trạng phát triển dịch vụ du lịch của tỉnh Nghệ An trong giai đoạn 2018 - 2022

Sự phát triển dịch vụ du lịch của tỉnh trong giai đoạn 2018 - 2022 thể hiện ở những khía cạnh cơ bản như sau:

1.1. Tỷ trọng ngành dịch vụ du lịch tỉnh Nghệ An

Theo tỷ trọng dịch vụ du lịch trong nền kinh tế tỉnh Nghệ An từ năm 2018 - 2022, có thể thấy được sự chuyển dịch mạnh mẽ trong nền kinh tế, dịch vụ du lịch đã có bước phát triển vững chắc, khẳng định được tầm quan trọng của dịch vụ du lịch trong nền kinh tế tỉnh nhà nói chung và ngành du lịch nói riêng. Tỷ trọng của ngành dịch vụ trong nền kinh tế luôn chiếm 1 tỷ trọng cao. Tuy nhiên có thể thấy trong giai đoạn 2018 - 2022 giá trị sản xuất của toàn tỉnh tăng liên tục qua các năm từ mức 12.270 tỷ đồng (năm 2018) đã tăng lên thành 175.740 tỷ đồng (năm 2022). Nhưng giá trị dịch vụ du lịch chỉ tăng trong 2 năm 2018 và 2019, còn từ 2020 đến 2022 đã giảm từ 7.341 tỷ đồng (năm 2020) xuống còn 5.1199 tỷ đồng (năm 2021) và 5.602 tỷ đồng (năm 2022) dẫn đến tỷ trọng dịch vụ du lịch giảm từ 6,45% (năm 2018) giảm xuống còn 3,19% (năm 2022). Điều này có thể lý giải là do đại dịch Covid 19 đã tác động nghiêm trọng đến sự phát triển của dịch vụ du lịch.

Bảng 1. Tỷ trọng ngành dịch vụ du lịch so với tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2022

                                                                           Đơn vị tính: tỷ đồng, %

 

   

Năm

2018

2019

2020

2021

2022

Giá trị dịch vụ du lịch Nghệ An

7.756

8.816

7.341

5.119

5.602

Giá trị SX tỉnh Nghệ An

120.270

132.993

144.570

155.400

175.740

Tỷ trọng dịch vụ du lịch

6,45

6,63

5,08

3,29

3,19

          Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Nghệ An năm 2018 - 2022

1.2. Sự tăng lên của dịch vụ du lịch

Có thể thấy đại dịch Covid 19 đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của dịch vụ du lịch khi giá trị dịch vụ du lịch của tỉnh năm 2022 đã giảm 2.154 tỷ đồng tương ứng giảm 27,78% so với với năm 2018. Trong khi giá trị sản xuất của tỉnh 2022 tăng 55.470 tỷ đồng tương ứng tăng 46,12% so với năm 2018.

Bảng 2. Giá trị và tốc độ tăng trưởng dịch vụ du lịch tỉnh Nghệ An

Đơn vị tính: %, tỷ đồng

Năm

Chỉ tiêu

2018

2019

2020

2021

2022

Giá trị ngành dịch vụ tỉnh Nghệ An

7.756

8.816

7.341

5.119

5.602

Tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ tỉnh Nghệ An

15,26

13,67

-16,73

-30,27

9,43

Nguồn: Niên giám thống kê Nghệ An 2018 – 2022

Giá trị dịch vụ du lịch của tỉnh liên tục giảm qua các năm đã kéo theo tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của giai đoạn 2018- 2022 giảm 1,71%/năm. Trong khi đó tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm trong giai đoạn 2018 – 2022 của tỉnh là 9,98%/năm. Như vậy, trong giai đoạn 2018 – 2022, tại tỉnh Nghệ An xét về giá trị lẫn tốc độ tăng trưởng thì GDP của toàn bộ nền kinh tế luôn cao hơn hẳn so với dịch vụ du lịch. Đây chính là thách thức đặt ra đối với việc phát triển dịch vụ du lịch của tỉnh nhà.

Đồng thời khi so sánh với các tỉnh trong khu vực, có thể thấy: mặc dù Covid 19 đã làm cho dịch vụ du lịch của tất cả địa phương trong cả nước sụt giảm nghiêm trọng, nhưng tốc độ tăng trưởng dịch vụ của tỉnh Nghệ An trong cả giai đoạn 2018 – 2022  là thấp hơn hẳn so với các tỉnh trong khu vực. Các tỉnh Bắc Trung Bộ trong đó có Nghệ An có điều kiện kinh tế, xã hội tương đương nhau, nhưng sự phát triển của dịch vụ du lịch đã hoàn toàn khác nhau. Đây là 1 thách thức lớn cần phải giải quyết của dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Bảng 3. Tốc độ tăng trưởng dịch vụ du lịch của các tỉnh Bắc Trung Bộ (2018-2022) 

Đơn vị tính:  %   

 

2018

2019

2020

2021

2022

Thanh Hóa

11,7

11,3

-13

-19,8

13,2

Nghệ An

15,26

13,67

-16,73

-30,27

9,43

Hà Tĩnh

11,8

11,9

-16,5

-16

12,2

Quảng Bình

11,5

9,6

-12,9

-25,9

8,7

Quảng Trị

9,1

9,0

-13,0

-18,6

9

Thừa Thiên Huế

12,3

12,7

-15,7

-28,8

8,8

Nguồn: Thống kê Nghệ An và các tỉnh Bắc trung bộ

1.3. Tổng giá trị của các dịch vụ du lịch

Bảng 4 cho thấy, trước khi đại dịch xảy ra, doanh thu dịch vụ lưu trú và dịch vụ ăn uống đều tăng. Cụ thể doanh thu từ dịch vụ lưu trú năm 2019 tăng 12,8% (159 tỷ đồng) so với năm 2018; Dịch vụ ăn uống cũng tăng 13,97% (889 tỷ đồng); Dịch vụ khác tăng 7,8%. Kể từ khi đại dịch xảy ra thì năm 2020 đã ghi nhận sự sụt giảm nghiêm trọng của cả ngành du lịch khiến cho doanh thu dịch vụ lưu trú giảm 42,46% so với năm 2019. Đến năm 2021 do dịch bùng phát, cả nước nói chung và ngành du lịch Nghệ An nói riêng phải tạm dừng để tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nên dịch vụ du lịch của tỉnh cũng vì thế gần như đóng băng. Năm 2021, doanh thu lưu trú đạt 528 tỷ đồng, giảm 34,49% (giảm 278 tỷ đồng so với 2020); dịch vụ ăn uống đạt 4.570 tỷ đồng giảm 1.882 tỷ đồng (giảm 29,17%); dịch vụ khác đạt 21 tỷ đồng giảm 62 tỷ đồng (giảm 74,7%). Việc sụt giảm mạnh của dịch vụ khác đặt ra một thách thức lớn cho tỉnh Nghệ An nói chung và ngành du lịch của địa phương nói riêng phải xây dựng được chiến lược phát triển số phù hợp để người tiêu dùng có thể sử dụng sản phẩm của du lịch trong bất cứ hoàn cảnh nào. Bước sang năm 2022 các dịch vụ du lịch đã có bước hồi phục, tuy nhiên vẫn đang rất thấp so với trước đại dịch.

Bảng 4. Giá trị các dịch vụ du lịch của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2022

Đơn vị: tỷ đồng

Nhóm ngành 

2018

2019

2020

2021

2022

Tổng giá trị dịch vụ du lịch tỉnh Nghệ An

7.756

8.816

7.341

5.119

5.602

Dịch vụ lưu trú

1.242

1.401

806

528

687

Dịch vụ ăn uống

6.361

7.250

6.452

4.570

4.880

Dịch vụ khác

153

165

83

21

35

Nguồn: Tác giả tổng hợp số liệu Niên giám thống kê tỉnh Nghệ An 2018 - 2022

1.4. Doanh nghiệp dịch vụ

Về số lượng doanh nghiệp dịch vụ trong giai đoạn 2018 – 2022 chỉ chiếm dưới 5% số doanh nghiệp của tỉnh. Năm 2018 cả tỉnh chỉ có 467 doanh nghiệp hoạt động trong dịch vụ du lịch thì đến năm 2022 là 504 doanh nghiệp tức là so với năm 2018 thì số doanh nghiệp dịch vụ du lịch tăng 7,9%. Trong khi đó số doanh nghiệp toàn tỉnh năm 2018 là 10.653 doanh nghiệp thì đến năm 2022 đã là 11.376 doanh nghiệp, tương ứng với tốc độ tăng là 6,7%. Điều này cho thấy trong giai đoạn này Covid 19 đã làm  tê liệt  ngành du lịch tuy nhiên, dịch vụ du lịch vẫn là một phân ngành có nhiều tiềm năng, là “phân khúc béo bở” mà các doanh nghiệp muốn tham gia. 

Bảng 5. Số doanh nghiệp hoạt động trong dịch vụ du lịch trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2018 – 2022

Đơn vị tính: Doanh nghiệp 

    Năm

Ngành

2018

2019

2020

2021

2022

Tổng 

10.653

10.683

10.828

11.225

11.376

Dịch vụ du lịch

Trong đó: 

467

470

452

476

504

  • Dịch vụ lưu trú

218

220

186

190

193

  • Dịch vụ ăn uống

180

182

204

226

248

  • Dịch vụ khác

69

68

62

60

63

Nguồn: Thống kê Nghệ An 2018 - 2022

1.5. Dịch vụ du lịch tạo việc tạo công ăn việc làm cho người lao động

Thực tiễn những năm qua cho thấy: cơ cấu lao động làm việc trong ngành sản xuất nông nghiệp đang có xu hướng giảm dần và lực lượng lao động ở ngành - dịch vụ, công nghiệp có xu hướng tăng. 

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Nghệ An số lao động đang hoạt động trong dịch vụ du lịch chỉ chiếm hơn 2% tổng lực lượng lao động trong nền kinh tế. Tổng số lao động hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp dịch vụ trên địa bàn tỉnh Nghệ An tính đến hết năm 2022 là 4.929 người, giảm 13,05% so với  năm 2018. Điều này chứng tỏ có sự chuyển dịch cơ cấu giữa các ngành trong nền kinh tế, nhưng dịch vụ du lịch vẫn chưa phải là lĩnh vực hấp dẫn thu hút lao động. Đồng thời, việc chuyển dịch cơ cấu lao động này còn mang tính tự phát, người lao động chưa được chuẩn bị về tinh thần cũng như trình độ, chất lượng lao động chưa thực sự giúp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Bảng 6.  Lao động trong dịch vụ du lịch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2022

    Đơn vị tính: Người

Chỉ tiêu

2018

2019

2020

2021

2022

Tổng số lao động trong các ngành 

203.207

205.643

197.679

191.439

203.340

Số lao động trong dịch vụ du lịch

5.669

5.219

5.682

4.853

4.929

Nguồn: Thống kê Nghệ An 2018 - 2022

1.6. Hiệu quả kinh tế dịch vụ du lịch

  • Năng suất lao động bình quân

Bảng 7. Năng suất lao động bình quân trong ngành dịch vụ du lịch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2022

                                                                        Đơn vị: tỷ đồng/lao động

Chỉ tiêu

2018

2019

2020

2021

2022

Giá trị ngành dịch vụ

7.756

8.816

7.341

5.119

5.602

Số lao động

5.669

5.219

5.682

4.853

4.929

NSLĐ bình quân

1,37

1,69

1,29

1,05

1,14

Nguồn: Thống kê tỉnh Nghệ An 2018 - 2022

Năng suất lao động bình quân trong ngành dịch vụ du lịch tỉnh Nghệ An năm 2018 là 1,37 tỷ đồng/ lao động liên tục giảm xuống, đến năm 2022 chỉ còn 1,14 tỷ đồng/lao động. Điều nay  cho thấy hiệu quả sử dụng lao động ngành dịch vụ du lịch của tỉnh đang giảm sút nghiêm trọng. 

  • Thu nhập bình quân lao động

Theo bảng 8 xét về số tương đối tốc tăng thu nhập bình quân giai đoạn 2018 – 2022 của lao động ngành dịch vụ (7,8%) thấp hơn tốc độ tăng bình quân thu nhập toàn tỉnh (17,8%). Nhưng theo số tuyệt đối, thu nhập bình quân của lao động trong các doanh nghiệp dịch vụ trên địa bàn tỉnh Nghệ An tăng đáng kể. Năm 2018, lao động ngành dịch vụ có thu nhập 48,04 triệu đồng/người/năm, năm 2020 là 63,57 triệu đồng/người/năm; thì đến năm 2022 đạt 68,7 triệu đồng/người/năm tức là gấp 1,43 lần so với năm 2018.; và mức thu nhập của lao động ngành dịch vụ cũng cao hơn thu nhập của lao động ở các ngành khác, gấp 3,4 lần năm 2018 và gấp 2,1 lần năm 2022.

Bảng 8. Thu nhập bình quân lao động ngành dịch vụ du lịch và thu nhập bình quân của toàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2022

Đơn vị tính: Triệu đồng/người năm; %

Năm

2018

2019

2020

2021

2022

Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2010 – 2015

TNBQ toàn tỉnh

14,16

16,16

19,67

23,36

32,1

17,8 (%)

TNBQ ngành dịch vụ du lịch

48,04

60,10

63,57

65,46

68,7

7,8 ( %)

Nguồn: Thống kê tỉnh Nghệ An 2018 – 2022

2. Đánh giá thực trạng phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 – 2022

2.1. Kết quả đạt được

Ngoại trừ những năm bị tác động của Covid 19, giá trị sản xuất dịch vụ du lịch của tỉnh Nghệ An trong giai đoạn 2018 – 2022 luôn đạt khá, liên tục; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của dịch vụ du lịch luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tỉnh. Dịch vụ du lịch của tỉnh Nghệ An có xu hướng chuyển dịch theo hướng tăng mạnh ở những phân ngành dịch vụ hiện đại, điều này không những làm tăng giá trị dịch vụ du lịch mà còn giúp tăng tỷ trọng ngành du lịch trong nền kinh tế .

Bên cạnh đó là sự xuất hiện của những phân ngành dịch vụ du lịch hiện đại. Số doanh nghiệp hoạt động trong dịch vụ du lịch cũng không ngừng được tăng lên điều này chứng tỏ có sức hấp dẫn mà dịch vụ du lịch mang lại.

2.2. Hạn chế

Mặc dù, dịch vụ du lịch của tỉnh Nghệ An có vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, nhưng so với yêu cầu phát triển kinh tế  của đất nước và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực thì sự phát triển của dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn bộc lộ những yếu kém, bất cập như:

Một là, giá trị sản xuất cũng như tốc độ tăng trưởng của dịch vụ du lịch trong giai đoạn 2020 – 2022 đang có sự sụt giảm mạnh do tác động của Covid 19. Điều này cho thấy dịch vụ du lịch phát triển chưa bền vững. Đây chính là thách thức đặt ra đối với dịch vụ du lịch của tỉnh nhà.

Hai là, mặc dù có cùng điều kiện phát triển như các tỉnh khác trong khu vực Bắc Trung Bộ, nhưng tốc độ tăng trưởng dịch vụ du lịch của tỉnh Nghệ An lại thấp hơn so với các tỉnh khác.

Ba là, trong dịch vụ du lịch thì nhóm dịch vụ du lịch hỗ trợ như: dịch vụ vui chơi, giải trí; dịch vụ chăm sóc sức khỏe chưa phản ánh được vị trí, vai trò thể hiện qua tốc độ tăng trưởng của các nhóm ngành này bị giảm mạnh.

Bốn là, việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ các ngành khác sang dịch vụ du lịch còn mang tính tự phát, người lao động chưa được chuẩn bị về tinh thần cũng như trình độ dẫn đến chất lượng lao động dịch vụ du lịch chưa cao.

Năm là, số lượng doanh nghiệp dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An tăng nhanh, nhưng phát triển còn mang nặng tính tự phát, chưa thực hiện được quy hoạch định hướng. 

Sáu là, mặc dù các địa phương, các doanh nghiệp dịch vụ của tỉnh Nghệ An đã có mục tiêu chiến lược tương đối rõ ràng cho việc tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, việc đầu tư chưa đúng hướng, còn dàn trải, việc đổi mới công tác quản lý, điều hành còn chậm đã dẫn đến hiệu quả hoạt động của dịch vụ du lịch không cao.

3. Một số giải pháp về phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian tới

Giải pháp về cơ chế, chính sách 

Trước hết, ngành du lịch cần tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh hoạch định các cơ chế chính sách phát huy sức mạnh tổng hợp; giải quyết mối quan hệ liên ngành, liên vùng; tập trung nội lực thu hút ngoại lực. Một số các cơ chế, chính sách cần ưu tiên quan tâm hàng đầu là: chính sách về thuế, đất đai, chính sách đầu tư, hỗ trợ đào tạo…nhằm khuyến khích thu hút nguồn đầu tư tại các trọng điểm phát triển du lịch. Đồng thời tạo hành lang thuận tiện, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch. Đặc biệt tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trong nội tỉnh cũng như một số thành phố lớn liền kề tham gia đầu tư xây dựng và cải thiện các khu vui chơi, giải trí, các dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú phục vụ du lịch. Ngoài ra, để tạo ra được sản phẩm đa dạng và đặc sắc cần tạo điều kiện mở rộng và phát triển các ngành nghề kinh doanh có vai trò hỗ trợ phát triển du lịch như: các hàng thủ công mỹ nghệ, văn hóa ẩm thực bản địa…

Giải pháp về tổ chức quản lý 

Để du lịch Nghệ An phát triển bền vững Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cần phối hợp với các ban ngành có liên quan tiến hành công tác quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết du lịch. Trên cơ sở rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nghệ An giai đoạn trước; xác định những yếu tố ảnh hưởng, các nguồn lực phục vụ cho sự phát triển tỉnh nhà; tiến hành định hướng chiến lược phát triển du lịch Nghệ An và điều chỉnh tổ chức không gian lãnh thổ du lịch với các cụm, điểm, tuyến du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù.

 Giải pháp về hợp tác đầu tư và hỗ trợ phát triển 

Tỉnh Nghệ An cần đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư phát triển các khu dịch vụ, du lịch phức hợp, khu vui chơi giải trí tổng hợp, khu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, khách sạn cao cấp, trung tâm mua sắm... 

Ngoài ra để thực hiện chuyển đổi số dịch vụ du lịch thành công, tỉnh cần có sự đầu tư, hỗ trợ cho các doanh nghiệp dịch vụ du lịch về cơ sở hạ tầng, vốn cũng như nhân lực.

Sử dụng các giải pháp chuyên dụng 

Để bắt kịp xu thế chuyển đổi số hiện nay, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch có thể áp dụng các biện pháp chuyển đổi số theo tính chất dịch vụ tham gia như: xây dựng hệ thống quản lý khách sạn trên nền tảng điện toán đám mây (PMS), theo dõi ăn sáng, đặt chỗ và gọi món trực tuyến, tự động hóa quy trình Robot (RPA), quản lý đám đông, gắn thẻ hành lý, chatbot, dọn phòng điện tử, vận chuyển đồ nặng có hỗ trợ, Robot vệ sinh sàn khu công cộng…

3. KẾT LUẬN

Với sự phát triển ngày càng nhanh và mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì chuyển đổi số trở thành một yêu cầu tất yếu đối với các quốc gia trên toàn thế giới. Chuyển đổi số giúp các quốc gia tăng năng suất, giảm chi phí đồng thời mở ra không gian phát triển mới, tạo ra những giá trị mới ngoại những giá trị truyền thống vốn có. Để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên địa bàn tỉnh, triển khai ứng dụng nền tảng du lịch thông minh, số hóa mọi hoạt động quản lý du lịch, sở du lịch Nghệ An đã ban hành nghị quyết số 178-NQ/CB ngày 16/3/2022 về đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch tỉnh Nghệ An; ngày 23/5/2023 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1439 QĐ-UBND phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035. Điều này, đòi hỏi lĩnh vực du lịch Nghệ An nói chung và dịch vụ du lịch nói riêng cần đẩy mạnh chuyển đổi số “đường dài” để theo kịp xu thế phát triển tất yếu của thời đại 4.0. Vì vậy, để phát triển trong dịch vụ du lịch trong thời gian tới tại Nghệ An có hiệu quả, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chú trọng xây dựng hệ thống quản trị, vận hành trên nền tảng công nghệ; tận dụng nguồn dữ liệu lớn để phân tích, thấu hiểu khách hàng; tăng cường quảng bá trên các nền tảng số. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Cục thống kê tỉnh Nghệ An, Niên giám thống kê tỉnh Nghệ An 2018, 2019, 2020, 2021.

  2. Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017), Luật du lịch 2017 số 09/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 19/06/2017.

  3. Sở du lịch Nghệ An (2022), Nghị quyết số 178-NQ/CB ngày 16/3/2022 về đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch tỉnh Nghệ An.

  4. Thủ tướng chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ- TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

  5. Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An (2023), Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035, Quyết định số 1439 QĐ – UBND tỉnh Nghệ An vào ngày 23/5/2023.

                                         

                                                                                                                                                                                                                                                                            Bành Thị Vũ Hằng - Khoa Kinh tế - QTKD