Coi trọng truyền thống 60 năm để xây dựng và phát triển Trường ĐH Kinh tế Nghệ An

COI TRỌNG TRUYỀN THỐNG 60 NĂM ĐỂ XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ NGHỆ AN 

        Đồng chí Trương Quang Ngân

 UVBTV Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng 

 

Tiền thân của trường Đại học Kinh tế Nghệ An ra đời bắt đầu từ quá trình hình thành và phát triển của tất cả các trường thành viên từ những năm 1960 của thế kỉ trước, ngày 27/01/2014 Phó Thủ tướng Chính Phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Vũ Đức Đam ký Quyết định số 205/QĐ-TTg nâng cấp trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An lên thành trường Đại học Kinh tế Nghệ An, đến năm 2020 nhà trường tròn “60 năm truyền thống xây dựng và phát triển”. Đây là dấu mốc quan trọng để khẳng định vị trí của nhà trường trên tất cả các lĩnh vực phát triển như: xây dựng đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo và nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và các nhiệm vụ chính trị khác,… Từ đó, xác định rõ các trụ cột đầu tư phát triển trong giai đoạn tiếp theo về bảo đảm chất lượng: Sự cam kết của trường; sự công nhận của xã hội; và kiểm định chất lượng giáo dục. Để tiếp tục khẳng định được thương hiệu về đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xã hội trong giai đoạn tiếp theo. Quá trình xây dựng và phát triển của nhà trường luôn gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng ủy, quản lý của Ban giám hiệu và chiến lược phát triển của Hội đồng trường. Có thể khẳng định Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban giám hiệu là hạt nhân quan trọng trực tiếp lãnh đạo các hoạt động của nhà trường. Cùng với sự quyết tâm, đồng thuận, đoàn kết của tập thể cán bộ, giảng viên qua các thời kỳ đã viết thêm bảng vàng thành tích rất tự hào của trường Đại học Kinh tế Nghệ An trong 60 năm qua.

Quá trình hình thành, xây dựng và phát triển nhà trường chia thành 3 giai đoạn, mỗi một giai đoạn gắn liền với nhiệm vụ đào tạo theo bậc học khác nhau. Giai đoạn từ 1960 – 2005, đây là giai đoạn gồm nhiều trường thành viên với nhiệm vụ đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp, sau đó sáp nhập cuối cùng thành Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An theo Quyết định số 4131/QSS/UB.VX ngày 31/10/1998 của UBND tỉnh Nghệ An. Kế tiếp là giai đoạn 2005 - 2014 để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Nghệ An và các tỉnh lân cận, trường đã đầu tư phát triển cả về cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ cán bộ giảng viên, đến ngày 31/01/2005, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 483/QĐ-BGD&ĐT, về việc thành lập (nâng cấp) trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An thành trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An. Cuối cùng là giai đoạn 2014 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự quyết tâm của Ban giám hiệu và sự cố gắng học hỏi nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ giảng viên, sự giúp đỡ của các tổ chức, ban ngành trong tỉnh để mở mang diện tích đất, đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu cho việc nâng hạng trường. Kết quả đến đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 205/QĐ-TTg ngày 27/01/2014 nâng cấp trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An lên thành trường Đại học Kinh tế Nghệ An. Trải qua các giai đoạn hình thành và phát triển nhà trường đã đào tạo hàng vạn cán bộ trong các lĩnh vực kinh tế, kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, quản lý đất đai và kỹ thuật nông lâm nghiệp, Bác sĩ Thú y,… trong và ngoài nước, góp phần đáp ứng yêu cầu cán bộ phục vụ cho quá trình phát triển KTXH của tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung.

Truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển của nhà trường luôn luôn gắn liền với các thế hệ lãnh đạo, các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ công nhân viên là những người đặt nền móng, góp phần xây dựng nhà trường ngày càng phát triển. Trong từng giai đoạn, mỗi đồng chí lãnh đạo, cán bộ, giảng viên; mỗi người có cách thức, phương pháp làm khác nhau nhưng đều chung một điểm: đó là tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với sự phát triển của nhà trường, với học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, mỗi một giai đoạn lịch sử cụ thể, đều có những thuận lợi và khó khăn khác nhau, gắn liền với các cột mốc quan trọng của lịch sử nhà trường. Từ đó, với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của thầy và trò qua các thế hệ, Đảng, nhà nước đã ghi nhận những thành tích nhà trường đạt được và trao tặng những danh hiệu thi đua như: Năm 1995 nhà nước tặng thưởng cho trường Huân chương LĐ hạng ba; Năm 2004 nhà nước tặng thưởng cho trường Huân chương LĐ hạng nhì; Năm 2010 nhà nước tặng thưởng cho trường Huân chương LĐ hạng nhất; Nhiều năm trường được UBND tỉnh Nghệ An tặng bằng khen, trường đã được tặng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của các cấp, các ngành. Về tổ chức đoàn thể đã nhận được nhiều bằng khen của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội sinh viên Việt Nam cho tập thể và nhiều cá nhân vì có thành tích xuất sắc trong các phong trào hoạt động.

Nhìn lại chặng đường 60 năm đã qua, tập thể nhà trường đã tạo dựng được những thành tựu và kinh nghiệm trong xây dựng đội ngũ, phát triển chương trình đào tạo, tổ chức các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, để thực sự trở thành một đơn vị mạnh về đào tạo và nghiên cứu khoa học, có đội ngũ mạnh về chuyên môn, vững vàng về chính trị, nhiệt huyết và sức sáng tạo trong nghề nghiệp, cống hiến trên mặt trận giáo dục, đòi hỏi công tác xây dựng đội ngũ càng phải xứng tầm hơn nữa. Vì vậy, những định hướng phát triển của nhà trường trong giai đoạn tới sẽ là tiền đề để nhà trường xây dựng và phát triển một cách toàn diện đó là:

Thứ nhất: Làm tốt công tác chính trị tư tưởng đối với cán bộ, giảng viên trong toàn trường, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng ủy; Vai trò quản trị và định hướng của Hội đồng trường; Vai trò quản lý và thực hiện của Ban giám hiệu. Quá trình lãnh đạo, quản trị, quản lý phải thực sự coi trong giá trị cốt lõi truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển nhà trường. Tập thể Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban giám hiệu phải tập hợp và hội tụ đầy đủ trí tuệ, ý chí của cán bộ, giảng viên để xây dựng nhà trường phát triển.

Thứ hai: Xây dựng chiến lược phát triển nhà trường trên cơ sở cụ thể hóa được các định hướng về đổi mới bao gồm: định hướng về vai trò của Ban giám hiệu từ kiểm soát trực tiếp sang kiến tạo và đảm bảo chất lượng; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, trách nhiệm giải trình đối với xã hội; đổi mới quản trị nhà trường theo hướng hợp tác với các trường đại học trong tỉnh, hội nhập trong nước và thế giới. Xây dựng chiến lược của nhà trường cần tập trung vào 5 trụ cột chính: tăng cường năng lực quản lý nhà nước và quản trị nhà trường; sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh giảm; tăng cường chất lượng đội ngũ phù hợp nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; đảm bảo nguồn tài chính bền vững để tự chủ; tăng cường minh bạch thông tin, truyền thông. Chiến lược cần xác định rõ mục tiêu, giải pháp và lộ trình triển khai khả thi, tạo ra được sự đồng thuận để thực hiện.

Thứ ba: Đặc biệt quan tâm chất lượng đào tạo, xây dựng thương hiệu của nhà trường giữa trên nền tảng của chất lượng, tập trung đổi mới tư duy và phương pháp dạy học, xây dựng chương trình đào tạo theo hướng thực hành ứng dụng nghề nghiệp phù hợp yêu cầu xã hội. Xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao tạo ra chuỗi giá trị đào tạo bao gồm “Kiến thức nghiệp vụ chuyên môn” gắn liền với “Kỹ năng sống, kỹ năng tiếp cận và hoàn thành nhiệm vụ mới”. Chấp nhận các khó khăn trước mắt, tập trung nguồn lực tài chính để đầu tư đội ngũ, cơ sở vật chất, xây dựng nhà trường theo hướng chuyên nghiệp, định hướng kế hoạch dài hạn, đánh giá đảm bảo chất lượng giáo dục của nhà trường.

Thứ tư: Ban hành chính sách ưu tiên đặc biệt để đầu tư nguồn lực cho đào tạo đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ quản lý các cấp như (Trưởng phó khoa, Trưởng bộ môn…) và giảng viên, để đảm bảo tăng nhanh về số lượng tiến sĩ, đầu tư trọng điểm để một số cán bộ có năng lực hoàn thành các tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh phó giáo sư. Phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên giỏi về chuyên môn, tâm huyết với nghề, có trách nhiệm cao trong sự nghiệp đào tạo và giáo dục. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, mục tiêu trong xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, vừa đào tạo tại chỗ, vừa có chính sách ưu đãi tuyển dụng nhân lực có trình độ cao.

Thứ năm: Đa dạng các loại hình đào tạo, phát triển thêm các ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ gắn khoa học ngày càng chặt chẽ với đào tạo và thực tế sản xuất. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và liên kết bằng nhiều hình thức để đào tạo nguồn cán bộ giảng viên và sinh viên. Mở rộng hơn nữa các hoạt động hợp tác trong nghiên cứu khoa học và đào tạo với các nhà khoa học trong và ngoài nước, các trường, viện nghiên cứu nhằm tạo ra đội ngũ cán bộ giảng dạy vừa có chuyên môn giảng dạy vừa có khả năng nghiên cứu ứng dụng giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng. 

Thứ sáu: Từng bước tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; không ngừng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, giảng viên và sinh viên. Xây dựng các tổ chức quần chúng vững mạnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong nội bộ để mọi hoạt động của nhà trường được công khai, minh bạch, dân chủ. Xây dựng môi trường học tập và rèn luyện, thực sự tạo ra động lực cho sức sáng tạo và tôn vinh các giá trị lao động của tuổi trẻ, một môi trường tự học tập và nghiên cứu khoa học tốt cho sinh viên được đánh giá khách quan, công bằng, tạo ra được chuỗi giá trị đào tạo từ kiến thức đến kỹ năng sống một cách cân bằng.

Thứ bảy: Xây dựng phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Nhà trường gắn với đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục, thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng nguồn thu tối đa nhằm phát triển hoạt động của Nhà trường. Thực hiện tinh thần phát huy cao độ nội lực, đồng thời tăng cường sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhà nước và các doanh nghiệp.

Trải qua gần 60 năm xây dựng và phát triển, Đảng ủy, Ban giám hiệu trường Đại học Kinh tế Nghệ An hôm nay phải biết kế thừa những giá trị đã có trong lịch sử của trường và cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để thực hiện tốt vai trò sứ mệnh của mình trong giai đoạn tiếp theo. Nhìn lại chặng đường đã đi qua và đứng trước những thời cơ mới và thách thức mới. Tập thể Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban giám hiệu, cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường cần phải phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng phấn đấu xây dựng nhà trường trở thành trung tâm đào tạo đội ngũ cán bộ kinh tế - kỹ thuật nông lâm nghiệp có trình độ cao đáp ứng yêu cầu xã hội, góp phần xây dựng quê hương Nghệ An ngày càng vững mạnh.

 


Bài viết khác